| Hotline: 0983.970.780

Ngàn lẻ một chuyện làng

Cụ ông 108 tuổi và sở thích háo ngọt

Thứ Ba 13/04/2021 , 08:43 (GMT+7)

Bất cứ món ăn gì cũng phải có đường trộn chung cụ mới ăn, từ cơm, canh hay cá, thịt kho. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ chẳng có bệnh tật gì.

Đó là cụ ông Lê Công Biện, sinh năm 1913, ở khu phố Xuân Lộc, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Không đường, không cơm không thịt

Len lỏi qua những con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến ngôi nhà gỗ nhỏ nằm dưới tán cây cổ thụ, xung quanh là những mảnh vườn rau các loại. Đây là ngôi nhà của vợ chồng cụ Lê Công Biện, người khiến tôi rất tò mò khi nghe nói cụ có sở thích chẳng giống ai. Thói quen ấy, theo lẽ thường, rất nguy hiểm cho sức khoẻ, nhưng với cụ Biện thì ngược lại. Đó là ghiền đồ ngọt, có thể ăn đường thay cơm.

Vợ chồng cụ Lê Công Biện. Ảnh: Phúc Lập.

Vợ chồng cụ Lê Công Biện. Ảnh: Phúc Lập.

Trước khi dẫn tôi đến nhà cụ Biện, anh bạn đồng nghiệp cười, bảo: “Ghé tiệm tạp hoá, mua ký đường, mấy lon nước tăng lực biếu cụ, nếu không là không cạy miệng cụ được đâu”.

Cụ Biện có 2 người vợ, người vợ đầu mất năm 1968 sau khi sinh cho ông 6 người con, 3 trai 3 gái. Sau đó, cụ Biện tái hôn với bà Phan Thị Hường, sinh năm 1936, và có thêm 4 người con. Mặc dù con đàn cháu đống, nhưng cụ Biện không thích ở chung với con cháu, 2 ông bà ở trong căn nhà gỗ nhỏ, nơi có bàn thờ tổ tiên. Sát bên cạnh là căn nhà của người con trai út Lê Công Tâm, sinh năm 1971.

Nước tăng lực là đồ uống ưa thích của cụ Biện. Ảnh: Phúc Lập.

Nước tăng lực là đồ uống ưa thích của cụ Biện. Ảnh: Phúc Lập.

“Từ thời trai trẻ, bố tôi đã “ghiền” đồ ngọt. Một ngày ông có thể “đánh bay” nửa ký đường. Ăn cái gì cũng phải trộn đường, uống nước ngọt thay nước lọc, nước trà. Vậy nhưng từ khi tôi lớn đến giờ, chưa thấy bố đi bệnh viện bao giờ. Cách đây 2 năm, cụ còn ra vườn cuốc đất mà”, anh Lê Công Tâm vừa cười vừa giới thiệu về bố.

Lúc chúng tôi đến, cụ bà Phan Thị Hường đang chuẩn bị bữa trưa. Mặc dù ở trong nhà, nhưng cụ Biện lại đeo cặp kính đen, chúng tôi chào nhưng cụ chỉ nhìn khách mà không đáp lời.

“Cụ xấu hổ đấy, bây giờ cụ như trẻ con, thấy người lạ cụ không nói chuyện đâu. Phải từ từ làm quen. Đưa quà cụ thích trước cụ mới nói chuyện”, ông Lư Ngừng, tổ trưởng Tổ dân phố Xuân Lộc nói.

Nhận gói quà ưa thích là đường kính, cụ Biện xởi lởi hẳn. Ảnh: Phúc Lập.

Nhận gói quà ưa thích là đường kính, cụ Biện xởi lởi hẳn. Ảnh: Phúc Lập.

Quả đúng như lời ông Ngừng, sau khi trao tận tay cụ Biện túi quà gồm 2kg đường, một lốc nước ngọt, hỏi thăm vài câu, và mở một lon nước ngọt đưa cho cụ. Cầm lon nước đưa lên miệng uống ừng ực một hơi liền, cụ Biện mới cho tháo cặp kính đen xuống và ra dấu chào khách.

