| Hotline: 0983.970.780

Méo mặt vì… cá sấu

Thứ Tư 09/11/2011 , 10:19 (GMT+7)

Từng được kỳ vọng là loại vật nuôi có thể làm giàu, tuy nhiên ở thời điểm này, người nuôi cá sấu đang méo mặt...

Từng được kỳ vọng là loại vật nuôi có thể làm giàu, tuy nhiên ở thời điểm này, người nuôi cá sấu đang méo mặt khi giá bán một cân cá chỉ ngang bằng một cân thịt bò mà còn bán rất chậm…

Khi mới “Bắc tiến”, cá sấu được kỳ vọng là một vật nuôi mới có thể làm giàu nhanh chóng cho nhiều nông dân nhưng thực tế không hẳn như vậy. Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) có sáu trang trại nuôi cá sấu với tổng quy mô 10.000 con trong đó một số thuộc dự án nuôi thử nghiệm của Sở Khoa học- Công nghệ Hà Nội, một số các hộ chăn nuôi ngoài tự đầu tư.

Những hộ trong dự án được hưởng ưu đãi về vay vốn, về giống, còn hộ ngoài thuộc diện “tay bo”, hoàn toàn tự mày mò, bỏ công sức tiền của đem vật nuôi xa lạ này về thuần dưỡng. Trại cá sấu của anh Nguyễn Lương Bằng (Cổ Đông, Sơn Tây) là một trong những hộ nằm ngoài dự án như vậy.

Cách đây 2 năm, anh Bằng cho xây dựng chuồng trại rồi mua 800 con cá sấu giống trong miền Nam chở ra với giá 1,2- 1,4 triệu đồng/con 3-4 kg. Tổng cộng suất đầu tư cho con vật lắm răng, nhiều vảy này của anh Bằng cỡ 1,1 tỉ đồng. “Do vùng này có cả trăm trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm nên rất sẵn các loại thức ăn tận dụng như phao câu gà, cá rô phi nhỏ, cá mè ranh, lợn, gà chết được bán rẻ thậm chí được cho nên thức ăn cho cá sấu không phải là điều đáng ngại. Nuôi cá sấu cũng rất nhàn nhã, cả trại chỉ cần một công nhân ngày hai ba tiếng cho ăn lẫn dọn chất thải", anh Bằng nói.

 "Tuy nhiên, do là vật nuôi xứ nóng, đợt rét đậm, rét hại đầu năm nay tôi chủ quan, không có biện pháp giữ ấm cho chúng nên để chết cả trăm con, toàn những con to béo cả. Tuy nhiên, thời tiết không phải là điều đáng ngại nhất với nghề nuôi cá sấu mà vấn đề lo nhất bây giờ là đầu ra. Không như lợn, gà là thực phẩm phổ thông, dễ tiêu thụ, cá sấu không thể xẻ thịt ra để bán lẻ từng cân một được mà phụ thuộc hoàn toàn vào vài đầu mối thu mua ở phía Bắc. Họ bảo giá bao nhiêu mình cũng phải chấp nhận, không có quyền đàm phán. Năm 2010 giá 250- 280.000đ/kg nhưng giờ này chẳng thấy mấy ai hỏi mua nữa trong khi mùa rét đã đến gần”, anh Bằng lo lắng.

Lũ cá sấu trong trại của anh Bằng đã trên 2 năm tuổi, trọng lượng đã 30-40 kg/con. Chúng nằm chen chúc trong những ô chuồng chật chội trông như những khúc củi mục. Cá sấu kích cỡ càng lớn càng khó bán và giá rẻ. Trước tình thế đó, anh Bằng đánh tiếng cho vài nhà hàng lớn nhưng chỉ nhận được sự hờ hững hoặc nếu có mua mỗi lần cũng chỉ một hai con. Đầu tư cả cục tiền nhưng giờ đây anh đành chấp nhận thu về từng đồng qua cách bán lẻ từng con. Thậm chí ngay cả những khách mua lẻ cá sấu về…làm cảnh anh cũng phải chiều.

