Giá đường giảm mạnh. Giá thu mua mía ở nhiều địa phương cũng đã giảm nhiều so với niên vụ trước. Ngành mía đường những tháng cuối năm này và trong cả năm tới nhiều khả năng sẽ không còn “ngọt” nữa.
Nhìn vào doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp mía đường đã lên sàn giao dịch chứng khoán sẽ thấy rõ cái vị ngọt của mía đường đã giảm đi đáng kể. 9 tháng đầu năm nay, phần lớn các doanh nghiệp đã lên sàn đều giảm khá nhiều lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, Cty CP Bourbon Tây Ninh dù doanh thu tăng 3% (đạt trên 1.477 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận lại giảm tới 36% (trên 252,5 tỷ đồng); Cty CP Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) doanh thu giảm 29% (đạt trên 1.034 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận giảm tới 67% (đạt trên 152 tỷ đồng); Cty CP Đường Kon Tum doanh thu giảm 20% (đạt gần 218 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận giảm tới 66% (đạt trên 21 tỷ đồng); Cty CP Đường Biên Hòa doanh thu tăng 25% (đạt trên 2.037 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận giảm 9% (đạt gần 73 tỷ đồng)…
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho lợi nhuận năm nay của các nhà máy đường giảm mạnh, là do giá bán đường thành phẩm đã bị giảm khá nhiều. Trong quý 3 vừa rồi, giá bán bình quân của Cty CP Đường Kon Tum giảm 10%, chỉ còn 14.784 đ/kg, đường Lam Sơn giá bán giảm 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, giá đường do các nhà máy bán ra vẫn đang ở mức thấp, chỉ khoảng 14.500 đ/kg. Với giá này, nhiều nhà máy đang lỗ bình quân 500 đ/kg, có nhà máy lỗ 1.000 đ/kg.
Do giá đường xuống thấp, nên giá thu mua mía của nông dân đang bị giảm khá mạnh, bởi từ niên vụ này, giá mía sẽ được tính bằng 60% giá đường bán tại nhà máy. Theo Sở NN-PTNT Long An, giá mía trên địa bàn tỉnh này vào cuối tháng 11 chỉ còn ở mức 450.000 - 500.000 đ/tấn (giá bán xô ngay tại ruộng), giảm tới 200.000 đ/tấn so với hồi cuối tháng 11/2011. Giá thu mua mía 10 CCS ở các tỉnh ĐBSCL hiện cũng chỉ đang ở mức trên dưới 900 ngàn đ/tấn.
Giá đường trong thời gian tới khó có khả năng tăng lên, bởi giá đường thế giới vẫn đang có xu hướng giảm. Xu hướng giảm giá đường trên thế giới sẽ còn tiếp tục kéo dài trong năm 2013 bởi thặng dư toàn cầu gia tăng. Theo Tổ chức đường quốc tế (ISO), trong niên vụ 2012 - 2013, sản lượng đường toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục 177,6 triệu tấn, mà nguyên nhân chính là sự gia tăng mạnh sản lượng tại Brazil và một số nước sản xuất lớn khác. Trong khi đó, tiêu thụ đường toàn cầu được dự báo là khoảng 171,4 triệu tấn. Do đó, thặng dư đường trên thế giới lên tới 6,2 triệu tấn. Năm 2012, giá đường thế giới đã giảm tới 18% so với năm 2011, sang năm 2013, giá đường thế giới sẽ còn giảm nữa.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia có nhiều năm theo dõi thị trường đường, thì sự suy giảm mạnh về lợi nhuận mía đường, còn do ngành này đang lặp lại cái chu kỳ khi diện tích mía xuống thấp nhất thì giá đường và lợi nhuận từ mía đường lên cao nhất, và khi diện tích mía lên cao nhất (từ trên 300 ngàn ha) thì giá đường và lợi nhuận sẽ thấp nhất. Ông Lê Tất Thành, chuyên viên phân tích độc lập, cho hay, năm 2003, diện tích mía cả nước đạt trên 310 ngàn ha, thì giá đường bình quân RS bán ngay tại nhà máy ở mức rất thấp, chưa tới 4.000 đ/kg. Sau năm đó, diện tích mía cả nước liên tục giảm xuống. Đến năm 2006, khi diện tích mía chỉ còn trên 260 ngàn ha, giá đường bình quân RS tại kho nhảy lên 11.000 đ/kg. Năm 2007, diện tích mía tăng vọt lên 310 ngàn ha, thì giá đường bình quân RS tại kho lại giảm mạnh xuống chỉ còn trên 6.000 đ/kg. Năm 2011, diện tích mía chỉ còn trên 270 ngàn ha, giá đường bình quân RS tại kho lên đến mức cao nhất từ trước tới nay là trên 18.000 đ/kg.
Niên vụ 2013, diện tích mía dự kiến đạt 300 ngàn ha. Bên cạnh đó, còn có 3.503 ha mía được Cty CP Bourbon và Cty CP Đường Biên Hòa đầu tư trồng ở Campuchia, thì tổng diện tích mía niên vụ này lên tới trên 303 ngàn ha. Với diện tích này (vượt ngưỡng “báo động” 300 ngàn ha), cộng với bối cảnh các nước sản xuất lớn là Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc… đều sẽ có vụ mía bội thu, thì nhiều khả năng, mía đường 2013 sẽ lặp lại kịch bản cung vượt xa cầu khiến cho giá và lợi nhuận giảm xuống mức thấp. Số liệu tổng hợp của Hiệp hội Mía đường cho thấy rõ điều này: Theo kế hoạch sản xuất của 40 nhà máy đường trong niên vụ 2013, sản lượng đường dự kiến đạt xấp xỉ 1,6 triệu tấn, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 1,4 triệu tấn. Vì thế, ông Thành cho rằng trong năm tới, mía của nông dân và đường của các nhà máy đều sẽ hết “ngọt”.