| Hotline: 0983.970.780

Tam Hợp thay da đổi thịt, sắc xuân tràn ngập vùng biên

Thứ Sáu 08/12/2023 , 11:20 (GMT+7)

Nghèo đói không còn bủa vây, đeo bám dai dẳng đồng bào Tam Hợp như xưa kia, ấy là nhờ sức lan tỏa mạnh mẽ từ những chương trình, chính sách lớn.

Xã biên giới Tam Hợp một thời đói nghèo lay lắt. Ảnh: Việt Khánh.

Xã biên giới Tam Hợp một thời đói nghèo lay lắt. Ảnh: Việt Khánh.

Trong tiềm thức của số đông, Tam Hợp là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương (Nghệ An). Nơi đây địa hình phân bổ phức tạp, chủ yếu là núi cao rừng rậm, đất dốc, rất khó canh tác. Đành rằng phạm vi “điện, đường, trường trạm”, đặc biệt là hệ thống giao thông đã được nâng cấp nhưng chưa đồng bộ, nhất là tuyến đường tỉnh 541B.

Toàn xã có trên 2.500 nhân khẩu với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống (Kinh, Thái, Khơ Mú, Tày Poọng và Mông), đặc biệt trên 93% là đồng bào dân tộc thiểu số. Khốn khó thi nhau bủa vây thành thử vùng biên một thời đói nghèo lay lắt, người dân chật vật tìm kế sinh nhai, may thay nhờ sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước thông qua những chương trình, chính sách thiết thực nên áp lực dần được giảm tải, đời sống dân bản ngày một tốt hơn.

Được thụ hưởng các chương trình, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào Tam Hợp đã có nhiều chuyển biến. Ảnh: Việt Khánh.

Được thụ hưởng các chương trình, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào Tam Hợp đã có nhiều chuyển biến. Ảnh: Việt Khánh.

Thành quả trên có được nhờ Đảng ủy, UBND xã chủ động nắm bắt chủ trương, định hướng chỉ đạo để lồng ghép hiệu quả cả 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia (xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển KT-XH cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) nhằm tạo đà bứt phá.

Điều kiện địa hình không phù hợp để trồng lúa nước hay trồng rừng nguyên liệu, bù lại Tam Hợp sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển mô hình chăn thả gia súc, gia cầm, kết hợp trồng cây bản địa. Hiểu rõ thế mạnh, địa phương này đã tranh thủ thời cơ, tập trung thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là tạo sinh kế cho người dân thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp.

Nhờ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều mô hình nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao được triển khai trên đất Tam Hợp. Ảnh: Việt Khánh.

Nhờ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều mô hình nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao được triển khai trên đất Tam Hợp. Ảnh: Việt Khánh.

Trực tiếp kinh qua từng giai đoạn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hợp, ông Lộc Văn Lợi hiểu rõ hơn ai hết bản chất của vấn đề: “Bây giờ và trước kia là 2 mảng màu đối lập, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể liên quan, trên hết là sự nỗ lực, hưởng ứng tích cực của người dân những nút thắt tưởng chừng thắt dai dẳng đã tìm thấy hướng mở. Các chương trình, dự án đã và đang phát huy tác dụng, góp phần quan trọng thúc đẩy KT-XH trên địa bàn”.

Điểm sáng phải kể đến mô hình trồng cây bo bo, loài cây đặc trưng gắn bó với đồng bào Mông. Cây bo bo thường mọc dưới tán rừng, trong thung lũng hoặc dưới khe núi, những nơi có độ ẩm cao. Nhận thấy loài cây khó tính nhưng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng biên, bà con Tam Hợp đã chủ động mở rộng quy mô trồng, kết hợp khoanh nuôi, bảo vệ, đến nay đã hình thành diện tích khoảng 30ha.  

Cây bo bo trên đất Tam Hợp phát triển, sinh trưởng ổn định, mỗi ha cho đều đặn 6 tấn quả, thị trường khá ổn, mỗi kg quả tươi có giá trên dưới 3.500 đồng, vị chi thu về trên 20 triệu đồng/ha. So sánh đối chứng với các cây trồng truyền thống (lúa, ngô…), rõ ràng hiệu quả kinh tế từ bo bo vượt trội hơn hẳn.

Cây bo bo mang lại cơm no, áo ấm cho đồng bào vùng biên. Ảnh: Việt Khánh.

Cây bo bo mang lại cơm no, áo ấm cho đồng bào vùng biên. Ảnh: Việt Khánh.

Tương tự là mô hình trồng sắn cao sản, trong năm 2022 diện tích trồng sắn toàn xã đạt 80 ha. Người dân biết cách chăm bẵm, thực hiện đúng quy trình hướng dẫn nên năng suất cuối vụ rất khá, bình quân khoảng 160 tạ/ha, nhờ cây sắn nhiều hộ có của ăn, của để.

Trồng trọt ghi dấu ấn, khía cạnh chăn nuôi cũng không kém cạnh. Tín hiệu bước đầu từ mô hình nuôi lợn đen, trâu, bò, dê theo hướng bán chăn thả khá ổn, nếu duy trì được nhịp độ này đây là hướng đi đáng để kỳ vọng.

Nét hồ hởi hiện rõ trên mặt, bà Lương Thị Hồng, trú bản Xốp Nặm chia sẻ thật tâm: “Ban đầu gia đình tôi chẳng mặn mà đăng ký thoát nghèo, lo ngại thoát nghèo rồi không còn được hưởng trợ cấp, lúc đó biết bấu víu vào đâu để sống. Tâm lý tự ti là rào cản của số đông người dân vùng cao, nhờ được chính quyền tuyên truyền, vận động, được Nhà nước hỗ trợ cây, con giống nên các hộ mới vững tin tiến tới ứng dụng mô hình trồng trọt, chăn nuôi, từ đó dần chủ động được cuộc sống thường nhật”.

Các mô hình chăn nuôi gia súc cũng mang lại tín hiệu tích cực. Ảnh: Việt Khánh.

Các mô hình chăn nuôi gia súc cũng mang lại tín hiệu tích cực. Ảnh: Việt Khánh.

Ở diễn biến khác, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng được xã Tam Hợp vận dụng khá linh hoạt. Trong năm 2022, thông qua Dự án 1 (giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt), 4 hộ trên địa bàn (bản Văng Môn 1 hộ; bản Phồng 2 hộ; bản Huồi Sơn 1 hộ) đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở với tổng kinh phí 160 triệu đồng. Ngoài ra, 5 hộ khác còn được hỗ trợ nước sinh hoạt, 12 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Kế đó là Tiểu dự án 1 của Dự án 4 về duy tu, sửa chữa đập đầu nguồn, thay thế đường ống bị hoen rỉ dẫn nước sinh hoạt bản Văng Môn, sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, đời sống của nhân dân vùng thụ hưởng đã ổn định hơn trước rất nhiều.

Đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn xã Tam Hợp đã góp phần quan trọng giúp thay đổi nhận thức, nếp nghĩ của số đông đồng bào bản địa. Khi vượt qua được ngưỡng “an toàn” thì thành quả đến như một lẽ tất yếu, chỉ qua hơn 2 năm tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã tăng nhanh phi mã, từ mốc 12.600 con nhảy vọt gần 18.000 con. Đây là một lát cắt điển hình cho thấy ấm no, sung túc đang tràn ngập vùng biên.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.