| Hotline: 0983.970.780

Chỉ 1 lô vi phạm, cả ngành hàng chịu kiểm soát chặt chẽ

Thứ Ba 23/01/2024 , 15:59 (GMT+7)

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin chi tiết về việc EU đưa ra tần suất kiểm tra 10% tại biên giới với sản phẩm sầu riêng, trong thông báo hôm 18/1.

Ông Ngô Xuân Nam: 6 tháng 1 lần, EU sẽ thông báo việc tăng, giảm tần suất kiểm tra với nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Ngô Xuân Nam: 6 tháng 1 lần, EU sẽ thông báo việc tăng, giảm tần suất kiểm tra với nông sản, thực phẩm nhập khẩu. Ảnh: Bảo Thắng.

EU vừa ra Thông báo số G/SPS/N/EU/712 ngày 18/1, trong đó đưa ra các quy tắc liên quan đến việc tăng/giảm tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức khi nhập khẩu vào khu vực này. Xin ông chia sẻ một số nội dung chính của thông báo này?

Sáu tháng 1 lần, Nghị viện Châu Âu sẽ họp với các bên liên quan để xem xét tăng hoặc giảm tần suất kiểm tra biên giới đối với những cái mặt hàng nông sản, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của nước thứ ba khi nhập khẩu vào EU.

Căn cứ vào dữ liệu xuất khẩu quá khứ, nếu nước thứ ba bị cảnh báo thì EU sẽ tăng tần suất kiểm tra, hoặc chuyển sản phẩm vào Phụ lục 2 - Phụ lục yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải có kết quả phân tích (chứng thư), hoặc Phụ lục 1 - sản phẩm phải chịu tần suất ở biên giới, hoặc đưa khỏi danh sách kiểm soát. Quy định này áp dụng chung cho tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ khi xuất khẩu nông sản làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi vào thị trường EU.

Theo thông lệ của WTO, khi một quốc gia, khu vực thay đổi quy định kiểm soát các biện pháp kiểm dịch, họ phải thông báo rộng rãi cho tất cả các thành viên để tuân thủ. Phải nhấn mạnh, rằng đây không phải là cảnh báo vi phạm của EU.

Liên quan đến thông báo mới nhất của EU, Việt Nam có 5 mặt hàng thuộc diện kiểm soát. Cụ thể, đối với Phụ lục 1 gồm ớt chuông (tần suất kiểm tra 50%), mì ăn liền có chứa gia vị/bột nêm hoặc nước sốt (tần suất kiểm tra 20%), sầu riêng (tần suất kiểm tra 10%). Đối với Phụ lục 2, có đậu bắp (tần suất kiểm tra 50%), thanh long (tần suất kiểm tra 20%).

So với thông báo của 6 tháng cuối năm 2023, 4 mặt hàng là đậu bắp, mì ăn liền, ớt chuông và thanh long giữ nguyên tần suất kiểm tra. Duy nhất sầu riêng được bổ sung, với tần suất kiểm tra 10%.

Sầu riêng là loại cây ăn quả chủ lực, đóng góp nhiều nhất vào giá trị xuất khẩu năm 2023. Ảnh: TL.

Sầu riêng là loại cây ăn quả chủ lực, đóng góp nhiều nhất vào giá trị xuất khẩu năm 2023. Ảnh: TL.

Nguyên nhân nào khiến sầu riêng lần này bị EU đưa vào diện kiểm soát? Việc này ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động xuất khẩu loại nông sản này vào EU?

Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, 6 tháng cuối năm 2023 Việt Nam có 3 lô hàng sầu riêng bị cảnh báo vi phạm quy định kiểm dịch của EU. Vì vậy, phía bạn đã đưa mặt hàng này vào diện kiểm soát.

Tôi cho rằng, việc sầu riêng bị kiểm tra 10% không ảnh hưởng nhiều đến ngành hàng, bởi trong thương mại nông sản, vấn đề kiểm soát biên giới đối với nông sản là chuyện bình thường. Bản thân Việt Nam, khi nhập khẩu nông sản, thực phẩm, cũng kiểm soát theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tương tự vậy, các quốc gia khác sẽ đưa ra những quy định để đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Với mặt hàng sầu riêng, thời gian qua Việt Nam đã làm tốt công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm cũng như đưa ra nhiều khuyến cáo tới người dân, HTX, doanh nghiệp tại các hội nghị, hội thảo, nhằm giúp người sản xuất chuẩn hóa quy trình canh tác, thực hành nông nghiệp tốt, cũng như sơ chế, đóng gói sản phẩm theo yêu cầu thị trường nước nhập khẩu.

Việc 3 lô hàng bị cảnh báo trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể do sơ suất ở một khâu nào đó. Vì vậy, doanh nghiệp, HTX và cơ quan quản lý cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để kiểm soát tốt mức dư lượng thuốc BVTV đối với sầu riêng và tất cả nông sản khác nói chung. Nếu làm được, tôi tin EU sẽ xem xét gỡ bỏ quy định kiểm soát 10%.

Buổi làm việc giữa đại diện Việt Nam, do Văn phòng SPS Việt Nam dẫn đầu, với phía EU bên lề phiên họp của Ủy ban SPS/WTO hồi tháng 6/2022. Ảnh: SPS.

Buổi làm việc giữa đại diện Việt Nam, do Văn phòng SPS Việt Nam dẫn đầu, với phía EU bên lề phiên họp của Ủy ban SPS/WTO hồi tháng 6/2022. Ảnh: SPS.

Ngoài sầu riêng, Việt Nam vẫn còn 4 mặt hàng khác bị EU duy trì tần suất kiểm tra tại biên giới. Ông có khuyến cáo gì với những chủ thể liên quan để sớm đưa các sản phẩm này ra khỏi danh sách kiểm soát?

Trước đây, Việt Nam cũng có nhiều mặt hàng bị EU đưa vào diện kiểm soát với tần suất kiểm tra tương đối cao. Nhưng đến nay, nhờ nỗ lực của doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý, chúng ta đã kiểm soát tương đối tốt vấn đề dư lượng thuốc BVTV. Đặc biệt, Việt Nam đã đưa được mặt hàng rau gia vị khỏi danh mục kiểm tra của EU, hay chuyển mì ăn liền từ Phụ lục 2 sang Phụ lục 1 - không yêu cầu lấy mẫu và phân tích kèm lô hàng xuất khẩu.

Từ kinh nghiệm này, tôi cho rằng trước hết người nông dân trong quá trình tổ chức sản xuất, canh tác cố gắng tuân thủ đúng các quy định của EU về kiểm soát thuốc BVTV, đặc biệt với những hoạt chất không có trong danh danh sách cấm của EU thì khối này mặc định ở mức 0,01 ppm. Với những hoạt chất cho phép, bà con tuyệt đối tuân thủ quy tắc “4 đúng” - đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng - nồng độ và đúng cách. Trong đó, phải đảm bảo thời gian cách ly đến lúc thu hoạch là không còn tồn dư thuốc BVTV.

Một vấn đề nữa, là bà con phải tích cực chuyển đổi sang hướng canh canh tác hữu cơ, sử dụng các hoạt chất sinh học, chế phẩm sinh học để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, là sự phối hợp, đồng hành của các doanh nghiệp.

Hiện nay, không riêng gì thị trường EU, hầu hết các thị trường đều đưa ra cảnh báo dù chỉ một lô hàng vi phạm. Điều ấy sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của cả ngành hàng và minh chứng chính là 3 lô hàng sầu riêng xuất khẩu EU năm 2023.

Sầu riêng là ngành hàng tỷ đô, với kim ngạch xuất khẩu năm vừa qua vượt 2 tỷ USD. Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất sầu riêng đạt tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu, nhưng chỉ vì 3 lô hàng, EU đã gửi thông báo đến WTO. Hơn lúc nào hết, chúng ta đang rất cầu sự đồng hành của cơ quan quản lý cấp địa phương trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hành nông nghiệp tốt, sử dụng thuốc BVTV đúng cách, cũng như khuyến nghị người dân hiểu chắc, nắm rõ vấn đề.

Về phía doanh nghiệp, có lẽ đã tới lúc nhận thức một cách sâu sắc, rằng chỉ cần bị “tuýt còi” 1 lần thôi là sẽ kéo theo tất cả doanh nghiệp khác trong ngành chịu mức kiểm soát tăng cường ở cửa khẩu. Giả sử, vi phạm vừa qua nghiêm trọng hơn, không loại trừ khả năng EU sẽ đưa sầu riêng vào Phụ lục 2, nghĩa là vừa chịu tần suất kiểm tra 10%, vừa bị yêu cầu lấy mẫu và phân tích gửi kèm theo lô hàng. Những công đoạn này chắc chắn sẽ gây tốn kém chi phí lên nhiều lần cho doanh nghiệp.

Càng hội nhập sâu rộng, chúng ta càng phải nghiên cứu, tuân thủ chặt chẽ luật chơi quốc tế, đặc biệt là với những thị trường được xem là khó tính như EU. Không riêng gì ngành hàng sầu riêng, tất cả các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam khi xuất khẩu đều phải lưu ý tuân thủ mọi quy định về an toàn thực phẩm và dịch bệnh, để tránh việc bị đưa vào danh sách kiểm, tăng tần suất kiểm soát ở biên giới, hay nặng hơn là yêu cầu thêm chứng thư xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!

Trong ngày 23/1, Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi Công văn số 15/SPS-BNNVN tới Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) thông báo về nội dung EU vừa đưa ra. Văn phòng đề nghị các bên liên quan thông báo cho doanh nghiệp và địa phương, nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm, tuân thủ các quy định của EU.

(Thực hiện)

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sơn La gặp hạn, sản lượng cây ăn quả dự kiến giảm 15%

Tình trạng hạn hán, thiếu nước đang xảy ra trên diện rộng tại các huyện, thành phố như Sốp Cộp, thành phố Sơn La, Sông Mã, Yên Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Mường La.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thông xe cao tốc tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt

Dự án cao tốc PPP Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng mức đầu tư hơn 11.157 tỷ đồng với chiều dài hơn 49km, lúc này 30km đã chính thức hoàn thành và thông xe.

Bình luận mới nhất