Vượt qua miệng lưỡi của thế gian
“Em thương yêu! Chắc là em mong tin anh lắm phải không? Và trong đầu có lẽ đang có hàng tỉ câu hỏi vớ vẩn có đúng không? Anh đoán chắc chắn là như vậy. Em yêu, đừng có giận và trách anh nhé, cũng đừng có những ý nghĩ sai về anh… Nói thật là anh rất lo cho em. Anh đã rũ áo ra đi để lại biết bao hậu quả mà em phải gánh chịu trong khi anh lại đang nhởn nhơ ở dưới này… Em đã mất đi tất cả để đánh đổi một cái: được anh. Bởi vậy anh càng thương và yêu em, yêu em hơn ai hết”.
Đã hàng trăm lần đọc lá thư ấy chị đều không cầm được lòng. Đó là bức thư duy nhất chị nhận được nên rất nâng niu, giữ gìn. Nhưng rồi hi vọng lại thất vọng bởi người ấy đã không vượt qua được áp lực của gia đình, bỏ rơi chị nơi xứ người trong lúc bụng mang dạ chửa, dư luận bủa vây.
Ngược về quá khứ 40 năm trước, khi ấy cô gái trẻ Nguyễn Thị Lánh mới 19 tuổi đã là một y tá rất năng nổ của Trạm Y tế xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Thời bao cấp cuộc sống khó khăn mà chờ mãi mấy năm cũng không có biên chế nên khi một người họ hàng rủ lên tỉnh Lai Châu để tìm việc làm chị đã đồng ý. Sau khi xin vào Bệnh viện tỉnh, chị còn đi học bổ túc thêm, trong thời gian này tình cờ gặp và yêu một sinh viên con của vị lãnh đạo tỉnh đang về nghỉ hè.
Cái thai là kết quả của cuộc tình đó. Khi mọi chuyện vỡ lở, mẹ anh dứt khoát lắc đầu vì không môn đăng hộ đối, lấy cớ mình bệnh tim, bà đanh thép khẳng định với chồng: “Nếu ông nhất định cho cưới thì ngày đó cũng là ngày chết của tôi”. Ba bề, bốn bên tạo áp lực. Vị lãnh đạo tỉnh kia còn đưa con trai trở về quê ở Thanh Hóa để quyết tâm chia lìa đôi lứa.
Năm 1987, chị vượt cạn một mình, bị cơ quan kỷ luật vẫn không sợ bằng định kiến của xã hội cứ như những con đỉa đói đeo bám mãi vào thân.
Nguyễn Văn Linh ra đời với biết bao cay đắng lặn vào trong lòng chị, với bao ước vọng ngời lên trong ánh mắt chị. Năm 1990 hai mẹ con về phép, tình cờ thoát được trận lũ quét tràn qua thị xã Lai Châu cuốn đi toàn bộ nhà cửa, cơ quan, xí nghiệp nằm phía bên bờ thấp của dòng Nậm Lay khiến gần 100 người chết và mất tích.
Phần vì mất hết đồ đạc, giấy tờ, phần vì thương con làm mẹ đơn thân nơi xứ lạ, gia đình chị mới giữ cả hai lại ở quê, họ hàng, làng xóm cùng đùm bọc. Chính quyền xã Dạ Trạch hồi ấy còn có một chính sách rất nhân văn là cấp cho mỗi phụ nữ quá lứa nhỡ thì một mảnh đất làm chỗ nương thân. Chị Lánh cũng là một trong mấy chục người được nhận đất như vậy.
Nhiều chàng trai đến mong được chở che nhưng chị nhất quyết chối từ bởi muốn dành tất tình cảm cho con. Không có bố, thằng bé đã sớm biết thương mẹ. Có buổi thấy chị đổi dép cho đồng nát, nó nói: “Mẹ ơi, đổi một chiếc thôi vì con chỉ rách có một chiếc”. Chị âu yếm cười, bảo: “Ai đời người ta cho đổi một chiếc hả con?”.
Cân ơi, vào đây
Thấy các bà cùng làng đi lên Hà Nội bán rau chị cũng xin đi buôn. Đang học mẫu giáo, một buổi thấy mẹ gánh rau ra bến sông để lên cano ngược sông Hồng, thằng bé hớt hải chạy theo, mũi dãi đầy mặt, vừa chạy vừa gào khóc: “Ối mẹ ơi”. Thương quá nên chị mới cho con lên Hà Nội cùng mình. 3 giờ sáng chị ra cầu Long Biên lấy hàng xong về nhà đánh thức con dậy, bảo bám theo dải quang rồi gánh rau đi bán rong khắp phố phường.
Đến tuổi đi học, chị phải gửi nó về cho mẹ ở quê rồi dặn dò: “Con ơi, ở nhà cố gắng mà học đi nhá! Mẹ bây giờ phải đi chợ mới có tiền nuôi con chứ cứ ở nhà thì chết đói cả”. Được cái thằng bé sáng dạ và tự lập. Nhiều bài toán khó nó nhất quyết không cho ai giúp mà cứ suy nghĩ, có khi đến 1, 2 giờ sáng cũng bật dậy vì đã tìm ra lời giải.
