Tận tâm, tận hiến
Trực thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An, Tổng đội thanh niên xung phong 9 đóng tại địa bàn xã biên giới Tam Hợp của huyện Tương Dương, xuyên suốt những năm qua có đóng góp đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ ổn định an ninh khu vực biên giới, lại trực tiếp hỗ trợ người dân bản địa nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp đơn thuần.
Điều này được chính ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương thừa nhận: “Tổng đội được giao quản lý, bảo vệ trên 4.000 ha rừng với đường biên trải dài rộng khắp, nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao mới cáng đáng được. Ngoài ra đơn vị này còn làm tốt công tác định hướng, chủ động đưa các mô hình nông nghiệp tiềm năng đến với đồng bào trên địa bàn huyện nói chung và xã Tam Hợp nói riêng”.
Hành trình đã qua của Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) 9 đầy rẫy chông gai và thách thức, đặc biệt là những giai đoạn giao thời với nhiều biến động. Tổng đội có bề dày 20 năm, trước kia đóng ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Từ chủ trương chung lại chuyển về Tam Hợp, lạ nước lạ cái, quân số biến động thành thử khó khăn muôn phần. Mất thời gian khá dài hòa nhập với nhịp sống của miền biên viễn, 12 con người, bao gồm cả lãnh đạo và các đội viên mới cảm nhận rõ nhịp sống nơi đây. Thấu hiểu nằm lòng nhưng để cáng đáng cùng lúc đa nhiệm vụ thật chẳng dễ dàng gì.
Nhọc nhằn nhất là việc quán xuyến, bảo vệ 4.125 ha rừng, một phần giao khoán cho dân còn phần lớn do tổng đội quản lý trực tiếp. Diện tích trải rộng nhưng neo người, áp lực càng nhân lên khi nhu cầu lấy gỗ làm nhà của người Mông luôn hiển hiện, để đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn mà không làm “phật lòng” dân bản không dễ. Mong mọi việc êm xuôi, cán bộ chuyên trách phải ra sức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cất công, nhẫn nại hết năm này sang năm khác mới thu về thành quả tương xứng.
Nào đâu đã hết, một thời gian dài người dân bản địa vẫn duy trì thói quen di cư sang Lào khi thấy “khó ở”, họ vẫn trồng cây thuốc phiện, vẫn đốt nương làm rẫy, quỹ đất canh tác hạn chế lại không được tận dụng triệt để thành thử đói nghèo đeo đẳng mải miết. Từ định hướng của tổng đội nay sự tình khác rồi. Được học hành, lĩnh hội kiến thức, kỹ năng cơ bản, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nghệ, nuôi lợn, nuôi gà, hiệu quả kinh tế rất khá.
Trao đổi với Nông nghiệp Việt Nam, ông Lương Phi Thanh, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp nhận xét: “Người dân tại xã Tam Hợp, đặc biệt là 2 bản tập trung đồng bào dân tộc Mông là Huồi Sơn và Phà Lõm được Tổng đội TNXP 9 và chính quyền quan tâm trong thực hiện phát triển kinh tế xã hội. Hàng năm Tổng đội đều chủ động xây dựng kế hoạch, đề án phù hợp thực tiễn để 2 bên thống nhất, phối hợp nhịp nhàng. Đây là nền tảng, tiền đề trong xây dựng nông thôn mới”.
Vùng biên khoe sắc thắm
Ông Phan Văn Khoa, Phó Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 9 cho biết đơn vị phải “kiêm” nhiều vai, vừa làm tốt công tác dân vận, đảm bảo an ninh chính trị lại thực hiện các dự án được giao, đồng thời chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư, phân bón cho bà con, phạm trù không chỉ gói gọn mỗi địa bàn Tam Hợp mà trải rộng khắp miền Tây nghệ An.
Làm với cái tâm, đặt quyền lợi của đồng bào lên trên hết là mấu chốt thành công, đến này 3 dòng sản phẩm đặc trưng là nghệ, gà đen, lợn đen được số đông ưu tiên chọn lựa, thương hiệu ngày càng được củng cố vững chắc. Xuyên suốt quá trình thực hiện, tổng đội cắt cử đội viên đến tận nơi túc trực, chỉ đạo, hướng dẫn đầy đủ quy trình cho đến khi thành thạo mới thôi.
