| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung trong cơn đại hạn: Nan giải bài toán cứu lúa

Thứ Hai 28/06/2010 , 08:52 (GMT+7)

Dồn dập các đợt nắng nóng kinh hoàng đã khiến hàng trăm nghìn hecta lúa hè thu, lúa mùa sớm ở miền Trung đang ngắc ngoải chờ chết. Hàng chục nghìn hecta khác bị “mắc kẹt” không có nước cấy. Trong khi đó, thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục nắng nóng kéo dài...

* Chuyển đổi hay chờ nước? 

Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Các địa phương cần tập trung quan tâm bơm nước cho vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc vì họ ruộng đã ít, mất mùa sẽ khó khăn nhất..."

Dồn dập các đợt nắng nóng kinh hoàng đã khiến hàng trăm nghìn hecta lúa hè thu, lúa mùa sớm ở miền Trung đang ngắc ngoải chờ chết. Hàng chục nghìn hecta khác bị “mắc kẹt” không có nước cấy. Trong khi đó, thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục nắng nóng kéo dài...Cuối tuần qua, Bộ NN-PTNT đã triệu tập khẩn các tỉnh miền Trung để họp bàn chống hạn cứu vụ mùa. 

Theo tổng hợp của Cục Trồng trọt, tính đến ngày 25/6/2010, các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Định đã có trên 60 nghìn hecta lúa hè thu và lúa mùa sớm bị hạn (trên tổng số gần 380 nghìn hecta đã gieo cấy), trong đó diện tích bị hạn nặng chiếm trên 30 nghìn hecta. Phần lớn các diện tích lúa bị hạn nặng tập trung tại 3 tỉnh vùng Bắc Trung bộ với gần 20 nghìn hecta, trong đó riêng Thanh Hóa có trên 21 nghìn hecta đang bị hạn với hơn 6 nghìn hecta hạn nặng. Nghệ An và Hà Tĩnh cũng là hai tỉnh có diện tích lúa bị hạn rất lớn với trên 18 nghìn hecta (trong đó hạn nặng 11 nghìn hecta).

Nguy hiểm nhất tại 3 tỉnh Bắc Trung bộ, hiện vẫn còn gần 40 nghìn hecta lúa hè thu chưa thể cấy được do không có nước, trong đó Thanh Hóa chiếm trên 30 nghìn hecta, Nghệ An hơn 6 nghìn hecta. Các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ như Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Yên…hiện cũng đang “mắc kẹt” tương tự với hơn 5 nghìn hecta lúa hè thu hiện vẫn chưa thể gieo sạ do không có nước.

Ông Nguyễn Đình Xứng, GĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa lo lắng: “Hầu hết các diện tích mạ đã gieo để cấy vụ hè thu hiện đã già, nếu một tuần tới không có mưa và không bơm được nước để cấy thì phải gieo lại hoàn toàn, lịch thời vụ sẽ quá muộn…”. Cùng lo ngại như vậy, Sở NN-PTNT Nghệ An và Hà Tĩnh cho rằng nếu thụt lùi vụ hè thu sang vụ mùa muộn, lúa sang giữa tháng 10 mới gặt được thì rất dễ “dính” vào lũ lụt khoảng đầu tháng 9.  

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng:

“Hạn thì năm nào cũng có, nhưng như năm nay thì nửa thế kỷ nay mới có. Nếu không có giải pháp, ít nhất sẽ có nửa triệu tấn lúa, tương đương 2.500 tỉ đồng thấy rõ trước mắt bị mất, đó là chưa kể tới ảnh hưởng tới an ninh lương thực, đời sống xã hội. Ảnh hưởng đó là lâu dài, nhưng chúng ta xử lí khắc phục nó thì chỉ nội trong tháng 7 thôi. Diện tích đã cấy vãi xong rồi, bà con đổ vốn liếng công sức rồi số lượng khoảng hơn 100 nghìn hecta, phải cố giữ cho kỳ được. Đối với 60 nghìn hecta chưa có nước cấy, chủ yếu ở Thanh Hóa thì cố gắng khắc phục để có nước cấy. Có thể chuyển sang vụ mùa tới giữa tháng 7, cơ cấu giống làm sao thu hoạch trước 15 tháng 10.”