Buôn thật bán thà, mấy năm trời bôn ba ở Hà Nội mỗi ngày chị chỉ lãi được 10.000 - 15.000 đồng. Có lần, 3 buổi sáng liên tiếp chị bị công an bắt vào 3 phường khác nhau vì tội bán hàng rong trên vỉa hè. Khóc lóc van xin: “Ối chú ơi, cho cháu xin” nhưng vẫn không được tha. Bị tịch thu hết cả hàng hóa, sợ quá chị trở về quê, trông bệnh nhân thuê rồi nhờ ông anh làm phó cả xin đi làm phụ vữa. Nặng có 37kg nên không kham nổi việc nặng nhọc đó, chị lại vay mượn tiền nong để đi cân dạo - nghề rất thịnh hành ở Dạ Trạch hồi ấy do ông bà Minh-Hạnh là "tổ sư".
Lúc đầu chỉ là cái cân vác vai, sau mới là cái cân đẩy, biết nói oang oang các chỉ số chiều cao, trọng lượng, hình dáng béo hay gầy của khách. Để có cái cây biết nói trị giá 25 triệu ấy, 3 gia đình phải cắm cả sổ đỏ vào ngân hàng chung nhau mà mua.
Khăn bịt kín mặt, chỉ hở ra mỗi đôi mắt nên chẳng biết người đi cân là già hay trẻ, ai cũng chỉ gọn lỏn gọi mỗi một câu: “Cân ơi, vào đây”. “Dạ”, chỉ chờ có thế là chị lon ton chạy lại. Mỗi lần cân giá 500 - 1.000 đồng nhưng nhiều khi cũng bị ăn quỵt. Thân cô thế cô chị biết phải làm sao?
Niềm vui từng ngày, từng giờ của chị là dõi theo từng bước chân của con, thấy nó mỗi lúc một khôn lớn. Lúc Linh chuẩn bị thi đại học, chị nhẹ nhàng khuyên: “Nếu con thi đỗ đại học, kể cả đi vay nặng lãi mẹ cũng nuôi, còn nếu không mẹ sẽ mua cho con cái cân mà hành nghề”. Nó cười, vì quá hiểu mẹ.
Khi Linh lên Hà Nội học Đại học Xây dựng, chị bỏ cân dạo ở Hải Phòng lên theo, thuê nhà trọ ở cùng, sáng cơm nước cho con, chiều đi đến nửa đêm để mà kiếm sống.
Có lần đi cân giữa đường không may gặp một cơn giông, không biết trú ở đâu, có chiếc áo mưa duy nhất chị cũng cởi ra, khoác cho cái cân nhưng vẫn không cứu được bình ắc quy, phải vay lãi hơn 1 triệu để mà mua thay thế. Giọt nước mưa rơi hay giọt nước mắt rơi trên mặt chị cũng còn không biết nữa. Rồi những buổi chạy mướt mải vì trật tự đuổi, bị khênh cả cân lẫn người lên xe về phường.
Bình thường nghề cân dạo cũng tùng tiệm đủ ăn cho cả hai mẹ con nhưng những hôm mưa gió, những buổi về quê có việc thì không, nên cứ âm dần vào vốn, mắc nợ đến hơn 20 triệu. Hôm sinh nhật con, chị bảo: “Mẹ chẳng có tiền tặng cho con một cái gì cả, chỉ chiêu đãi con một bữa trứng vịt lộn đến chán thì thôi!”.
Nghe thấy thế, mắt Linh sáng lên, tay nó nhoay nhoáy đập, ăn liền tù tì 27 quả trứng một lúc. Chị hoảng quá phải mua cả thuốc rối loạn tiêu hóa để phòng ngừa nhưng bụng dạ nó lại chẳng sao. Có lẽ bởi Linh thiếu chất thường xuyên nên mới đói góp, no dồn như vậy.
Linh học rất giỏi, đang học thì nhận được học bổng đi Pháp. Khi hoàn thành đại học nó học lên thạc sĩ, tiến sĩ và có cả hai quốc tịch Việt - Pháp. Sau đó, chị còn được ông anh gửi gắm thằng con học đại học nên chị phải ở Hà Nội thêm mấy năm để vừa cân dạo, vừa bảo ban, giúp đỡ cháu. Từ con đẻ đến con dâu, con rể của cả 7 anh chị em, đứa nào cũng gọi là mẹ hết thành ra chị có đến mười mấy đứa con.
Giờ đây, chị trở về quê, sống thanh thản tuổi già nhờ sự giúp đỡ của con trai ở nước ngoài và trong ân tình của làng xóm. Hôm tôi đến, thấy mấy người hàng xóm đang ăn socola Pháp rồi nghe chị đọc tin nhắn của Linh: “Mẹ ơi, hôm nay nhân ngày 8/3 con chúc mẹ luôn luôn mạnh khỏe. Mẹ có mạnh khỏe bên này con mới yên tâm công tác. Con mong mẹ lúc nào cũng mạnh khỏe để làm hành trang cho con bước tiếp cuộc đời”.
Ông Nguyễn Duy Thiện - cựu Chủ tịch UBND xã Dạ Trạch: "Cả xã này chưa có nhà ai hoàn cảnh khó khăn như mẹ con chị Lánh thế mà chị ấy vẫn chấp nhận hi sinh, suốt đời không đi lấy chồng để dồn tình cảm, nuôi con thành tiến sĩ”.