| Hotline: 0983.970.780

Những câu chuyện về loài sâm số 1 thế giới: Bừng sáng những làng quê nghèo

Thứ Năm 08/04/2021 , 10:00 (GMT+7)

Từ cảnh làng nghèo xơ xác, ẩn mình dưới tán rừng, cây sâm Ngọc Linh đã giúp 'lột' sạch vẻ ngoài u ám, thay vào đó là sự trù phú, sinh động, đầy sức sống.

Tỷ phú sâm ở Trà Linh

Khoảng chục năm về trước, những ngôi làng đồng bào Xê Đăng ở lưng chừng núi Ngọc Linh (thuộc xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) còn nghèo xơ xác, tìm “đỏ mắt” không ra một căn nhà xây. Còn bây giờ đã có rất nhiều nhà bê tông kiên cố, nhà tầng “to vật vã”, đường trải bê tông láng coóng, xe ô tô chạy êm ru vào tận cổng nhà.

Làng Tắk Lang (xã Trà Linh) nằm cheo leo trên núi Ngọc Linh, từng là một trong những làng nghèo nhất vùng Nam Trà My. Khoảng chục năm trước, để lên đến đây, phải mất gần cả ngày đi từ trung tâm huyện mới đến nơi, vì đường đi khó khăn. Bây giờ, rất nhiều nhà xây, nhà 2 - 3 tầng đã mọc lên, đường rộng, trải bê tông phẳng lỳ, xe ô tô chạy ào ào. “Đồng bào đổi đời nhờ cây sâm đấy”, ông Hồ Văn Du, 59 tuổi, một “đại gia” sâm Ngọc Linh ở thôn 1 xã Trà Linh, nói.

Hình ảnh cách đây chục năm ở Tăk Lang, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My không còn nữa. Nơi đây giờ trù phú chẳng thua gì các vùng quê miền xuôi. Ảnh: Phước Vinh.
Hình ảnh cách đây chục năm ở Tăk Lang, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My không còn nữa. Nơi đây giờ trù phú chẳng thua gì các vùng quê miền xuôi. Ảnh: Phước Vinh.

Hình ảnh cách đây chục năm ở Tăk Lang, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My không còn nữa. Nơi đây giờ trù phú chẳng thua gì các vùng quê miền xuôi. Ảnh: Phước Vinh.

Căn nhà của ông Du được đổ bê tông, nền gạch hoa, nếu không nhìn ra núi non chập chùng, mây quấn ngang đầu, thì không nghĩ đây là vùng núi cao. Mấy năm trước, ông Du từng khiến người dân ở thôn 1 trố mắt ngạc nhiên khi bỏ 200 triệu đồng xây nhà vệ sinh hiện đại. Ông Du bảo, cái nhà vệ sinh đó nếu là ở đồng bằng hay thành phố thì chắc chỉ 2 - 3 chục triệu là cùng. Nhưng ở trên núi thì khác.

“Vì ở độ cao hơn 1.000m, đường đi toàn đèo dốc quanh co, nguy hiểm, nên vận chuyển được vật liệu lên là cả một kỳ công. Chính vì thế, khi lên tới đây, giá vật liệu tăng lên gấp 10 thậm chí 15 lần. 1m2 gạch hoa giá dưới thị trấn Tắk Pó 150.000 đồng thì đến đây phải 1,5 triệu đồng; một bao xi măng 500.000 đồng. Đó là chưa kể tiền công cũng cao gấp nhiều lần. Ấy là ngày xưa, chứ giờ có đường lên nên giá vật liệu cũng rẻ hơn rồi, nhưng vẫn cao hơn nhiều lần so với dưới xuôi”, ông Du nói.

Anh Hồ Văn Hình, một trong những người có tiền tỷ nhờ sâm Ngọc Linh, và hiện đang là người có cơ ngơi hoành tráng nhất ở Tăk Lang. Ảnh: Phước Vinh.

Anh Hồ Văn Hình, một trong những người có tiền tỷ nhờ sâm Ngọc Linh, và hiện đang là người có cơ ngơi hoành tráng nhất ở Tăk Lang. Ảnh: Phước Vinh.

