| Hotline: 0983.970.780

Nâng thực thi quy định SPS lên tầm khu vực, thế giới

Thứ Bảy 13/01/2024 , 07:12 (GMT+7)

Việc đồng chủ tọa trong đàm phán nâng cấp FTA giữa ASEAN và Trung Quốc của Văn phòng SPS chứng tỏ Việt Nam được bạn bè thế giới coi trọng, theo ông Lê Thanh Hòa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan một gian hàng triển lãm công nghệ trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 9/2023. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan một gian hàng triển lãm công nghệ trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 9/2023. Ảnh: VGP.

Đưa ACFTA lên một tầm cao mới

Trong nhiều năm qua, lĩnh vực SPS của Việt Nam được chú trọng và có sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng như các bộ, ngành liên quan. Thông qua việc đàm phán những quy định SPS trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), Văn phòng SPS Việt Nam đã góp phần nâng tầm vị thế của đất nước trên trường quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác với ASEAN và các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản...

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, chia sẻ, việc liên tục nâng cấp hệ thống SPS của chúng ta được ASEAN đánh giá cao. Điều này thể hiện rõ nét, qua sự kiện Việt Nam làm đồng chủ tọa trong đàm phán nâng cấp FTA giữa ASEAN với Trung Quốc, tạo cơ sở thiết lập cầu nối với không chỉ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) mà còn cả các đơn vị liên quan trong lĩnh vực kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm và xuất nhập khẩu của nước bạn.

"Với lần nâng cấp này, các nội dung của chương SPS mà chúng ta đã có trước đây giữa ASEAN với Trung Quốc sẽ được nâng cấp lên ngang tầm với các nội dung về SPS của các FTA khu vực mà chúng ta từng ký. Điều này tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và các quốc gia ASEAN nói chung", ông Hòa nói.

ASEAN và Trung Quốc ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện từ tháng 11/2002. Trên cơ sở Hiệp định khung, hai bên tiếp tục đàm phán và ký kết các Hiệp định về Thương mại Hàng hóa (có hiệu lực từ tháng 7/2005), Hiệp định về Thương mại Dịch vụ (có hiệu lực từ tháng 7/2007), Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực từ tháng 2/2010) nhằm thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.

Tháng 11/2015, ASEAN và Trung Quốc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung và các Hiệp định liên quan, trong đó có nhiều nội dung cam kết mới về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Hai bên phê chuẩn Nghị định thư nâng cấp FTA (ACFTA), nhằm đơn giản hóa các quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan, các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và quy định đầu tư.

Nỗ lực này được thể hiện thông qua chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc hồi tháng 9/2023. Với kim ngạch Trung Quốc - ASEAN đạt 975,6 tỉ USD năm 2022, người đứng đầu Chính phủ đề xuất các bên phấn đấu đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại đầu tiên của Trung Quốc vượt mức 1.000 tỉ USD.

Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa chủ trì đàm phán nâng cấp các quy định về SPS trong ACFTA. Ảnh: Bảo Thắng.

Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa chủ trì đàm phán nâng cấp các quy định về SPS trong ACFTA. Ảnh: Bảo Thắng.

Đồng thời, ông đề nghị ASEAN và Trung Quốc khẩn trương hoàn tất đàm phán nâng cấp phiên bản 3.0 ACFTA, cũng như mở rộng thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh để đáp ứng nhu cầu giao thương giữa hai phía.

Nhờ sự quyết tâm, vào cuộc của các bên liên quan, ASEAN và Trung Quốc đã triển khai nhiều nhóm công tác về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin về các mẫu chứng thư, cũng như giao thương giữa hai bên.

Theo ông Lê Thanh Hòa, những nội dung chính của việc nâng cấp ACFTA thuộc lĩnh vực SPS, gồm xây dựng cơ chế thông báo rõ ràng mỗi khi có thay đổi về quy định kiểm dịch, an toàn thực phẩm; cơ chế phối hợp để xử lý các vấn đề kỹ thuật, hoặc những bất cập hàng rào kỹ thuật.

"Phía Trung Quốc cam kết, tiếp tục hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước ASEAN. Tại Việt Nam, chúng ta có thể hưởng lợi từ việc đào tạo, tập huấn cán bộ kỹ thuật trong các khâu liên quan đến chẩn đoán dịch bệnh động thực vật", lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam nói tiếp.

Báo cáo tổng kết của Văn phòng SPS Việt Nam cho thấy, trong năm 2023, Việt Nam không nhận bất cứ cảnh báo nào của Trung Quốc về Lệnh 248, 249. Tính đến hết năm 2023, hơn 3.000 mã số doanh nghiệp được GACC cấp. Tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu, từng gây nhức nhối hồi cuối năm 2022, không còn tái diễn.

"Trong giai đoạn đầu tiên, khi mới triển khai thì còn chút vướng mắc liên quan đến xuất khẩu một số sản phẩm như hạt điều, hạt tiêu, cà phê... Tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng SPS Việt Nam với cơ quan hữu quan Trung Quốc cùng các đơn vị phía Việt Nam, doanh nghiệp được gỡ bỏ dần khó khăn", Giám đốc Lê Thanh Hòa chia sẻ. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông sản Thực phẩm Canada Lawrence MacAulay đích thân chế biến món tôm hùm nổi tiếng của Canada trong một sự kiện quảng bá hình ảnh đất nước này. Ảnh: Vietnam+

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông sản Thực phẩm Canada Lawrence MacAulay đích thân chế biến món tôm hùm nổi tiếng của Canada trong một sự kiện quảng bá hình ảnh đất nước này. Ảnh: Vietnam+

Tiến thêm một bước vào thị trường Canada

Chưa dừng lại ở đó, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục là cơ quan chủ trì đàm phán chương SPS trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada (ACAFTA). Quốc gia Bắc Mỹ là đối tác đối thoại của ASEAN từ năm 1977, và đến năm 1981, Hiệp định hợp tác kinh tế ASEAN - Canada (ACECA) được ký kết, tạo ra một nền tảng hợp tác công nghiệp, thương mại, kỹ thuật giữa hai bên.

Hiện nay, Canada và 4 nước thành viên ASEAN là Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam đã là thành viên của Hiệp định Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nếu ACAFTA được ký, tổng thương mại song phương giữa Canada và các nước thành viên ASEAN không tham gia CPTPP dự kiến tăng thêm khoảng 7 tỉ USD. Ngoài ra, các quốc gia ASEAN là thành viên CPTPP cũng được nới nhiều quy định về quy tắc xuất xứ, vốn là một rào cản không nhỏ trong CPTPP.

Riêng với lĩnh vực nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông sản Thực phẩm Canada Lawrence MacAulay đánh giá, giao thương trong lĩnh vực nông nghiệp giữa khối ASEAN và Canada ngày càng phát triển. Phía bạn có nhu cầu lớn về nhập khẩu hạt điều, cà phê, hạt tiêu và đang tập trung triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm mở rộng thương mại, đầu tư và tăng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

Từ phía Việt Nam, Giám đốc Văn phòng SPS nhìn nhận, nếu hàng hóa nông sản của Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường Canada sẽ tạo tiền đề để lan tỏa ra các nước lân cận như Hoa Kỳ, Mexico và một số quốc gia Trung Mỹ.

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, năm 2024 Văn phòng SPS Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Y tế... để tạo sức mạnh tổng thể, đồng thời có những đề xuất, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Bộ khi đàm phán, mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông lâm thủy sản.

Một trong những sản phẩm chủ lực được Giám đốc Lê Thanh Hòa lưu ý thời gian tới là dừa. Hiện Việt Nam tích cực đàm phán với Trung Quốc để ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch. Với tiềm năng đến 2 tỉ USD, nếu dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa được cấp phép, chắc chắn Việt Nam sẽ lại có thêm "cú hích" về xuất khẩu, tương tự sầu riêng trong hơn một năm qua.

Phương tiện hàng hóa chờ làm thủ tục xuất khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Phương tiện hàng hóa chờ làm thủ tục xuất khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Thành lập Cổng thông tin quốc gia về SPS

Ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu không những giúp Việt Nam tăng giá trị xuất khẩu mà còn là lời khẳng định cho vị thế và chất lượng, an toàn thực phẩm, cũng như cách thức quản lý của Việt Nam, theo lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam.

Cụ thể, năm 2023 Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 1.164 thông báo về các dự thảo quy định mới, các thay đổi về biện pháp SPS, tăng hơn 20 thông báo so với năm 2022. Dù nhận nhiều thông báo hơn, số lượng cảnh báo dành cho Việt Nam lại giảm trong năm vừa qua.

Minh chứng rõ nét là Hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF) đã phát đi 4.681 cảnh báo đối với tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ nhập khẩu nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi vào EU. Trong đó, Việt Nam nhận 67 cảnh báo (khoảng 1,4%) trong số này, giảm 5 cảnh báo (4%) so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Lê Thanh Hòa lý giải, vệc số lượng thông báo SPS tăng chứng tỏ thị trường thế giới đang rất chú trọng tới chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm, cũng như các yếu tố liên quan tới tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn... "Thế giới ngày càng quan tâm nhưng Việt Nam đã làm chuẩn hơn, tốt hơn, thể hiện qua số lượng cảnh bảo giảm", ông phân tích.

"Việt Nam đã tiến một bước dài trong việc tiếp cận và nắm bắt tiêu chuẩn, quy chuẩn của thế giới, từ đó đề ra các biện pháp tuân thủ, đáp ứng với đòi hỏi ngày càng khắt khe", ông Hòa nhấn mạnh. 

Để duy trì và phát triển hơn nữa kết quả này, Văn phòng SPS Việt Nam đã trình Chính phủ, Thủ tướng  Chính phủ Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định SPS của WTO và cam kết SPS trong khuôn khổ các FTA”.

Khi triển khai, Văn phòng sẽ có cơ sở thành lập Cổng thông tin quốc gia về SPS, với mục tiêu cập nhật một cách nhanh nhất, đồng thời cung cấp kịp thời các giải pháp cho người sản xuất để thích ứng với thay đổi của thị trường. 

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà, chúc Tết công nhân, gia đình chính sách

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt, chúc Tết công nhân lao động tỉnh Bắc Ninh, gửi lời chúc mừng doanh nghiệp, người lao động năm mới đạt nhiều kết quả, thắng lợi mới.

Cống âu Rạch Mọp cán đích trước tháng 3/2025

Sóc Trăng Cống âu Rạch Mọp đang bước vào giai đoạn nước rút, các kỹ sư, công nhân quyết tâm thi công xuyên Tết, phấn đấu đưa công trình vào vận hành trước tháng 3/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xác cá voi nặng khoảng 300kg trôi dạt vào bờ biển Quảng Trị

Xác cá voi, dài khoảng 4m, nặng 300kg vừa được phát hiện tại bờ biển Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trong tình trạng phân hủy nặng.