Sinh ra và lớn lên ở xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, từ lâu anh Giàng A Sinh đã nung nấu suy nghĩ làm giàu ngay tại quê hương.
Năm 2018, anh Sinh quyết định đầu tư nuôi gần 1.000 con gà đen bản địa. Ban đầu do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi nên gặp nhiều khó khăn, gà lớn không đồng đều, tỷ lệ chết cao.
Sau đó anh được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà quy mô trang trại, từ việc chọn con giống, cách chăm sóc, sử dụng vacxin phòng bệnh, cách phát hiện gà có bệnh và xử lý…
Anh Sinh chia sẻ, gà xương đen có chất lượng thịt thơm, ngon, là giống gà bản địa, được nuôi nhỏ lẻ, nhưng phổ biến trong cộng đồng người Mông ở vùng cao Yên Bái.
Vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, đến năm 2020 anh đã xuất chuồng hàng nghìn con gà đen thương phẩm có trong lượng từ 1,5 - 1,8kg với giá bán 150.000 - 180.000 đồng/kg, trừ các chi phí chăn nuôi thu lãi gần 100 triệu đồng.
Giống gà đen bản địa có khả năng đề kháng cao, ít dịch bệnh, chịu được thời tiết khắc nghiệt ở vùng cao. Nhờ nuôi theo hình thức bán công nghiệp, thời gian nuôi kéo dài từ 5 tháng trở lên và tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương nên thịt gà giàu dinh dưỡng, thơm ngon, thịt dai chắc, được nhiều người ưa chuộng nên rất dễ bán.
Thấy hiệu quả từ việc nuôi gà đen bản địa, năm 2021, anh tiếp tục mở rộng chuồng trại, nhân đàn lên quy mô 1.500 con/lứa, mỗi năm nuôi 2 lứa, hàng năm thu nhập của anh đạt gần 150 triệu đồng.
Trước đây gia đình anh Mùa A Chư thuộc diện hộ nghèo lâu năm của xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu. Cuộc sống chỉ trông chờ vào vài sào ruộng nương nên đói nghèo đeo bám triền miên. Năm 2021, gia đình anh Chư được hỗ trợ 15 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết số 69 HĐND tỉnh Yên Bái.
Có vốn, anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 1.000 con gà đen bản địa giống về nuôi theo hình thức bán công nghiệp. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình anh được cán bộ khuyến nông xuống tận nơi theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật, nên ngay từ lứa đầu tiên đã thành công thu về hơn 70 triệu đồng. Hết năm 2022, gia đình anh thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Theo anh Mùa A Chư, gà bản địa của người Mông cũng có thể gọi là giống gà xương đen thịt đen nhưng không phải là gà ác. Trước đây nhiều hộ dân nuôi nhỏ lẻ, mỗi hộ vài con để làm thức ăn nên tập tính còn tương đối hoang dã. Ban ngày, gà được thả rông tự kiếm ăn, tối về chuồng hoặc đậu trên cây để ngủ.
Thức ăn là giun dế, ngô, thóc... người nuôi ít khi cho ăn thêm. Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi quy mô hàng hóa nên phải kết hợp thức ăn công nghiệp với các loại phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương. Gà đen bản địa có thể trọng trung bình, tốc độ lớn nhanh hơn gà ri trong điều kiện được chăm sóc tốt. Thịt săn nhưng không dai như thịt vịt, ngan.
Hiện nay, ở huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) có đàn gà đen khoảng hơn 43.000, với trên 2.000 hộ chăn nuôi, trong đó có nhiều hộ nuôi 500 - 1.000 con/lứa, nâng tổng đàn gia cầm của toàn huyện trên 140.000 con.
Giống gà đen ở đây có đặc điểm xương đen, nhỏ và cứng, thịt đen, thơm, chắc, ngọt. Đối với đồng bào Mông, gà đen không chỉ là món ăn mà còn là một loại thuốc quý.
Hiện nay, giá bán loại gà đen dao động từ 150 - 180 nghìn đồng/kg nên việc chăn nuôi quy mô lớn đã mang lại giá trị kinh tế cao. Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên ngày càng có nhiều mô hình nuôi gà đen quy mô hàng hóa, giúp cho hàng trăm hộ dân thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trạm Tấu cho biết: sản phẩm gà đen nằm trong danh sách thực phẩm đặc sản của địa phương, hiện cung chưa đáp ứng đủ cầu. Việc chăn nuôi giống gà đen bản địa không đòi hỏi yêu cầu quá cao, người dân có thể tận dụng hệ thống chuồng trại và nguồn thức ăn tại chỗ.
Với ưu điểm thích nghi tốt điều kiện khí hậu vùng cao nên việc tập trung chăn nuôi giống gà này không chỉ để bảo tồn giống bản địa mà còn góp phần giúp bà con nông dân dễ áp dụng để nâng cao thu nhập.
Tuy nhiên, đến nay hoạt động chăn nuôi gà đen bản địa ở Trạm Tấu cơ bản vẫn mang tính tự phát; thị trường tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào việc thu mua của thương lái nên tính ổn định chưa cao.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trong việc bảo đảm nguồn con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng dịch bệnh. Khuyến khích các hộ dân liên kết trong quá trình chăn nuôi, tìm thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu gà đen Trạm Tấu.