| Hotline: 0983.970.780

Mô hình nuôi heo giảm được 95% lượng phân thải ra môi trường

Thứ Sáu 07/06/2024 , 08:00 (GMT+7)

BẾN TRE Mô hình hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải trong chăn nuôi heo theo hướng sinh thái đã giúp giảm 95% lượng phân, không còn mùi hôi, môi trường sạch đẹp.

Giảm 95% lượng phân thải ra môi trường

Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, UBND xã An Định (huyện Mỏ Cày Nam) triển khai mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải theo hướng sinh thái tại 3 hộ chăn nuôi heo của địa phương.

Đây là mô hình trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre”.

Bồn chứa rác thải từ chăn nuôi heo trong mô hình. Ảnh: Minh Đảm.

Bồn chứa rác thải từ chăn nuôi heo trong mô hình. Ảnh: Minh Đảm.

Tại mỗi hộ tham gia, dự án đã đầu tư các hạng mục như: Máng tách phân, hầm biogas, bể lắng – lọc, ao sinh học, nhà ủ phân hữu cơ, nhà nuôi trùn quế, thùng ủ đạm cá, lò đốt biochar, khuôn chứa rác.

Theo GS.TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên - Chủ nhiệm đề tài: Ngoài việc áp dụng các kỹ thuật sản xuất sinh học, tiết kiệm năng lượng và thực hành sản xuất tốt nhằm giúp người dân cải thiện nhiều yếu tố trong chuỗi chăn nuôi heo, mô hình còn áp dụng các kỹ thuật nhằm giảm thiểu và xử lý chất thải.

Cụ thể, phân được dùng làm nguyên liệu ủ phân hữu cơ nhằm cung cấp cho vườn cây xung quanh nhà hoặc cung cấp cho các hộ dân xung quanh có nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, phân cũng được ủ để nuôi trùn quế. Nguồn sinh khối thu được từ khu nuôi trùn quế sẽ được tiếp tục sử dụng làm phân hữu cơ, trùn quế dùng làm thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho heo.

Ông Lê Văn Ngọc Linh (ấp Phú Lợi Hạ, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam) cho biết, hầm biogas giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cung cấp chất đốt. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Lê Văn Ngọc Linh (ấp Phú Lợi Hạ, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam) cho biết, hầm biogas giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cung cấp chất đốt. Ảnh: Minh Đảm.

Nước thải được thu gom và xử lý qua hệ thống biogas. Khí sinh học thu hồi từ hệ thống biogas được

Lượng phân thải thay đổi theo từng giai đoạn tuổi và trọng lượng của heo. Theo định mức kỹ thuật Dự án khí sinh học của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) thực hiện tại Việt Nam, lượng phân thải heo định mức là 2,5kg/con/ngày.

dùng cho sinh hoạt của hộ dân. Lượng khí sinh học dư thừa có thể được kết nối để cung cấp cho các hộ dân xung quanh hoặc dùng để đun nấu cho sinh hoạt cũng như đun nấu thức ăn cho chăn nuôi hay vận hành lò sản xuất than sinh học (biochar) với nguyên liệu từ rác vườn. Biochar còn được dùng để xử lý nước thải và cải tạo đất.

Nước thải sau khi qua hệ thống biogas sẽ được dẫn qua bể lọc với vật liệu lọc là bichar được sản xuất từ sinh khối thực vật của mô hình. Sau cùng, nước thải được dẫn qua hệ thống ao sinh học, vừa có tác dụng xử lý phần ô nhiễm còn lại vừa là nơi lưu trữ nước.

Trong hệ thống ao sinh học có bổ sung các loài thực vật có khả năng xử lý ô nhiễm và làm thức ăn cho heo (điển hình như rau muống). Bên cạnh đó, mô hình còn tận dụng ao sinh học để nuôi thủy sản. Thủy sản thu được có thể dùng làm nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ dạng lỏng dùng cho vườn của hộ dân và những hộ xung quanh. Nước thải chăn nuôi sau khi xử lý được lưu chứa tại ao sinh học để tái sử dụng cho mục đích vệ sinh chuồng trại hoặc tưới vườn.

Sơ đồ khu chăn nuôi của mô hình.

Sơ đồ khu chăn nuôi của mô hình.

Thông tin về hiệu quả của mô hình, GS.TS Lê Thanh Hải cho biết: “Ở góc độ môi trường, mô hình giúp giảm trên 95% lượng phân thải ra ngoài môi trường. Nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi được thu gom và xử lý đạt QCVN 62-MT: 2016/BTNMT. Chi phí đầu tư và vận hành mô hình thấp, phù hợp với điều kiện của người dân địa phương. Mô hình ít sử dụng máy móc, thiết bị, không sử dụng hóa chất, chủ yếu tận dụng nhân công lúc nhàn rỗi. Thời gian hoàn vốn của mô hình chỉ dưới 1 năm nên mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế”.

Mở hướng chăn nuôi bền vững

Theo bà Trương Trịnh Trường Vinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, huyện Mỏ Cày Nam là địa phương có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh với khoảng 245 ngàn con, chiếm trên 50% tổng đàn heo toàn tỉnh, với hơn 9.000 hộ nuôi, trong đó hộ nuôi quy mô trên 100 con chiếm khoảng 15%. Địa phương này đã sớm đăng ký và được bảo hộ xác lập quyền sở hữu công nghiệp với nhãn hiệu chứng nhận “Heo Mỏ Cày Nam”.

Khu nuôi trùn quế. Ảnh: Minh Đảm.

Khu nuôi trùn quế. Ảnh: Minh Đảm.

Tuy nhiên, đi đôi với các lợi ích về kinh tế, việc gia tăng số lượng đàn gia súc trên địa bàn huyện cũng kéo theo những tác động không nhỏ đến môi trường do khối lượng chất thải chăn nuôi ngày một tăng, nhất là các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình đang gây ô nhiễm cục bộ nhưng chưa được xử lý hiệu quả. Chất thải chăn nuôi đang làm thay đổi dần chất lượng môi trường, đặc biệt là môi trường nước mặt tại các hệ thống kênh, rạch, mương nội đồng.

Phần lớn hộ nuôi heo áp dụng mô hình biogas. Một số hộ cũng đang áp dụng mô hình chăn nuôi heo theo hình thức đệm lót sinh học, nhờ đó đã giảm được mùi hôi nhưng chất lượng nước thải vẫn chưa đảm bảo các chỉ tiêu quy định.

Trộn chế phẩm EM ủ phân hữu cơ. Ảnh: Minh Đảm.

Trộn chế phẩm EM ủ phân hữu cơ. Ảnh: Minh Đảm.

Mặt khác, công tác quản lý môi trường của tỉnh Bến Tre nói chung và huyện Mỏ Cày Nam nói riêng còn nhiều hạn chế, nhất là khâu quản lý nguồn thải đối với các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Trong khi đó, chưa xác định, thống kê được đầy đủ các đối tượng cần quản lý do lưu lượng xả thải lớn, chứa nhiều thông số ô nhiễm, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; khâu tổ chức, giám định các nguồn thải chưa đầy đủ. Đặc biệt, công tác đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, kênh, rạch chưa được cập nhật kịp thời.

Đề tài nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp quản lý nhằm ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm cho hệ thống kênh, rạch, mương nội đồng trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam. Đồng thời, triển khai thí điểm mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải phù hợp nhằm bảo vệ nguồn nước mặt cho hệ thống kênh, rạch, mương nội đồng. Ngoài ra, còn đề xuất giải pháp tổng hợp chuỗi (từ thức ăn, quy trình nuôi, thiết kế chuồng trại, bể biogas, men xử lý mùi…) nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường nuôi heo trên địa bàn huyện.

Môi trường nước ao lắng sạch sẽ, không có mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi heo nhỏ lẻ. Ảnh: Minh Đảm.

Môi trường nước ao lắng sạch sẽ, không có mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi heo nhỏ lẻ. Ảnh: Minh Đảm.

Hộ ông Lê Văn Ngọc Linh ở ấp Phú Lợi Hạ, xã An Định (huyện Mỏ Cày Nam) đang có đàn heo thịt 20 con, 2 nái và 20 heo con. Sinh kế chính của gia đình là nuôi heo và trồng dừa với diện tích 6.000m2. Ông Linh cho biết, tham gia mô hình, gia đình ông được dự án đầu tư máng tách phân dài 1,4m, rộng 0,7m, cao 0,7m; hầm biogas bằng composite đường kính 1,9m (5m3); khu ủ phân và nuôi trùn quế dài 3m, rộng 3m; ao sinh học dài 5m, rộng 4m; thùng ủ đạm cá 200 lít; lò đốt biochar thể tích 0,3m3; khuôn chứa rác dài 2m, rộng 2m, cao 0,8m.

Tháng 10/2023, ông Linh cũng như các hộ dân khác được Viện Môi trường và Tài nguyên tập huấn vận hành, bảo quản các hạng mục công trình và các kỹ thuật nuôi trùn quế, ủ phân cá, làm than sinh học từ cọng dừa… So với chăn nuôi trước đây, ông cho biết đã có sự thay đổi khá rõ rệt. "Môi trường sạch đẹp hơn, giảm mùi hôi. Hồi xưa mình đào hầm làm biogas bằng nilon, lâu lâu nước thải tràn ra ngoài, dơ lắm. Giờ nước thải xuống hầm biogas, mình có chất đốt, khỏi phải mua gas. Tôi mong muốn mô hình được nhân rộng ra cho nhiều người nuôi heo tiếp cận để đảm bảo môi trường sống sạch đẹp”, ông Linh nói.

Xem thêm
Chất lượng bò thịt Bình Định ngày càng được nâng cao

Với tỷ lệ bò lai đạt trên 93%, chất lượng bò thịt ở Bình Định ngày càng nâng cao, góp phần phát triển đàn bò thịt chất lượng cao trong nông hộ giai đoạn 2021-2025.

Tỷ lệ tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi rất thấp

Hiện nay, dù đã có vacxin dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vacxin tại các địa phương như Quảng Ninh, Lạng Sơn rất thấp.

Truyền thông tạo cảm hứng để nông dân thay đổi

Hoạt động truyền thông chính sách nên nghiên cứu ứng dụng 'khoa học hành vi' trong việc tuyên truyền, vận động nhằm tạo cảm hứng cho nông dân thay đổi.