Sau đó, cụ Hường bưng mâm cơm ra cho chồng. Bên trên là một tô cơm, phần canh xúp đã để chung trong tô cơm, bên cạnh là đĩa cá kho.

Đặt mâm cơm lên phản, cụ Hường lấy ra một hũ nhựa đựng đường cát, dùng thìa to xúc mấy thìa đường vào tô cơm, và thêm mấy thìa khác lên đĩa cá kho, trước ánh mắt vô cùng ngạc nhiên của chúng tôi. Trước khi ăn, cụ Hường đưa thêm lon nước ngọt cho cụ Biện.

“Nếu không lấy lại là ông uống một hơi hết lon nước ngay”, cụ Hường vừa lấy lại lon nước từ tay cụ Biện vừa nói.

Cụ Biện vốn quê gốc ở Thừa Thiê - Huế, vào đất Bình Phước lập nghiệp từ năm 1978. Khi còn ở quê, cụ Biện là một ngư phủ.

“Ngày xưa ông đi biển, khoẻ lắm. Ăn không biết no. Có lần ông đi biển về, đói bụng, vào tiệm bán chè ngồi ăn. Đến khi ăn xong, không nhớ tổng cộng bao nhiêu chén, mà xếp chén không lại thành hàng thì dài 2 sải tay người lớn. Bây giờ, tôi uống một lon bò húc xong, có khi muốn say, còn ông, nếu để tự do, 4 lon bò húc chỉ loáng là hết”, anh Lê Công Tâm nói.

Các món ăn, từ cơm đến đến canh, cá, đều phải trộn đường cụ mới ăn. Ảnh: Phúc Lập.

Các món ăn, từ cơm đến đến canh, cá, đều phải trộn đường cụ mới ăn. Ảnh: Phúc Lập.

“Trước giờ ông có bệnh tật gì không?”, tôi hỏi. Anh Tâm đáp: “không. Cha tôi hầu như chẳng biết bệnh viện là gì. Cách đây 3 năm, có lễ cúng của nhà bà con, ông còn quỳ gối đọc sớ suốt 3 tiếng. Đọc không cần kính. Bây giờ mắt ông kém rồi, nhưng vẫn nhìn được, vẫn đọc sách được, cầm bút viết được, tai hơi lãng, nhưng ghé sát tai nói ông vẫn nghe”.

Anh Tâm nói tiếp: “Về ăn ngọt thì tôi nghe mẹ kể, ông ghiền từ nhỏ. Cách đây vài năm, ông còn đi lại khỏe, mỗi đêm thức giấc, thay vì đi vệ sinh thì ông ngồi dậy lấy lọ đường ngồi xúc ăn, một hồi mới đi ngủ.

Một ký đường ông ăn 2 ngày là hết, nếu không có đường cũng chẳng đụng đến cơm. Một tô cơm như anh thấy, phải có 1 nửa là đường. Món mặn như cá, thịt kho cũng phải trộn đường. Ngay cả ngồi uống nước thôi, cụ cũng có lọ đường bên cạnh, xúc ăn chơi vậy đó”.

Cụ Hường kể về nếp sinh hoạt của gia đình: “Vợ chồng tôi không có thói quen tập thể dục, nhưng ngày nào cũng dậy sớm ra vườn nhổ cỏ, cuốc đất, trồng rau. Vườn đủ loại rau, ăn quanh năm không hết, còn mang ra chợ bán, cho con cháu, bà con lối xóm ăn”.

108 tuổi vẫn đọc, viết không cần kính

Vốn là đồng hương của cụ Biện, vào Bình Phước lập nghiệp, làm hàng xóm của cụ cũng mấy chục năm, cách 2 - 3 ngày lại sang thăm cụ một lần, ông Lư Ngừng cho biết: “Tôi biết cụ thích ngọt từ khi vào đây đến giờ. Ngày xưa đồ ngọt không nhiều như bây giờ. Nên ai cho cụ ký đường, túi kẹo, cụ quý hơn vàng. Bây giờ đồ ngọt nhiều lắm, ngoài đường, bánh ngọt ra, còn đủ loại nước uống. Cụ Biện đặc biệt thích nước tăng lực".

