| Hotline: 0983.970.780

Tìm MH370 có thể tốn kém tới 200 triệu USD/năm

Thứ Sáu 28/03/2014 , 09:30 (GMT+7)

Hiện chưa rõ cuối cùng ai sẽ thanh toán chi phí của hoạt động tìm kiếm máy bay MH370. Quyền Bộ trưởng Vận tải Malaysia nhấn mạnh rằng Kuala Lumpur vẫn chưa thảo luận về vấn đề này với các quốc gia khác. Chiến dịch đa quốc gia đã liên quan đến 27 nước.

Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (Hong Kong) bản tiếng Anh số ra ngày 28/3, cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines gần như chắc chắn trở thành cuộc tìm kiếm đắt giá nhất trong lịch sử hàng không thế giới.

Các chuyên gia khoa học Trung Quốc ngày 27/3 đã cảnh báo như vậy, khi Thái Lan nói rằng họ đã phát hiện hàng trăm vật thể ở gần khu vực tìm kiếm trên Ấn Độ Dương.

Theo các chuyên gia, hóa đơn cả năm cho việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines có thể cao gấp 10 lần so với tổng số tiền chi cho hơn hai năm tìm kiếm một chiếc máy bay gặp nạn của hãng hàng không Air France cách đây năm năm, và có thể ngốn hết hàng trăm triệu USD của các nước.

Pháp và Brazil đã chi hơn 40 triệu USD trong hơn hai năm để tìm được những chiếc hộp đen trên chiếc máy bay mang số hiệu 477 của Air France, gặp nạn ở Đại Tây Dương năm 2009 khi đang trên đường từ Paris tới Rio de Janeiro.

Các quan chức đã ngừng hoạt động tìm kiếm, vốn phải sử dụng các robot dưới nước để sục sạo dưới đáy biển, sau khi các đội tìm kiếm tìm được 50 trên tổng số 228 thi thể hành khách và thành viên phi hành đoàn xấu số.

Tuy nhiên, ông Triệu Triều Phương, một nhà hải dương học thuộc Đại học Trung Quốc ở Thanh Đảo, đã đánh giá rằng tổng chi phí cho việc tìm kiếm chiếc máy bay MH370 có thể cao gấp 10 lần tổng chi phí tìm kiếm hàng năm của chiếc máy bay của Air France.

Ông Triệu Triều Phương nói thêm: “Nếu như chiến dịch tìm kiếm hiện nay bị kéo thành một cuộc tìm kiếm trong quãng thời gian dài trong nhiều năm, con số 200 triệu USD/năm chỉ vừa đủ để duy trì nỗ lực tìm kiếm đa quốc gia.”


Hoạt động trục vớt mảnh vỡ chiếc máy bay số hiệu 477 của Air France. (Nguồn: triffer.com)

Rất nhiều chuyên gia khoa học tin rằng chỉ riêng Trung Quốc đã chi hàng trăm triệu nhân dân tệ. Một chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Đại học Hàng không Dân dụng Trung Quốc, người từ chối tiết lộ danh tính, đã nhất trí rằng chi phí cho việc tìm kiếm máy bay MH370 sẽ “vượt xa, vượt rất xa” chi phí tìm kiếm máy bay của Air France.

Các chuyên gia nói rằng hiện chưa rõ cuối cùng ai sẽ thanh toán chi phí của hoạt động tìm kiếm máy bay MH370.

Tuy nhiên, ông Hishammuddin Hussein, Quyền Bộ trưởng Vận tải Malaysia đã nhấn mạnh rằng Kuala Lumpur vẫn chưa thảo luận về vấn đề này với các quốc gia khác.

Ông Hussein nêu rõ: “Không ai, không phải Chính phủ Malaysia, không ai trong số các đối tác của chúng tôi, nói về những đồng đôla và những đồng xu. Tất cả đều sẽ cố gắng tìm kiếm chiếc máy bay. Điếu đó (chi phí cho việc tìm kiếm) thậm chí không xuất hiện trong tâm trí của chúng tôi”.

Hiện nay không có nghị định thư quốc tế nào quy định hay phân chia những khoản chi phí cho việc điều tra tai nạn.

Chuyên gia Oh Ei Sun thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói rằng về mặt lý thuyết, quốc gia dẫn đầu hoạt động tìm kiếm sẽ chi trả chi phí đó.

Tuy nhiên, trong thực tế, các quốc gia tham gia tìm kiếm thường giúp đỡ những khoản chi phí đó để thể hiện sự thiện chí.

Các quan chức Malaysia cho biết, đến nay, các đội tìm kiếm từ 27 quốc gia, trong đó có cả Malaysia, đã huy động các nguồn lực và tham gia tìm kiếm chiếc máy bay MH370.

Chuyên gia Triệu Triều Phương cho biết, Trung Quốc có 10 tàu tham gia tìm kiếm, Australia có năm tàu, Malaysia sáu tàu, và Anh một tàu. Mỗi một con tàu trong số này “đốt” ít nhất 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu đồng) tiền nhiên liệu trong mỗi giờ.

Ngoài ra, cũng cần phải tính thêm cả chi phí cho việc triển khai các vệ tinh tham gia tìm kiếm. Trung Quốc đã sử dụng hơn 20 vệ tinh. Mỗi một vệ tinh trong số này trị giá khoảng 400 triệu nhân dân tệ, với một khoảng thời gian hoạt động trung bình khoảng bốn năm, nên nhiều khả năng riêng chi phí vệ tinh của Trung Quốc đã ngốn hết khoảng 1 tỷ nhân dân tệ.

Vietnam+

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm