| Hotline: 0983.970.780

Minh bạch biện pháp SPS: Con đường thành bếp ăn thế giới

Thứ Tư 20/03/2024 , 14:02 (GMT+7)

Trước thềm Phiên họp thứ 88 của Ủy ban SPS/WTO tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ, TS. Ngô Xuân Nam chia sẻ những nội dung chính liên quan tới các quy định SPS đang được quan tâm.

Ông Nguyễn Hà Huế, Tham tán Nông nghiệp tại Phái đoàn Thường trực Việt Nam và ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam tại Geneva. Ảnh: SPS Vietnam.

Ông Nguyễn Hà Huế, Tham tán Nông nghiệp tại Phái đoàn Thường trực Việt Nam và ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam tại Geneva. Ảnh: SPS Vietnam.

Nhiều nội dung quan trọng

Từ ngày 18/3 đến 25/3, Việt Nam tham gia Phiên họp của Ủy ban SPS/WTO lần thứ 88 tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ. Thành phần đoàn Việt Nam gồm đại diện Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, chương trình làm việc của đoàn Việt Nam tại phiên họp thứ 88 gồm 3 nội dung chính. Thứ nhất, tham dự một số hội thảo do WTO tổ chức về tính minh bạch các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS).

Thứ hai, tham gia phiên họp chính thức của Ủy ban SPS/WTO về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Thứ ba, giải trình về việc chậm trễ cho phép xuất khẩu thịt bò từ Mexico.

Ngoài ra, đoàn Việt Nam còn dự 3 phiên họp song phương, gồm: Trao đổi với Na Uy về các biện pháp SPS và thương mại nông sản hai chiều; Đề nghị Brazil làm rõ quy định tạm dừng nhập khẩu cá rô phi; Đề nghị Ảrập Xêút sớm mở cửa thị trường cho thủy sản nuôi của Việt Nam.

"Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tích cực đàm phán, đề nghị các đối tác thương mại làm rõ các quy định các biện pháp SPS liên quan tới thương mại nông sản, giúp doanh nghiệp, người dân đảm bảo giao thương, hài hòa lợi ích các bên", ông Nam nói.

Minh bạch thông tin với Mexico

Một trong những nội dung chính tại phiên họp thứ 88 của đoàn Việt Nam là làm rõ với Mexico. Trước những quan ngại từ phía Bạn, ông Ngô Xuân Nam khẳng định “Việt Nam luôn tuân thủ theo các quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và WTO đối với việc nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật từ các nước”.

Theo Công văn số 492/TY-KD của Cục Thú y, cơ quan này cho biết, trình tự thủ tục nhập khẩu động vật ra sản phẩm động vật (bao gồm thịt bò) từ các nước vào Việt Nam như sau:

Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cung cấp thông tin theo yêu cầu của Cục Thú y. Sau đó, Cục Thú y sẽ xem xét, thẩm định hồ sơ. Nếu kết quả đánh giá hồ sơ đáp ứng yêu cầu, Cục Thú y sẽ cử đoàn công tác đến nước xuất khẩu tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế.

Nếu kết quả kiểm tra, đánh giá thực tế đạt yêu cầu, Cục Thú y sẽ thông báo cho nước xuất khẩu và hai bên cùng thống nhất Mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu và đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu.

Với vấn đề của Mexico, từ năm 2016 đến nay, Cục Thú y đã nhiều lần gửi công văn đề nghị phía bạn cung cấp, bổ sung thông tin để đánh giá nguy cơ nhập khẩu thịt bò từ Mexico vào Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình cung cấp, bổ sung thông tin của Mexico thường kéo dài, cung cấp thông tin chưa đúng yêu cầu, nhiều thông tin đã không còn cập nhật. Ví dụ như các báo cáo kết quả chương trình kiểm tra, giám sát dịch bệnh, giám sát chất tồn dư độc hại, vi sinh vật gây ô nhiễm đối với thịt bò và sản phẩm từ thịt bò, số liệu xuất nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật…

Gần đây, Cục Thú y nhận Công hàm số VNM-00102 ngày 2/2/2024 của Đại sứ quán Mexico tại Hà Nội bổ sung thông tin để đánh giá nguy cơ nhập khẩu thịt bò và sản phẩm thịt bò từ. Sau khi nghiên cứu tài liệu, Cục Thú y tại Công văn số 431/TY-KD ngày 26/2 đề nghị Mexico tiếp tục bổ sung thông tin về hệ thống giám sát an toàn thực phẩm.

Trong đó, báo cáo chi tiết kết quả chương trình giám sát tồn dư chất độc hại trong thịt bò và sản phẩm thịt bò năm 2021. Đối với báo cáo kết quả chương trình giám sát tồn dư chất độc hại trong thịt bò và sản phẩm thịt bò năm 2022, đề nghị cung cấp điều tra nguyên nhân, hành động khắc phục với từng trường hợp vi phạm.

Với kết quả chương trình giám sát vi sinh vật gây ô nhiễm trong thịt bò và sản phẩm thịt bò năm 2021-2022, Cục Thú y đề nghị cung cấp biện pháp xử lý với các lô hàng bị nhiễm khuẩn đối với 5 trường hợp mẫu dương tính với các vi khuẩn như Salmonella và E.coli. Bên cạnh đó, đề nghị phía bạn cập nhật kết quả chương trình giám sát tồn dư chất độc hại và vi sinh vật gây ô nhiễm trong thịt bò và sản phẩm thịt bò năm 2023 và kế hoạch thực hiện năm 2024.

Cục Thú y nhấn mạnh, đã nhiều lần đề nghị Mexico cung cấp thông tin về chương trình giám sát an toàn thực phẩm nhưng đến nay quốc gia Trung Mỹ vẫn chưa cung cấp thông tin theo đề nghị.

Vì những điều này, Cục Thú y đề nghị Mexico nhanh chóng tổng hợp và cung cấp thông tin để Cục xem xét và xây dựng kế hoạch đi kiểm tra thực tế tại phía bạn, đồng thời báo cáo Bộ NN-PTNT phê duyệt.

“Có thể thấy rằng, cơ quan chuyên môn của Việt Nam đã minh bạch các quy định và trình tự thủ tục về nhập khẩu sản phẩm động vật của Việt Nam với Mexico”, ông Nam nhấn mạnh.

Buổi làm việc giữa Văn phòng SPS Việt Nam với phía EU, bên lề một phiên họp của Ủy ban SPS/WTO. Ảnh: SPS Vietnam.

Buổi làm việc giữa Văn phòng SPS Việt Nam với phía EU, bên lề một phiên họp của Ủy ban SPS/WTO. Ảnh: SPS Vietnam.

Mở đường xuất khẩu tới Ảrập Xêút, Brazil

Hơn 6 năm trước, vào ngày 30/1/2018, Ảrập Xêút ban hành thông báo khẩn cấp số G/SPS/N/SAU/336 thông báo về lệnh của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (SFDA) nước này về “Tạm thời cấm nhập khẩu cá, giáp xác và các sản phẩm khác có nguồn gốc động vật thủy sản có nguồn gốc từ Việt Nam”.

Sau đó, ngày 6/10/2020, Ảrập Xêút thông báo dỡ bỏ lệnh cấm tạm nhập khẩu cá đánh bắt tự nhiên có nguồn gốc từ Việt Nam nhưng phía bạn chưa dỡ bỏ lệnh cấm đối với thủy sản nuôi trồng, bao gồm tôm và cá da trơn xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Ngô Xuân Nam phân tích, theo Hiệp định SPS/WTO về các biện pháp khẩn cấp, căn cứ các thủ tục được khuyến nghị để thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hiệp định SPS của WTO và các cam kết SPS trong các FTA, những biện pháp SPS khẩn cấp sẽ áp dụng ngay lập tức, nhưng trong thời hạn 2 tháng phải làm rõ và có đầy đủ minh chứng.

Tại Phiên họp Ủy ban SPS/WTO lần thứ 82 và 87, Việt Nam đã đề nghị SFDA xem xét mở cửa thị trường cho sản phẩm tôm và cá da trơn của Việt Nam. Tại Phiên họp Ủy ban SPS/WTO lần thứ 83, Việt Nam tiếp tục đề nghị SFDA nhanh chóng tổ chức thanh tra hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm cá tra của Việt Nam để sớm tháo gỡ lệnh đình chỉ nhập khẩu đối với thủy sản nuôi.

Để không làm ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng hai nước, tại Phiên họp thứ 88, Việt Nam một lần nữa đề nghị Ảrập Xêút thông báo kế hoạch và thời điểm giải quyết nội dung nêu trên, đảm bảo phù hợp trong cam kết thực thi Hiệp định SPS/WTO.

Cũng liên quan tới thị trường nước nhập khẩu, ngày 14/2/2024, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhận thông báo của Cơ quan kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Braxin (MAPA) về việc dừng nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam cho đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV, theo Quyết định số 270 ngày 9/2/2024 của MAPA.

Tương tự trường hợp của Ảrập Xêút, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, theo thông lệ quốc tế và hướng dẫn của WTO, những biện pháp kiểm dịch động thực vật khẩn cấp chỉ kéo dài trong thời hạn 2 tháng. Sau đó, quốc gia nhập khẩu phải tiến hành báo cáo, giải trình để minh bạch hóa các thông tin.

Do đó, căn cứ Hiệp định SPS/WTO, mục 6 Phụ lục B về minh bạch các quy định SPS, Việt Nam đề nghị cơ quan thẩm quyền của Brazil giải thích về lệnh dừng nhập khẩu cá rô phi. Sau ngày 24/4, đề nghị Brazil có kết luận rà soát rủi ro bệnh do virus TiLV và dỡ bỏ lệnh cấm.

“Việc lệnh cấm được đưa ra đột ngột nên các doanh nghiệp chưa kịp chuẩn bị để đáp ứng quy định của thị trường, gây thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Do vậy, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ chủ động, kiên trì đề nghị phía bạn minh bạch hóa thông tin và có biện pháp tháo gỡ”, ông Nam chia sẻ.

Việt Nam đang tích cực đàm phán để mở cửa lại thị trường tôm và cá da trơn tới Ảrập Xêút. 

Việt Nam đang tích cực đàm phán để mở cửa lại thị trường tôm và cá da trơn tới Ảrập Xêút. 

Chủ động đáp ứng với yêu cầu từng thị trường

Để mở cửa thị trường cho một sản phẩm nông, thủy sản cần nhiều thời gian, thông thường là từ 5-6 năm, thậm chí lâu hơn để hai bên thống nhất được các biện pháp SPS và các thủ tục liên quan, Phó Giám đốc Ngô Xuân Nam cho biết.

Trước thềm Phiên họp thứ 88 của Ủy ban SPS, ông Nam cam kết sẽ thông tin một cách minh bạch, đầy đủ tới 166 thành viên WTO, cũng như các quốc gia họp song phương, hoặc có mối quan tâm tới mặt hàng nông, thủy sản Việt Nam.

Về phía tổ chức sản xuất, lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp, ngành hàng, người dân cần chủ động nắm bắt thông tin về yêu cầu của từng thị trường nhập khẩu. Bởi mỗi quốc gia có một quy định khác nhau về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật.

Việt Nam đang trên đường khẳng định vị thế và trở thành bếp ăn của thế giới. Do đó, nếu không may một lô hàng bị cảnh báo, không những gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới vị thế, thương hiệu của nông sản Việt. Hơn nữa, quốc gia nhập khẩu có thể xem xét tăng tần suất kiểm tra, gia tăng các thủ tục nhập khẩu.

“Trước đây, Việt Nam có nhiều mặt hàng bị đưa vào diện kiểm soát với tần suất kiểm tra tương đối cao. Nhưng đến nay, nhờ nỗ lực của doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý, chúng ta đã kiểm soát tốt vấn đề dư lượng thuốc BVTV, thuốc kháng sinh, đối tượng kiểm dịch... Tôi hy vọng, toàn ngành sẽ ý thức sâu sắc được vấn đề, đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ các biện pháp SPS”, ông Nam nhấn mạnh.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nhộn nhịp trên công trình hệ thống kênh mương Hồ Ea H'leo 1

Hàng trăm công nhân cùng máy móc đang tập trung hoàn thiện hệ thống kênh mương Hồ Ea H'leo 1 theo tiến độ của chủ đầu tư đưa ra.