“Sao mình không là nhà bằng các vật liệu khác như gỗ, cây rừng, rẻ hơn?”, tôi hỏi. “Rừng mình không lấy được. Bao đời nay toàn ở nhà tạm, vách lồ ô, mái lá rừng, mau hư lắm. Giờ có cây sâm rồi, bán vài cân là dư tiền làm thôi”, ông Du đáp.

Ông Du là một trong số ít những người đầu tiên trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My. Cơ duyên đến với ông khi vào những năm đầu thập niên 80 thế kỷ 20, do là người bản địa, thuộc địa bàn núi Ngọc Linh như lòng bàn tay, ông được tuyển vào đoàn khảo sát của nhà nước lên núi tìm hiểu về sâm Ngọc Linh. Ông cũng chính là những người đầu tiên trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh tự nhiên tại trạm dược liệu Trà Linh.

Sau khi làm việc tại trạm dược liệu này, ông bắt đầu trồng riêng cây sâm Ngọc Linh cho gia đình. Hiện ông Du đang có có khoảng 130.000 cây, trong đó hơn 10.000 cây 10 năm tuổi. Ước tính vườn của ông có từ 6 tấn sâm trở lên. Tức hiện ông Du đang có từ 300 - 350 tỷ đồng nằm... dưới đất.

Dùng lưới bảo vệ hoa, trái sâm Ngọc Linh khỏi chuột, côn trùng. Ảnh: Phước Vinh.

Dùng lưới bảo vệ hoa, trái sâm Ngọc Linh khỏi chuột, côn trùng. Ảnh: Phước Vinh.

Ngoài ông Du, ở Trà Linh còn nhiều gia đình Xê Đăng khác đang giàu lên mỗi ngày. Theo nhẩm tính của ông Du, hiện Trà Linh có hơn 20 “đại gia” xây nhà to, nhà kiên cố. Hơn chục nhà mua ô tô tiền tỉ. Một trong số đó là dãy nhà đang xây của anh Hồ Văn Hình, 51 tuổi. Cơ ngơi của anh Hình đầu tư hơn chục tỷ đồng, gồm 3 căn nhà nối tiếp nhau. “Tất cả tài sản này đều nhờ sâm Ngọc Linh”, anh Hình nói.

Là người sinh ra và lớn lên ở rừng, anh Hình phân tích: “Môi trường là điều kiện đầu tiên phải có để cây sâm phát triển. Trong đó ngoài độ cao, khí hậu phù hợp, cây sâm còn phải có tán rừng nguyên sinh che chở. Nếu không giữ được rừng thì bây giờ làm sao có cây sâm quý mà đổi lấy nhà, lấy xe”.

Kỳ vọng đổi đời

Huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei của Kon Tum cũng là nơi phát triển mạnh cây sâm Ngọc Linh, nhiều hộ đồng bào Xê Đăng ở đây đã thoát nghèo, dần khá lên.

Gặp ông A Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), người đã trồng sâm Ngọc Linh hơn 20 năm nay ở sân UBND xã, ông cười bảo: “Ngày xưa, tìm đỏ mắt không thấy cái nhà xây ở làng. Bây giờ, nhiều nhà xây, mà xây to. Nhiều người có tiền tỷ rồi. Nhờ cây thuốc giấu cả”.

Một góc trung tâm huyện Tu Mơ Rông, thủ phủ sâm Ngọc Linh. Ảnh: Phúc Lập.

Một góc trung tâm huyện Tu Mơ Rông, thủ phủ sâm Ngọc Linh. Ảnh: Phúc Lập.

Bao năm qua, diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên nói chung cứ teo tóp dần. Nhưng riêng tại huyện Tu Mơ Rông, nơi cư ngụ bao đời nay của đồng bào Xê Đăng, rừng nguyên sinh vẫn được giữ gần như nguyên vẹn.

“Rừng nuôi sống mình, là nhà của mình, ăn ngủ trong rừng, khi chết cũng về với rừng, mình phải giữ chứ. Giữ được rừng thì sợ gì không có ăn. Nhờ giữ rừng mình mới có lộc ăn hôm nay đó”, ông A Nhỏi ở xã măng Ri, nói.

