Trong khi các nước tham gia tìm kiếm MH370 quay trở lại vạch xuất phát thì một chuyên gia lại tìm cách xâu chuỗi tất cả các sự kiện từ trước tới nay và đưa ra một kết luận gây sốc.
Theo Tiến sĩ Steve Pieczenik, một trong những chuyên gia quản lý khủng hoảng và đàm phán con tin giàu kinh nghiệm nhất thế giới, vụ MH370 mất tích chỉ là một vở kịch do Mỹ bày ra cùng người bạn diễn Úc.
Ông Pieczenik đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý khủng hoảng quốc tế suốt 5 đời tổng thống Mỹ, từng là Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Nixon, Ford, Carter và Bush cha, là một nhà hoạch định chính sách cấp cao dưới thời thổng thống Reagan và làm việc trực tiếp với rất nhiều ngoại trưởng Mỹ.
Hình ảnh Tiến sĩ Pieczenik (che mặt) đăng trên trang web của ông
Chuyên gia này viết trên blog của mình: “Người Mỹ đã dựng lên một vở kịch rất hay. Đầu tiên là hướng sự chú ý của dư luận và nỗ lực tìm kiếm quốc tế vào Biển Đông trong khi chiếc máy bay lao thẳng xuống nam Ấn Độ Dương. Rồi sau đó họ đưa ra những tuyên bố và bằng chứng mâu thuẫn nhau để khiến cả thế giới bối rối. Trong vở kịch này, người Úc chính là những bạn diễn rất tích cực.”
>>CIA và Boeing bị tố giấu máy bay MH370
Ông Pieczenik nhấn mạnh một sự kiện xảy ra vào tháng 2/2014 ở Afghanistan, khi Mỹ đang rục rịch rút quân khỏi đất nước này. Vào thời điểm đó, phiến quân Taliban đã phục kích một đoàn xe vận tải quân sự của Mỹ và thu được một hệ thống kiểm soát và chỉ huy nặng khoảng 20 tấn và được đóng vào 6 chiếc thùng lớn.
Theo chuyên gia này, phiến quân Taliban dự định bán hệ thống điều khiển này cho Nga hoặc Trung Quốc. Tuy nhiên vì Nga đang bận rộn với cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine nên Trung Quốc đã chớp lấy cơ hội để đàm phán mua lại hệ thống có thể biến toàn bộ máy bay không nguồi lái của Mỹ thành đống sắt vụn này. Theo đó, Trung Quốc đã cử 8 nhà khoa học danh tiếng nhất tới Afghanistan để kiểm tra hệ thống này trước khi thanh toán.
Pieczenik nói rằng vào tháng 3/2014, 8 nhà khoa học Trung Quốc và 6 thùng hàng này được chuyển tới Malaysia và được giấu trong đại sứ quán Trung Quốc ở Kuala Lumpur dưới danh nghĩa ngoại giao.
Để vận chuyển số hàng này về nước an toàn, họ đã quyết định đưa nó lên một chiếc máy bay dân dụng với suy nghĩ rằng người Mỹ sẽ không bao giờ cướp một chiếc máy bay chở khách. Và chuyến bay được chọn chính là MH370 từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.
Thế nhưng, họ không ngờ rằng Mỹ đã nhờ tình báo Israel điều tra về tung tích chuyến hàng này. Họ đã cử 5 mật vụ Mỹ và 2 điệp viên Israel lên chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines dưới vỏ bọc là 2 “người Iran” sử dụng hộ chiếu giả.
Ông Pieczenik viết: “Khi MH370 chuẩn bị rời khỏi không phận Malaysia để báo cáo với đài kiểm soát không lưu Việt Nam, một hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm hàng không (AWAC) của Mỹ đã gây nhiễu sóng liên lạc của máy bay, vô hiệu hóa hệ thống điều khiển của phi công và tắt toàn bộ chế độ điều khiển từ xa. Đó là lúc chiếc máy bay đột nhiên mất độ cao và lượn xuống sát mặt đất.”
Mỹ đã vô hiệu hóa MH370 bằng hệ thống điều khiển từ xa?
Chuyên gia này nhấn mạnh rằng toàn bộ hệ thống AWAC của Mỹ đều được lắp đặt thiết bị điều khiển từ xa kể từ sau vụ khủng bố 11/9.
Cũng theo ông Pieczenik, sau khi gây nhiễu được sóng của máy bay, các điệp viên Mỹ và Israel đã tắt thiết bị phát đáp cùng các hệ thống liên lạc khác, thay đổi hướng bay và điều khiển cho MH370 bay về phía tây.
Pieczenik viết tiếp: “Chiếc máy bay bay qua Bắc Sumatra, Anambas, Nam Ấn và sau đó hạ cánh ở Maldives, tiếp thêm nhiên liệu rồi sau đó bay tiếp tới đảo Diego Garcia, căn cứ không quân trên Ấn Độ Dương của Mỹ.”
“Tại đây, 6 kiện hàng và hộp đen được đưa ra khỏi máy bay, trong khi tất cả hành khách đều đã thiệt mạng vì thiếu ô xy nghiêm trọng. Họ tin rằng chỉ có người chết mới không thể tiết lộ bí mật. Sau đó họ lại điều khiển từ xa để MH370 cùng với các hành khách đã chết bay tới Nam Ấn Độ Dương cho đến khi hết nhiên liệu và rơi xuống biển nhằm đổ tội cho cơ trưởng và cơ phó.”
Trên trang web của mình, ông Pieczenik kêu gọi mọi người cùng đóng góp ý kiến về giả thuyết “tổng hợp” này của ông.
Trong khi đó, lực lượng tìm kiếm đa quốc gia vẫn chưa phát hiện bất cứ dấu vết nào của MH370 trên vùng biển nam Ấn Độ Dương. Hiện chiến dịch tìm kiếm gần như đã dừng lại để chờ đợi các thiết bị mới có tính năng ưu việt hơn có thể quét được địa hình đáy biển cực sâu ở khu vực này, và các chuyên gia dự tính chiến dịch tìm MH370 có thể sẽ kéo dài tới 1 năm.