Đến nay, cụ vẫn có thể đọc, viết mà không cần kính. Ảnh: Phúc Lập.

Đến nay, cụ vẫn có thể đọc, viết mà không cần kính. Ảnh: Phúc Lập.

Sau khi ăn cơm xong, cụ Hường tiếp tục lấy thêm một lon Bò húc, bật nắp đưa cho cụ Biện. Lần này, cụ có vẻ thân thiện với khách hơn khi chìa lon nước ngọt về phía chúng tôi, tỏ ý muốn mời.

Sau khi mời khách, cụ Biện đưa lên miệng tu. Sau 3 lần nâng lên hạ xuống, lon nước ngọt đã nhẹ tênh. Chỉ trong vòng khoảng 15 phút, cụ uống hết 2 lon nước ngọt, và khoảng 2 lạng đường trộn chung trong thức ăn.

Sau khi ăn xong, trước sự gợi ý của ông Lư Ngừng, bà Hường lấy cuốn sách, một cuốn tập học trò và cây viết mang lại để trước mặt cụ Biện. Cụ ngước mặt nhìn mọi người.

Sau khi được động viên, cụ cầm cuốn sách lên. Ông Ngừng chìa cặp kính lão trước mặt, cụ Biện xua tay, rồi chậm dãi đọc từng chữ. Sau đó, cụ cầm bút, viết lên trang giấy học trò dòng chữ “Lê Công Biện” và ký tên. Mặc dù những con chữ khá nguệch ngoạc, nhưng vẫn đọc được.

Tiếp đến, cụ chậm dãi đứng dậy, đi sang ngôi nhà gỗ, nơi có bàn thờ, đứng sát cây cột, nơi có bảng câu đối bằng chữ Nôm, chỉ từng chữ đọc. “Cụ rất giỏi chữ Nôm”, ông Ngừng nói.

Cách đây 3 năm, cụ vẫn ra vườn cuốc đất trồng rau. Ảnh: Tư liệu.

Cách đây 3 năm, cụ vẫn ra vườn cuốc đất trồng rau. Ảnh: Tư liệu.

Thông thường, khi trong nhà có người già, trẻ em, hay có các loại thuốc phòng khi cảm cúm, trái gió trở trời. Nhưng trong nhà cụ Biện, chẳng có 1 viên thuốc, thay vào đó, chỗ nào cũng thấy dấu vết của đường, sữa, bánh kẹo, thùng, vỏ lon nước ngọt.

“Giờ trong nhà thuốc không có nhưng đường tinh luyện, bánh kẹo hay nước ngọt không thể thiếu”, bà Hường cười, cho biết.

“Tôi thấy ngoài háo ngọt ra, cả 2 cụ đều ăn uống khá đạm bạc, không phải gia đình không có điều kiện, cũng chẳng phải tiết kiệm, mà sở thích của 2 cụ ăn rau nhà trồng, thỉnh thoảng mới ra chợ mua cá về ăn, rất ít ăn thịt.

Tôi biết cụ Biện mấy chục năm nay, thấy cụ còn một sở thích khác nữa, đó là làm vườn, cụ cứ làm việc luôn chân luôn tay, ít khi ngồi chơi. Hỏi thì cụ bào ngồi không khó chịu, buồn chân buồn tay”, ông Lư Ngừng nói.

Lương y Phạm Quốc Vinh, Giám đốc một công ty Đông được lớn ở Long An giải thích thắc mắc của tôi về việc cụ Biện ăn đồ ngọt nhiều, thời gian dài nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe: “Một là do cụ có sức khoẻ hơn người, hay lao động chân tay, nhất là dân đi biển thường khoẻ hơn các loại hình lao động khác. Nhưng trên hết, vẫn là do cơ địa đặc biệt của cụ. Đây chỉ là suy đoán chủ quan, nếu muốn có câu trả lời chính xác, cần phải có những nghiên cứu thực tế, trực tiếp”.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.