Buổi sáng hôm ấy, tại sân ủy ban xã, rất nhiều hộ dân đến nhận cây giống sâm Ngọc Linh của doanh nghiệp về trồng. Cây giống do công ty Cổ phần Sâm Kon Tum cung cấp. Anh A Phất ở thôn Đăk Dơn (xã Măng Ri), đến nhận cây giống sâm về trồng, cũng khoe: “Mình được Công ty cho cây sâm giống để trồng. Từ khi trồng cây thuốc giấu, bà con có tiền nhiều, mừng lắm. Tôi chưa xây được nhà, nhưng cũng có tiền sửa sang lại rồi, không lo mưa gió nữa. Trong nhà mua được ti vi, xe máy, có điện sáng cho mấy cháu học bài”.

Ông A Sỹ bảo, sau một thời gian dài bị săn lùng, đào bới, sâm thiên nhiên trên núi Ngọc Linh gần như tuyệt diệt... Nhằm “cứu” sâm Ngọc Linh khỏi họa tuyệt chủng, năm 1997, sau khi tổ chức đánh giá về sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum bắt đầu thực hiện công tác bảo tồn sâm Ngọc Linh Kon Tum tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei thuộc dãy núi Ngọc Linh. Năm 2004, tỉnh đã triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng”.

Cây giống sâm Ngọc Linh trong vườn thực nghiệm của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh (Tu Mơ Rông, Kon Tum). Ảnh: Phúc Lập.

Cây giống sâm Ngọc Linh trong vườn thực nghiệm của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh (Tu Mơ Rông, Kon Tum). Ảnh: Phúc Lập.

Đến nay, sâm Ngọc Linh không chỉ hồi sinh, mà còn trở thành cây giúp hàng ngàn hộ đồng bào Xê Đăng quanh dãy Ngọc Linh dần thoát nghèo, mở ra cơ hội làm giàu.

Một trong những người đã thu được “quả ngọt” từ sâm Ngọc Linh là ông A Sinh, Trưởng thôn Pu Tá, xã Măng Ri. “Tôi trồng sâm Ngọc Linh cũng 7 năm rồi. Hồi đó đâu có tiền, vào rừng tìm suốt ngày tìm cây sâm giống mà tìm mỏi mắt không thấy. Sau phải bán 2 con trâu được 34 triệu đồng để mua sấm giống tận Trà Linh”, ông Sinh nói và cho biết thêm, ông vừa bán 1kg sâm 6 tuổi được 70 triệu đồng.

Ông Hồ Văn Du, một trong những 'đại gia' sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: Phước Vinh.

Ông Hồ Văn Du, một trong những "đại gia" sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: Phước Vinh.

Ông Sinh cho biết, hiện thôn Pu Tá có hơn 60 hộ trồng sâm, hộ ít thì 100 cây, hộ nhiều thì trên 3.000 cây. “Mấy công ty cung cấp sâm giống, rồi mấy ông nhà nước đến đây, bảo diện tích rừng phù hợp trồng sâm trên địa bàn thôn còn nhiều, dân cũng mong muốn trồng sâm để đổi đời nhưng ngặt nỗi không có cây giống nên trồng cầm chừng. Cây nào cho quả thì chờ chín hái, sau đó tự ươm rồi lấy cây giống để trồng. Mừng là ngày trước nhiều nhà khó khăn, trồng mà không giữ được, cứ nhổ cây non lên bán, mà tình trạng này ngày càng ít đi, vì đời sống nâng lên nhiều rồi. Tôi nghe bảo ở đâu bán sâm nhiều lắm, toàn củ to. Chắc không phải đâu. Sâm Ngọc Linh ngay ở đây còn không có, nói gì nơi khác”, ông Sinh hỏi rồi tự giải đáp.

“Cả xã có gần 500 hộ dân thì gần 300 hộ hiện đang liên kết trồng sâm Ngọc Linh với doanh nghiệp. Số hộ còn lại trồng tự phát. Hiện cuộc sống bà con nhìn chung tạm ổn thôi chứ chưa gọi là giàu, vì sâm Ngọc Linh chưa thu hoạch. Nhưng chỉ cần ít năm nữa, khi sâm đủ tuổi thu hoạch, mỗi hộ chỉ cần vài trăm gốc là sẽ có tiền tỷ trong tay ngay. Sẽ có nhiều người thành tỉ phú nhờ sâm Ngọc Linh”, ông A Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum chia sẻ.

    Tags:
Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.