| Hotline: 0983.970.780

Mở dần cơ chế hỗ trợ người dân trồng rừng thay thế

Thứ Năm 30/05/2024 , 14:25 (GMT+7)

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu trình Chính phủ và ban hành một số chính sách khuyến khích người dân trồng và phát triển rừng.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu mở rộng biên đối tượng hỗ trợ trồng rừng thay thế.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu mở rộng biên đối tượng hỗ trợ trồng rừng thay thế.

Sáng 30/5, tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Nông về trồng rừng thay thế và thu dịch vụ môi trường rừng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá cao sự chủ động của địa phương trong công tác bảo vệ rừng. Đặc biệt, là việc ban hành Quyết định số 329/2023/QĐ-UBND gắn trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm với chủ rừng.

Điển hình tại huyện Đắk Glong, địa phương đã đi đầu trong công tác giao khoán đất rừng để người dân thu được nguồn lợi từ rừng, cũng như giảm áp lực về tình trạng phá rừng trên địa bàn. Cụ thể, Vườn quốc gia Tà Đùng hiện giao khoán hơn 6.000 ha rừng cho hơn 200 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trung bình mỗi năm, các tổ nhận khoán và lực lượng kiểm lâm tổ chức khoảng 1.000 lượt tuần tra rừng và ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng. Với mức chi trả trung bình hàng năm từ khoảng 700.000 đến 1 triệu đồng/ha, một hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng sẽ có thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng.

Công tác giữ rừng được nâng cao hơn hơn một bước nhưng tỉnh Đắk Nông vẫn gặp thách thức về vấn đề trồng rừng thay thế. Ông Lê Quang Dần, Phó giám đốc Sở NN-PTNT thừa nhận, diện tích trồng rừng thay thế lớn. Ngoài ra, người dân chưa thực sự mặn mà với việc trồng rừng, do các chính sách hỗ trợ chủ yếu dành cho rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, thay vì rừng sản xuất.

"Rủi ro trồng rừng tương đối lớn, nên Đắk Nông mới dừng ở việc khuyến khích người dân trồng rừng thay thế", ông Dần chia sẻ.

Theo tham mưu của Sở NN-PTNT, tỉnh Đắk Nông đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ khoảng 247 triệu đồng cho mỗi hecta rừng trồng thay thế - thuộc tốp cao trên cả nước. Tuy nhiên, đơn giá này vô hình trung lại gây áp lực lên những diện tích rừng cũ chưa kịp trồng, vốn theo cơ chế chi trả trước đây.

Thống kê của Cục Lâm nghiệp cho thấy, Việt Nam cần trồng mới khoảng 100.000ha rừng thay thế. Hiện các địa phương có xu hướng tự chủ động thực hiện kế hoạch trên địa bàn, với đơn giá hỗ trợ mỗi năm từ 100 triệu đồng/ha trở lên.

Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT đã chỉ rõ, địa phương phải thực hiện trồng rừng thay thế trong thời gian 12 tháng kể từ thời điểm phương án trồng được phê duyệt, hoặc thời điểm chủ dự án hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền.

Kinh phí trồng rừng thay thế, theo Thông tư số 22, dùng để hỗ trợ trồng rừng sản xuất loài cây gỗ lớn, hiện là 15 triệu đồng/ha. Tùy tình hình thực tế, mỗi tỉnh, thành phố có thể xem xét, tăng thêm khoản ngân sách này.

Những hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu trồng rừng sản xuất loài cây gỗ lớn và có cam kết khai thác sau 10 năm tuổi trên diện tích đất quy hoạch cho phát triển rừng sản xuất sẽ được nhận hỗ trợ.

Người dân tham gia trồng rừng tại tỉnh Đắk Nông.

Người dân tham gia trồng rừng tại tỉnh Đắk Nông.

Tại một số địa phương, việc chỉ hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn đôi lúc khiến người dân tham gia gặp mâu thuẫn về kinh tế. Trong số đó, có việc xoay vòng vốn, rủi ro về giá trong tương lai, hay cơ sở thu mua gỗ và sản phẩm gỗ trên địa bàn.

Thấu hiểu những vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, Bộ NN-PTNT đang nghiên cứu "mở rộng biên" đối tượng hỗ trợ trồng rừng thay thế. Trong năm nay hoặc 2025, Bộ sẽ ban hành thông tư mới, thay thế Thông tư số 22, để tạo thêm động lực cho người trồng rừng.

Nghị định 58/NĐ-CP vừa được ban hành, đã nâng mức hỗ trợ, giao khoán bảo vệ rừng hàng năm lên 500.000 đồng/ha, tăng 100.000 đồng so với mức hiện hành, thể hiện nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Trên nguyên tắc nơi nào phê duyệt phương án trồng rừng thay thế thì nơi đó phải tổ chức thực hiện, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh Đắk Nông trước mắt rà soát lại các dự án phải bố trí trồng rừng. Sau đó, căn cứ quỹ đất mỗi địa phương để tổ chức trồng nhiều nhất có thể. 

Bên cạnh đó, khuyến khích UBND cấp huyện tự đăng ký và đẩy nhanh trồng rừng gỗ lớn, đồng thời thực hiện hỗ trợ theo Thông tư số 22. Thời gian tới, Chính phủ dự kiến sẽ tiến hành kiểm kê rừng tại khu vực Tây Nguyên. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị địa phương chủ động lập kế hoạch kiểm kê, để có mức hỗ trợ hợp lý, hiệu quả.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.