Cảnh báo vấn đề này, GĐ TT Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ Bùi Minh Tăng cho hay, trong tháng 7 tới, thời tiết được dự báo là sẽ vẫn còn 2-3 đợt nắng nóng và chưa có dấu hiệu bão hoặc áp thấp nhiệt đới ngoài biển như mọi năm nên khả năng sẽ không có mưa đáng kể. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy những năm hạn nặng kéo dài như năm nay, khi bão và áp thấp đến muộn vào tháng 8-9 thì lại thường là bão kèm theo mưa lớn gây lũ lụt…Chính vì lí do này nên ông Trần Hữu Lực, PGĐ Sở NN-PTNT Nghệ An cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT 3 tỉnh Bắc Trung bộ ái ngại, việc chuyển đổi diện tích lúa bị hạn sang các loại cây trồng đến thời điểm này là vô cùng khó khăn và bấp bênh. Vì đa số cơ cấu diện tích lúa vụ mùa đều đã nằm hết ở các vùng trũng. Nếu bây giờ vì không có nước mà chuyển đổi sang các loại cây màu khác như lạc, vừng, đậu…, nếu đến tháng 8, tháng 9 có mưa to thì các loại cây màu này sẽ mất trắng…

Trước những khó khăn này, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc định hướng: “Lịch gieo cấy vụ mùa có thể kéo dài tới giữa tháng 7, gặt muộn nhất tới giữa tháng 10 nên diện tích nào khắc phục được nước gieo cấy thì cố gắng giữ lại làm lúa. Có thể chọn các giống lúa ngắn ngày như Iri352, KDBD, KD18, HT1…để gieo mạ cấy mới thay các giống dài ngày ban đầu…”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo: các tỉnh, nhất là Bắc Trung bộ ngay trong tuần này, nếu không xử lí được để có nước gieo cấy lúa thì phải sửa đổi lại lập tức cơ cấu cây trồng. Khi có yêu cầu chuyển đổi thì phải có kế hoạch cụ thể cho từng địa phương từ nguồn giống, lượng giống kịp thời triển khai ngay trong tuần này. Bộ trưởng Chỉ đạo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng trong tuần này, dẫn 3 đoàn công tác cấp tốc chia nhau vào miền Trung kiểm tra, chỉ đạo rà soát tình hình hạn hán, chỉ đạo chống hạn. Đồng thời báo cáo ngay khi có kết quả tổng hợp để báo cáo Chính phủ hỗ trợ ngay cho các tỉnh chống hạn.

Các tỉnh đua nhau tố “ông điện” 

Sở NN-PTNT các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định đều ra “báo động đỏ” cho biết mực nước tại hầu hết các hồ chứa nhỏ đều đã cạn, các hồ chứa lớn nhiều nhất chỉ còn khoảng 30-40% dung tích thiết kế. Nếu tằn tiện tưới thì chỉ cầm cự tới giữa tháng 7/2010 là sẽ nguy! Trong khi đó, mực nước các hệ thống sông lớn như sông Mã, sông Lam, sông Hương, Thu Bồn, Trà Khúc…đều xuống rất thấp khiến các trạm bơm lấy nước hết sức hạn chế và phải phụ thuộc vào thủy triều. Hạn đã khiến mặn kéo sâu thêm vào đất liền. Trên sông Lam (Nghệ An), nước mặn đã kéo sâu lên phía thượng nguồn, cách cầu Bến Thủy gần 25km. Tỉnh này đang kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ dựng đập di động tại khu vực cầu Bến Thủy để ngăn mặn thì mới mong lấy tiếp được nước ngọt trong thời gian tới. Tỉnh Thanh Hóa cũng đang tiếp tục dựng đập ngăn mặn trên sông Mã…

Trong lúc nước quý như vàng như thế nhưng tình trạng cắt điện liên miên trong thời gian qua, nhằm đúng lúc lấy nước để gieo cấy đã làm các tỉnh khốn đốn. Phó GĐ Sở NN-PTNT Nghệ An Trần Hữu Lực bức xúc: “Các trạm bơm trên sông Lam phải…rình lúc thủy triều lên, nước dâng cao mới bơm được. Tuy nhiên, vì cắt điện triền miên, tùy tiện nên đúng lúc có nước thì không có điện, hoặc lúc có điện thì lại không có nước. Hoặc chỉ lúc có điện thì chỉ có 4-5 tiếng là cùng…”. Ông Nguyễn Đình Xứng – GĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa gay gắt thêm: “Họ đóng điện chỉ 4-5 tiếng rồi lại cắt như thế, đoạn mương chỉ cần dài 5-7km thì xem như nước vừa chảy tới cuối mương là…mất điện!”.

Trước nhiều bức xúc trên, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói khó: “Các hồ chứa lớn như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, A Vương…mực nước đã sắp hoặc tới điểm chết rồi nên cũng đang chạy cầm cự. Tuy nhiên thời gian tới chúng tôi hứa sẽ cấp đủ điện cho các trạm bơm”.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm