| Hotline: 0983.970.780

Mỏ nổ mìn, đá văng bay nhà dân, bụi tung mù mịt

Chủ Nhật 11/06/2023 , 13:40 (GMT+7)

Thái Nguyên Mỏ đá Lân Đăm 3 ở xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ đã nhiều lần xảy sạt lở, đá lăn, nổ mìn đá bay làm hỏng nhà dân, đe dọa tính mạng con người.

Có nhà không dám ở

Theo phản ánh của các hộ dân xóm Thống Nhất, xã Quang Sơn (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), hoạt động nổ mìn khai thác đá tại mỏ đá Lân Đăm 3 của công ty TNHH Chiến Thắng trên núi Lân Đăm đã gây ô nhiễm môi trường và khiến các công trình nhà ở bị nứt, gãy, đe doạ trực tiếp đến cuộc sống người dân nơi đây.

Mỏ đá Lân Đăm 3 được khai thác từ đỉnh xuống mặt bên kia của núi Lân Đăm, mỗi khi hoạt động khiến các hộ dân lân cận lại sống trong sợ hãi mất an toàn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Mỏ đá Lân Đăm 3 được khai thác từ đỉnh xuống mặt bên kia của núi Lân Đăm, mỗi khi hoạt động khiến các hộ dân lân cận lại sống trong sợ hãi mất an toàn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chị Trần Thị Thìn (xóm Thống Nhất) cho biết, đã 2 năm nay không dám ở nhà mà chuyển đến nơi khác sinh sống. Lý do bởi căn nhà nằm dưới chân mỏ đá, mỗi lần mỏ nổ mìn, ngoài việc gây dư chấn thì còn có lượng lớn khói bụi đá bao phủ cả một vùng. Kèm theo đó là tình trạng những hòn đá có kích thước lớn văng ra từ vụ nổ bay vào nhà, sân vườn diễn ra thường xuyên, đe dọa tính mạng con người và vật nuôi.

Theo chân đến căn nhà trước đây gia đình chị Thìn từng sinh sống, vì ngôi nhà bỏ không đã lâu, thiếu vắng sự chăm sóc nên lối vào bị chắn đầy cỏ dại, các bức tường bị rêu xanh phủ kín, hoang hóa theo thời gian. Bên trong căn nhà chỉ sót lại những vật dụng với lớp bụi dày, mạng nhện bao phủ.

Phía bên trong căn nhà bị bỏ lại chỉ còn sót lại ít vật dụng bị bụi bao phủ. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Phía bên trong căn nhà bị bỏ lại chỉ còn sót lại ít vật dụng bị bụi bao phủ. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Chỉ tay hướng về các vết nứt xuất hiện trên tường nhà, chị Thìn thở dài ngao ngán: “Từ khi xuất hiện mỏ đá Lân Đăm 3, mỗi lần họ đánh mìn khai thác đá, các dư chấn từ vụ nổ truyền đến khiến căn nhà rung lắc. Sau mỗi lần như vậy, những bức tường đã dần xuất hiện các vết nứt, gãy. Ban đầu chỉ là những vết nứt nhỏ, theo thời gian xuất hiện ngày càng nhiều và lớn hơn, không có cách nào khắc phục được”.

Theo chị Thìn,  những hộ dân khác nằm dưới chân núi Lân Đăm cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Điều này khiến người dân sinh sống tại đây luôn sống trong tình cảnh thấp thỏm, bất an ngay trong chính căn nhà của mình.

Ngoài việc gây hư hỏng cho nhà cửa, chuồng trại, bị ảnh hưởng, các hộ dân nơi đây đối diện với nguy cơ sạt lở, đá lăn, đá văng gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Nghiêm trọng nhất là sự việc sạt lở đá xảy ra vào tháng 5/2021, chị Thìn và mọi người trong gia đình vẫn còn thấy sợ hãi khi nhắc tới:

"Lúc đó gia đình tôi đang trong nhà bỗng có tiếng nổ lớn, ngay sau đó những tảng đá có kích thước như bánh ô tô tải lăn từ đỉnh núi lao vào vườn, chỉ còn cách căn nhà chừng 2m mới dừng lại. Đá lăn vào khiến lượng lớn cây cối, hoa màu hư hại, đổ gãy. Một số tảng đá lớn thì lao ra đường rồi phi thẳng xuống đồng ruộng, may mắn khi đó không ai đi qua hoặc đang làm ruộng ở đó. Vụ đó đã gây hư hại 20m đường bê tông và 0,1ha đất vườn, ruộng”.

Tường của những hộ dân sống gần mỏ đá đều trong tình trạng bị rạn, nứt. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Tường của những hộ dân sống gần mỏ đá đều trong tình trạng bị rạn, nứt. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Cùng chung tình cảnh giống như chị Thìn, hộ ông Triệu Văn Thiết (xóm Thống Nhất) cũng đã chuyển đến nơi khác sinh sống từ lâu do lo sợ hoạt động mỏ đá gây mất an toàn tính mạng. Giờ đây căn nhà cùng khu chuồng trại chăn nuôi vẫn còn, nhưng dấu vết đổ vỡ, hư hỏng tường và mái do bị đá văng vào thì vẫn còn đó.

Ông Triệu Văn Cần, người dân sinh sống gần đó cho hay: "Gia đình ông Thiết đã chuyển đến nơi khác sống từ lâu rồi, căn nhà đó giờ bỏ không có ai ở đâu. Khu chăn nuôi nằm sau nhà mới xây được 2 năm thì bị đá tảng lăn trúng, đổ nát tan hoang hết không còn lại gì. Sau sự việc đó, ông Thiết từ bỏ việc chăn nuôi và đưa gia đình đến nơi khác sinh sống. Thỉnh thoảng tôi có thấy ông Thiết trở về để thắp hương rồi lại vội vã rời đi".

Khu vực chăn nuôi của hộ dân bị đá tảng rơi trúng khiến cả một khu vực tan hoang, đổ nát. Ảnh: Toán Nguyễn.

Khu vực chăn nuôi của hộ dân bị đá tảng rơi trúng khiến cả một khu vực tan hoang, đổ nát. Ảnh: Toán Nguyễn.

Khoảng 18h ngày 13/5, tại mỏ đá Lân Đăm 3 đã xảy ra sạt lở đất đá với khối lượng lớn. Có 3 tảng đá lớn lăn từ trên núi xuống, làm vỡ đường giao thông nông thôn xóm Thống Nhất một đoạn dài khoảng 20m, trong đó có 2 tảng đá lăn xuống ruộng của người dân. Rất may là vụ mỏ đá bị sạt lở không có thiệt hại về người. Sau đó UBND xã Quang Sơn di dời khẩn cấp 4 hộ dân sinh sống dưới chân núi khu vực khai thác đá để đảm bảo an toàn về tính mạng.

Ngày 14/5, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Văn bản số 2065/UBND-CNN&XD, tạm dừng hoạt động khai thác tại hai mỏ đá Lân Đăm 3. Yêu cầu Công ty TNHH Chiến Thắng bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ bốn hộ dân trong khu vực di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm trong hoạt động của mỏ.

Vừa hoạt động trở lại, mỏ Lân Đăm 3 lại khiến người dân sợ hãi

Mỏ đá Lân Đăm 3 sau gần 2 năm bị UBND tỉnh Thái Nguyên tạm đình chỉ hoạt động do không đảm bảo an toàn trong khai thác đã được cấp phép trở lại vào ngày 25/4/2023. Điều này đã xé tan đi sự bình yên của người dân nơi đây, cuộc sống những người dân dưới chân núi Lân Đăm lại bị đảo lộn. Phản ánh với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhiều người nói rằng họ phải sống trong nỗi bất an, lo sợ trước những nguy cơ sạt lở, đá văng…

Chị La Thị Định (xóm Thống Nhất) bức xúc: "Những hệ lụy trước đây mỏ đá Lân Đăm 3 gây ra còn chưa khắc phục cho người dân, nay được cấp phép hoạt động trở lại khiến chúng tôi rất lo lắng. Giờ mỗi lần họ nổ mìn, bụi đá bay như mưa, ảnh hưởng không chỉ đến hoa màu, cây cối mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khi hít phải lượng lớn bụi đá. Mới đây, vụ nổ mìn còn khiến đá văng suýt thì trúng vào người sống ở cạnh nhà tôi".

Đá từ vụ nổ văng ra ruộng đồng của người dân, đến nay chưa xử lý, gây khó khăn trong việc canh tác. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đá từ vụ nổ văng ra ruộng đồng của người dân, đến nay chưa xử lý, gây khó khăn trong việc canh tác. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chỉ sau khoảng 1 tháng hoạt động trở lại, các hộ dân ở xóm Thống Nhất đã có đơn thư gửi các cấp cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên, với nội dung đề nghị tạm dừng hoạt động nổ mìn khai thác đá Lân Đăm 3 do gây mất an toàn. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp quản lý mỏ là Công ty TNHH Chiến Thắng phải thực hiện đúng quy định về khoảng cách an toàn, quy trình khai thác.

Liên quan đến phản ánh của người dân, trao đổi với phóng viên, ông Khúc Kim Quảng, Quyền Chủ tịch UBND xã Quang Sơn cũng có nhận định, công trình nhà dân bị nứt, gãy hay tình trạng sạt lở, đá lăn, văng vào nhà, ruộng, vườn người dân ít nhiều là do tác động dư chấn từ hoạt động nổ mìn khai thác đá.

Đối với phương án tổ chức di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, đảm bảo tính mạng, tài sản khi mùa mưa bão đang cận kề, ông Quảng cũng đã thông tin là hiện vẫn chưa có do người dân chưa đồng ý với phương án hỗ trợ mỏ đá đưa ra. "Hiện tại, địa phương đang tuyên truyền, khẩn trương tìm phương án hỗ trợ người dân bằng mọi cách. Quan trọng phải đảm bảo an toàn cho người dân, sau đó sẽ tính toàn thiệt hại, mong muốn là làm sao giải quyết dứt điểm”.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.