| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao cảnh giác với ‘giặc lửa’ trước những đợt nắng nóng gay gắt

Thứ Tư 29/05/2024 , 13:23 (GMT+7)

Thái Nguyên thành lập 1 đội kiểm lâm cấp tỉnh, 8 tổ kiểm lâm cấp huyện và trên 1.000 tổ bảo vệ rừng cấp thôn xóm phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Người dân xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên phát dọn cỏ tại đồi keo trước mỗi thời điểm nắng nóng, khô hanh. Ảnh: PH.

Người dân xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên phát dọn cỏ tại đồi keo trước mỗi thời điểm nắng nóng, khô hanh. Ảnh: PH.

Phòng, chống cháy rừng từ sớm, từ xa

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, năm 2024 được dự báo sẽ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt trên phạm vi cả nước.

Theo đó, để chủ động công tác phòng, chống cháy rừng từ sớm, từ xa nhằm giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, từ đầu năm đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tới người dân.

Điển hình như tại huyện Đồng Hỷ, gia đình ông Phùng Văn Độ (xã Văn Hán), hiện có trên 1 ha diện tích đất trồng keo đã được 5 năm tuổi. Để hạn chế việc xảy ra cháy rừng, trước mỗi thời điểm nắng nóng, khô hanh, ông Độ đều tranh thủ lên đồi keo chặt những cây chết, tỉa những cành khô và dọn dẹp cỏ. Đặc biệt, ông Độ đã thường xuyên nhắc nhở mọi người trong gia đình không được mang theo bật lửa hay các vật dụng dễ cháy mỗi khi đi lên đồi cây.

Tương tự như ông Phùng Văn Độ, kinh tế của gia đình ông Lê Văn Thuỳ (xã Khe Mo) chủ yếu phụ thuộc vào gần 5 ha rừng. Do vậy, ngoài việc tập trung chăm sóc cây keo, ông Thùy đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống cháy rừng bởi nếu không may xảy ra cháy sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu nhập của gia đình.

Năm 2024, nhiều đợt nắng nóng gay gắt được dự báo sẽ kéo theo nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Ảnh: PH.

Năm 2024, nhiều đợt nắng nóng gay gắt được dự báo sẽ kéo theo nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Ảnh: PH.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, chủ động đối phó với nguy cơ cháy rừng, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án giữ ổn định rừng.

Đồng thời triển khai sâu rộng đến các xã, thị trấn, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phương án chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” tại các khu vực trọng điểm. Cùng với đó là chủ động rà soát, khoanh vùng trên diện tích rừng được giao và xác định các xã trọng điểm có nguy cơ cháy cao

Theo ông Nguyễn Thế Phương, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm viên trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng rộng rãi đến mỗi người dân trên địa bàn.

“Đặc biệt, lực lượng kiểm lâm địa phương đã có sự phối hợp với lực lượng công an, quân sự, các ban, ngành, tổ chức tuần tra kiểm tra và kịp thời phát hiện cũng như xử lý nghiêm minh những đối tượng gây ra cháy rừng để có tác dụng giáo dục răn đe cao”, ông Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 183.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 62.000 ha, còn lại là rừng trồng với các loại cây trồng chủ yếu như keo, bạch đàn, bồ đề...

Bước vào mùa nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, các địa phương đã phối hợp các ngành chức năng của tỉnh chủ động các phương án phòng chống cũng như thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra trên địa bàn.

Thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng đến tận thôn xóm

Là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường kiểm tra và tổ chức diễn tập phương án phòng, chống cháy rừng tại các địa phương. Đồng thời chuẩn bị tốt phương châm “4 tại chỗ” để không bị động, bất ngờ trước những nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: PH.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: PH.

Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố phối hợp cùng với các xã, phường, thị trấn thành lập các tổ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, đến nay, tỉnh đã thành lập một đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng; 8 tổ kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện; trên 1.000 tổ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thôn xóm với hơn 7.500 thành viên.

“Trước những dự báo về thời tiết năm nay, nguy cơ cháy rừng tiếp tục có diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, chúng tôi đã đề nghị chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng cũng như các chủ rừng tiếp tục quan tâm, phối hợp với lực lượng kiểm lâm để triển khai thực hiện tốt các phương án phòng cháy rừng đã đề ra”, ông Lê Cẩm Long cho hay.

Tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng. Ảnh: PH.

Tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng. Ảnh: PH.

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, thời gian qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật, chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản bất hợp pháp, tình trạng săn bắt, bẫy, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã. Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, theo dõi hiện trạng, diễn biến rừng.

UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị được yêu cầu thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng và phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Đồng thời, cần kiểm tra, rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng bảo đảm đầy đủ, sát thực tiễn, đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tại chỗ tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn…

Hiện nay, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên được giao quản lý, bảo vệ trên 20.000 ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên cho biết, với đặc thù có nhiều khu dân cư nằm trong lòng khu vực rừng đặc dụng và tình trạng dùng lửa để đốt nương, đốt ong lấy mật thường xuyên diễn ra là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến cháy rừng. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân luôn được đơn vị xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.