| Hotline: 0983.970.780

Mía đắng Lam Sơn

Thứ Năm 24/05/2012 , 08:51 (GMT+7)

Hàng ngàn tấn mía của bà con vùng mía Lam Sơn đang chất đống, phơi khô ngoài đồng cả 2- 3 tháng nay chỉ vì NM thu mua quá chậm.

Nhiều nông dân vùng mía Lam Sơn (Thanh Hóa) bày tỏ bức xúc trước việc họ còn hàng ngàn tấn mía đang chất đống phơi khô ngoài đồng cả 2- 3 tháng nay. Lý do NM thu mua quá chậm.

Gia đình anh Trần Ngọc Tiến ở thôn Giao Xá, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân đã có 12 năm trồng mía cho NM đường Lam Sơn với diện tích 3ha. Theo lời anh Tiến thì năm nào cũng đóng góp cho NM hơn 200 tấn mía. Vụ mía năm nay điều làm anh và nhiều gia đình khác trong xã bức xúc là NM tiến hành thu mua mía quá chậm và không tính đến các phương án đối phó với việc chạy thử dây chuyền nâng cấp cũng như thời vụ cận kề cho nông dân. Ngay như cả khi mía đã quá thời hạn thu hoạch rồi mà lãnh đạo NM vẫn không chia sẻ với nông dân.

Mãi cho đến khi nông dân kêu ca, chính quyền và báo chí lên tiếng thì NM mới có chính sách hỗ trợ cho 1 tấn phân bón/ha và 100.000đ/tấn thu hoạch sau ngày 1/5. Tuy nhiên không chỉ anh Tiến nói mà ngay cả lãnh đạo các huyện, các ngành cũng như nhân dân đều cho rằng mức hỗ trợ ấy không đủ bù đắp những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu khi mía bị trổ cờ và khô trên ruộng do thu mua chậm cả tháng.


Mía chất đống, phơi khô nằm la liệt trên bãi Hướng, xã Xuân Lam (Thọ Xuân - Thanh Hóa)

“Ở xã Vân Nam (huyện Ngọc Lặc) bà con đã chặt hàng ngàn tấn mía được 1 tháng nay rồi mà NM vẫn chưa cho xe vào chở” - một lái xe chuyên vận chuyển mía cho NM đường Lam Sơn tiết lộ.

Có mặt tại bãi Hướng thuộc xã Xuân Lam vào sáng 16/5, chúng tôi thấy nhiều đống mía của bà con đang bị phơi khô sau hơn chục ngày chặt. Ông Hoàng Văn Nghiêm - đại diện cho nhiều hộ dân làm chủ hợp đồng với NM nói: “Chặt mía đều có lệnh của NM nhưng mía chặt rồi mà chẳng thấy xe đến chở, khiến mía đã trổ cờ, khô ngay trên ruộng rồi nay lại còn bị khô hơn nữa”.

Chưa hết bức xúc, anh Trần Ngọc Tiến dẫn chúng tôi đến đống mía của gia đình, lật mía lên anh chỉ tay và nói: “Mía khô hết rồi, giờ chỉ có làm củi đun. Không chỉ có vậy mà mía lưu gốc giờ cũng khó để được cho vụ sau bởi lẽ khu vực này mía đều đã làm được năm thứ 3 rồi, đúng ra nó phải được thay thế bằng đợt trồng mới. Nghĩa là số diện tích này phải được thu hoạch trước Tết Nguyên đán, chậm nữa là sau Tết 15 ngày. Có như vậy, mía thu hoạch mới đảm bảo chữ đường cũng như có điều kiện cho người dân làm đất, thay thế giống mía chuẩn bị tốt cho vụ sau. Đằng này đến bây giờ thời vụ thu hoạch đã quá 2 tháng rồi, một mặt là mất mát về chữ đường, nhưng sẽ kéo theo một hệ lụy nữa cho vụ sau. Vậy là người trồng mía như chúng tôi mất mùa cả hai vụ. Thử hỏi như thế làm sao mà dân chúng tôi chịu đựng nổi”. Anh Tiến cũng cho hay khu vực này còn hơn 300 tấn mía đã chặt được 10 ngày nay rồi.

Theo tính toán của người trồng mía, vụ mía này, nếu ai thu hoạch sau ngày 15/4 thì năng suất, chữ đường sẽ giảm đi rất lớn, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến chất lượng của vụ mía năm sau. Với cách tính toán của người trồng mía thì bình quân 1ha mía, người dân phải bỏ ra chi phí khoảng 43- 45 triệu đồng. Anh Tiến bảo: “Mang mía khô này đi bán bây giờ liệu sẽ được là bao nhiêu khi mà chữ đường may chỉ được 2-3 CCS”.


Anh Trần Ngọc Tiến thẫn thờ trên ruộng mía chết khô

Bà Nguyễn Thị Thùy có chồng làm việc ở trong NM mà cũng không thể giấu được nỗi bức xúc khi hàng ngày đứng nhìn mía khô ngoài ruộng. Bà nói: “Dân chúng tôi uất lắm chú ạ. Có lệnh chặt mía của NM, chúng tôi phải thuê người chặt, thuê người chở mía từ ruộng ra bãi, thuê người bốc mía từ bãi lên xe cho NM. Toàn bộ khoản tiền thuê đấy đều phải trả bằng tiền mặt ngay cho họ. Trong khi đó, mía nhập vào NM phải 1-2 tháng thậm chí là 3 tháng sau, chúng tôi mới lấy được tiền. Đó là còn may mắn khi NM cho xe đến chở mía tiêu thụ chứ NM mà không cho xe vào chở thì chỉ có việc đứng nhìn mía khô trên đồng. Thành thử trong điều kiện ngày ba tháng tám khó khăn thế này mà chúng tôi cũng phải chạy tá hỏa để đi vay nợ nóng về chi trả cho khoản tiền mặt trả công lao động mình thuê. Xót xa lắm”.

Anh Phạm Văn Tâm - người được các gia đình trồng mía thuê đứng ra lập trại bảo vệ vùng mía ở đây cho hay: “Năm ngoái thời điểm này, mía lưu gốc đã mọc cây cao 60-70 cm rồi. Người trồng mía đã thu hoạch được 1 vụ lạc xen kẽ với mía và đây là thời điểm người ta tiến hành làm cỏ, bỏ phân, cày úp đất vào cho mía. Chứ năm nay nhìn mía phơi khô ngoài đồng mà tôi ăn không ngon, ngủ chẳng yên vì cứ sợ ai đó chẳng may đi qua quẳng cái tàn thuốc xuống là cả cánh đồng mía sẽ cháy trụi trong chốc lát”.

Hiện vùng mía Lam Sơn đang còn khoảng 100 ngàn tấn mía đã quá thời vụ thu hoạch 2 tháng. Các ngành, địa phương và nhất là NM nên có cách hỗ trợ đến mức tối đa để giúp người dân. DN thì đã có gói hỗ trợ về thuế của Chính phủ trong điều kiện khó khăn, còn người dân thì đang đau đáu nỗi niềm mía đắng.
Lúc này nắng đã tròn bóng, tôi và anh Tâm cùng với chị Lê Thị Lý ở thôn Hào Lương - Xuân Lam đi vào khu vực hiện còn nhiều mía phơi trên bãi để biết thêm tình hình. Chị Lý dựng dậy một cây mía vì nó đã nằm sát đất một thời gian rồi, thấy ở mỗi mắt mía đã đâm chồi non ra, chị Lý bảo: “Đây là giống mía chín sớm, đúng ra phải được thu hoạch ngay từ đầu vụ ép, nghĩa là vào khoảng tháng 11, 12 năm ngoái nhưng giờ anh thấy đấy đã gần hết tháng 5/2012 rồi mà mía vẫn còn nằm la liệt trên ruộng”.


Chị Lê Thị Lý đứng nhìn mía chết khô trong nắng nóng

Tôi nói với anh Tâm và mọi người ở đây là do năm nay, NM đường Lam Sơn tiến hành nâng cấp dây chuyền thứ 2 từ 4.000 tấn/ngày lên 8.000 tấn/ngày, quá trình thực hiện gặp một số sự cố dẫn đến tiến độ thu mua chậm. Điều đó đồng nghĩa cả NM và nhân dân đều thiệt thòi chứ.

Anh Tâm bảo: “Nhưng NM họ nên có kế hoạch cụ thể với người trồng mía để người dân được chủ động. Thậm chí là cho nhân dân bán bớt mía cho các NM khác để giảm bớt gánh nặng thiệt thòi cho người dân. Chứ cách xử lý như vừa rồi của NM đường Lam Sơn là chưa phù hợp, mía khô chất đống ngoài đồng, dân bức xúc là phải. Hai nữa là đáng lẽ ra khi dây chuyền đi vào hoạt động thì nên đẩy mạnh việc thu mua và ưu tiên mua những vùng xa, vùng có nhiều mía chín sớm đã quá ngày. Một vấn đề khác là dù thế nào người dân cũng thiệt đơn, thiệt kép, mất mát cả vụ này và vụ sau chứ NM họ chẳng mất mát gì lớn lắm đâu. NM thu gom số mía này về, ngoài ép cô đặc thành đường, họ còn có thể làm mật mía, lấy bã mía làm phân bón, làm cồn và sản xuất điện. Tóm lại chỉ có nhân dân mất đau mà thôi”.

Nghe anh Tâm nói chuyện mà tôi không nghĩ anh làm nghề bảo vệ. Anh quá tường tận. Anh bảo: “Hiểu gì đâu chú, nghe mấy anh em lái xe và cán bộ nguyên liệu họ xuống đây phản ánh thế. Ai chẳng biết". 

Tại cuộc họp với các ngành, địa phương và lãnh đạo NM đường Lam Sơn ngày 14/3, ông Nguyễn Đức Quyền - PCT UBND tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định: “Tiến độ thu hoạch mía chậm là hoàn toàn do lỗi chủ quan của lãnh đạo Cty CP Mía đường Lam Sơn. Tôi yêu cầu NM đẩy mạnh việc thu mua mía cho dân. Đối với diện tích mía chín sớm buộc phải thu hoạch hết trước 30/3, số còn lại kết thúc thu hoạch trước 30/4. Tuyệt đối không để kéo dài thời gian thu hoạch đến tháng 5. Trong trường hợp ép không kịp thì mua về tập kết ở NM để giải quyết quyền lợi cho người dân”. Song như những gì đang diễn ra thì sang tháng 6 mía cũng chưa thể thu mua hết về NM.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm