| Hotline: 0983.970.780

Nâng mức hỗ trợ, khoán bảo vệ rừng bình quân hàng năm lên 500.000 đồng/ha

Thứ Sáu 24/05/2024 , 10:45 (GMT+7)

Mức hỗ trợ được điều chỉnh theo Nghị định số 58/2024/NĐ-CP, được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký ban hành hôm nay 24/5.

Cán bộ kiểm lâm Bắc Giang kiểm tra rừng tại khu vực huyện Lục Ngạn. Ảnh: Bảo Thắng.

Cán bộ kiểm lâm Bắc Giang kiểm tra rừng tại khu vực huyện Lục Ngạn. Ảnh: Bảo Thắng.

Nghị định số 58/2024/NĐ-CP đã điều chỉnh một số mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư một số hoạt động về bảo vệ và phát triển rừng so với chính sách đầu tư hiện hành.

Cụ thể, mức hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng bình quân được nâng lên thành 500.000 đồng/ha/năm, tăng 100.000 đồng/ha/năm so mức hỗ trợ tại chính sách hiện hành.

Mức hỗ trợ bảo vệ rừng bình quân là 150.000 đồng/ha/năm/tổng diện tích được giao đối với ban quản lý rừng đặc dụng, tăng 50.000 đồng/ha/năm so mức hiện tại. Với xã khu vực II, III bằng 1,2 lần và vùng đất ven biển bằng 1,5 lần mức bình quân.

Mức đầu tư trồng rừng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên, làm giàu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo định mức kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán công trình lâm sinh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hiện mức đầu tư hiện tại là 30 triệu đồng/ha cho trồng rừng. 

Theo Nghị định số 58, công tác khoán bảo vệ diện tích rừng ưu tiên khu vực tiếp giáp khu dân cư cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tại địa phương, đặc biệt là các xã khu vực II, III; diện tích tiếp giáp với khu vực có nguy cơ cao về xâm hại tài nguyên rừng.

Điều kiện và hạn mức khoán bảo vệ rừng được thực hiện theo quy định tại Điều 4 và khoản 2 Điều 6 Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ.

Về trình tự thực hiện, căn cứ dự toán kinh phí quản lý bảo vệ rừng hằng năm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT quyết định mức cấp kinh phí cụ thể cho từng ban quản lý rừng trực thuộc Bộ; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định mức cấp kinh phí cụ thể cho từng ban quản lý rừng tại địa phương.

Phương thức hỗ trợ cụ thể dựa trên kết quả bảo vệ rừng giữa chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với UBND cấp xã. Thời hạn thực hiện theo năm, hoặc theo kế hoạch trung hạn 3 năm, 5 năm.

Định kỳ mỗi năm, UBND cấp xã cùng với kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện bảo vệ rừng đối với từng đối tượng nhận hỗ trợ. Trường hợp bên nhận hỗ trợ bảo vệ rừng để xảy ra mất rừng hoặc phá rừng hoặc không thực hiện theo thiết kế được duyệt thì lập biên bản xác định diện tích rừng đã mất hoặc bị suy giảm, xác định rõ nguyên nhân và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trước 30/6 hằng năm, UBND cấp xã xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí bảo vệ rừng đối với diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê năm sau và đưa vào trong dự toán kinh phí ngân sách xã cùng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, phân bổ kinh phí hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí sự nghiệp.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo nhận xét, Nghị định mới tiếp thêm động lực cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Mức khoán trước đây được thực hiện theo Thông tư số 21/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, ban hành ngày 14/4/2023. Theo đó, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân hàng năm là 300.000 đồng/ha.

Mức hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng là 300.000 đồng/ha/năm đối với công ty lâm nghiệp; 100.000 đồng/ha/năm với ban quản lý rừng, UBND cấp xã; và 300.000 đồng/ha/năm với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Ngày 23/5, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, nội dung về khoán bảo vệ rừng được đưa ra nghị trường. Một số đại biểu cho rằng, mức hỗ trợ cũ không còn phù hợp và kiến nghị nâng mức bình quân lên khoảng 1 triệu đồng/ha/năm.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trả lời, rằng việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng không chỉ đơn thuần dựa vào nâng mức khoán, hỗ trợ. Người đứng đầu ngành nông nghiệp mong muốn tạo nguồn lực bền vững cho người dân tham gia giữ rừng, thông qua những điều chỉnh mang tính tổng thể nhằm phát huy đa giá trị của hệ sinh thái rừng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.