“Mô hình trồng nghệ triển khai thí điểm từ năm 2018 với khoảng 40 hộ tham gia, quy mô lúc đó chừng 2 ha thôi, sau 6 năm diễn biến hoàn toàn thay đổi, lúc này số hộ tăng gấp 4 lần, diện tích nâng lên 18 ha, riêng năm 2023 thu về gần 400 tấn hàng. Cây giống F1 được nhập tận trong Đắk Lắk, sau quá trình chọn lọc kỹ lượng mới tìm ra bộ giống chất lượng nhất.
Dân bản nơi đây siêng năng, cần cù, rất thiện chí. Đội viên hướng dẫn chi tiết các công đoạn, như khi thu hoạch được 10 bì thì để lại 2 bì củ to, mẫu mã đẹp để làm giống. Đội viên hướng dẫn trồng có hàng có lối, đảm bảo khoảng cách phù hợp. Hướng dẫn bón phân, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trên đơn vị. Thấy hợp lý bà con đều làm theo, hiệu quả ra sao cứ nhìn vào thực tế sẽ thấy”, ông Khoa thẳng thắn chia sẻ.
Gia đình anh Vừ Bá Mà, trú tại bản Huồi Sơn được hưởng lợi lớn từ những chương trình thiết thực của Tổng đội TNXP 9, nhờ mối lương duyên này anh Mà đã tìm thấy lối thoát từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần, điều vốn dĩ chẳng mảy may nghĩ đến xưa kia. Dưới sự hướng dẫn tận tình của cán bộ chuyên trách, anh Mà đã trồng nghệ, nuôi lợn đen, gà đen. Diễn tiến xuôi chèo mát mái, kết quả năm sau luôn cao hơn năm trước đã mang lại cho gia đình nguồn thu ổn định, trừ chi phí lãi bình quân 100 – 150 triệu đồng/ năm.
Phó Tổng đội trưởng Phan Văn Khoa quả quyết nghệ của tổng đội có hàm lượng Curcumin cao gấp 3 - 4 lần so với sản phẩm trồng ở đồng bằng, nghệ nơi đây có vị đậm, không cay nồng. Chất lượng kết tinh từ quy trình chuẩn chỉ, bộ giống chất lượng, đặc biệt là phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết nơi đây. Trên những diện tích liên kết, Tổng đội cam kết thu mua trước khi nhập cho thương lái dưới hình thức bán thô, hoặc qua chế biến. Tiếng lành đồn xa, thương hiệu “Tinh bột nghệ Tổng đội TNXP 9” đã phát triển rộng khắp, thị trường không chỉ gói gọn trong địa bàn huyện mà lan rộng ra toàn tỉnh, thậm chí vươn tầm tít vào miền Nam xa xôi.
Tính ra tổng doanh thu có được từ trồng nghệ đạt trên 2 tỷ đồng/ năm, con số quá đỗi ấn tượng nơi chốn heo hút gió ngàn. Nhờ trồng nghệ nhiều hộ thoát nghèo, có của ăn của để, điển hình như gia đình ông Vừa Tồng Lông, Vừa Tồng Và, Xồng Bá Do…
Để khai phá hết tiềm năng của cây nghệ, Tổng đội TNXP 9 ấp ủ xây dựng nhà máy chiết xuất nano Curcumin, đồng thời hình thành vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn để thỏa mãn nhu cầu của thị trường. Bấy lâu vùng trồng vẫn phân bổ chủ yếu ở 2 bản Huồi Sơn và Phá Lõm, ngoài ra còn một số ít ở Văng Môn, Xốp Nặm, tới đây sẽ khảo sát, lựa chọn địa điểm phù hợp để nhân rộng lên, qua đó hoàn thành mục tiêu 30 ha như dự định đã vạch sẵn.
Gánh vác trên vai áp lực khổng lồ nhưng đời sống của đội viên Tổng đội TNXP 9 còn lắm bấp bênh, cực nhất là những người theo diện hợp đồng như ông Bùi Trọng Công, SN 1964. Là người dưới xuôi lên đây lập nghiệp, qua 24 năm công tác đã rong ruổi khắp đất trời xứ Nghệ, có lẽ những nơi xa xôi nhất, trắc trở nhất đều đã đặt chân đến. Nay ngấp nghé thời điểm nghỉ hưu nhưng lương tháng của ông Công chỉ tầm 8 triệu đồng, quả thực nếu không đam mê sẽ chẳng trụ nổi.