Hôm tôi đến, đám người làm của trại kẻ lăm lăm thòng lọng, kẻ khư khư gậy gỗ đang vật lộn huỳnh huỳnh với con vật luôm mồm hộc lên những tiếng “uồm uồm” để lộ hàm răng nham nhở, nhọn hoắt. Một hồi lâu con vật dữ tợn chân bị trói giật cánh khuỷu, mõm bị dán băng keo, thúc thủ chấp nhận ném gọn vào bao tải. Khách mua đánh cả chiếc ô tô tải đến nhưng chỉ bắt hai con với mục đích về thả trong…hòn non bộ, có quây lưới b40 làm cảnh.

Đa phần khách mua lẻ cá sấu hiện nay đều để phục vụ thú chơi sinh vật cảnh kiểu đồ độc như vậy. Giá bán lẻ cá sấu khoảng 250.000đ/kg. Cá sấu là động vật hoang dã, khi vận chuyển phải có giấy phép của kiểm lâm nhưng bán một hai con dạng này, điều ấy rất khó thực hiện.

Nguyễn Quang Hiển ở xã Thọ Xuân (Đan Phượng, Hà Nội) là một trong những người tiên phong đưa nghề nuôi cá sấu ra Bắc. Trang trại cá sấu của anh Hiển có thể xem là lớn nhất tại miền Bắc hiện nay với diện tích 3.000m2 gồm khoảng 20 ô chuồng trại hiện chứa đến 5-6.000 con cá sấu lớn nhỏ các loại. Cá sấu ở đây có hai loại chính là cá sấu giống và cá sấu thịt.

“Nếu xác định nuôi cá sấu với mục đích chóng làm giàu hãy chuyển sang kinh doanh nghề khác còn chí thú nuôi kiểu nông dân thì hãy làm”, anh Nguyễn Quang Hiển.

Nuôi cá sấu ở miền Bắc không hề đơn giản như ở trong Nam. Khi cá mới nhập về việc đầu tiên phải tạo điều kiện cho chúng thích nghi dần dần với mùa đông lạnh ở miền Bắc sau đó lại phải tính toán sao chế độ ăn uống theo từng ngày, từng mùa cho phù hợp. Cá sấu nuôi ở miền Bắc không thể tăng trọng nhanh như trong Nam vì có mấy tháng mùa đông lạnh chúng bỏ ăn hoặc ăn ít. Không chỉ là trang trại quy mô nhất trong vùng, anh Hiển còn là đầu mối thu gom cá sấu xuất đi Trung Quốc. Thị trường phía Bắc có chừng mươi đại lý xuất hàng như vậy.

“Giai đoạn bán chạy cứ một tháng tôi xuất 15-20 tấn thịt cá sấu đi cửa khẩu Móng Cái nhưng giờ đây chậm lắm. Giá trước xuất 220.000đ/kg giờ chỉ 170.000đ/kg, điều quan trọng nhất là không thấy khách đặt hàng, cả tháng chỉ bán được 4-5 tấn. Cá sấu có trọng lượng 15-25 kg là xuất tốt nhưng được chuộng nhất ở cỡ 18-22 kg vì da đẹp, dễ chế biến. Càng để to cá đánh nhau nhiều khiến bộ da dễ trầy xước, gai cứng, khó làm. Hiện tại giá bán 35 tệ/kg (khoảng 120.000đ/kg) loại đã lọc da, cắt khúc, đóng gói hút chân không, còn xuất nguyên con tươi sống chỉ 170.000đ/kg tùy theo yêu cầu của khách. Ở TQ cá sấu là món ăn khá phổ thông vì giá rẻ nhưng tại Việt Nam đây vẫn là món ăn quá đắt đỏ. Từ cơ sở nuôi ra đến nhà hàng giá của chúng bị đội lên gấp 2-3 lần nên chẳng mấy ai dám ăn. Để gia tăng giá trị của con cá sấu ngoài chuyện bán thô hiện nay tôi đã đầu tư làm một xưởng thuộc da rộng 600m2 nhưng không biết thị trường có khả quan hay không” - anh Hiển cho biết.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm