Vậy mà tất cả lụy tàn- lạm phát tăng cao, sản lượng lúa, ngô và cà phê giảm 60% trong 10 năm gần đây, gần như tất cả các nhà máy đều bị quốc hữu hóa...
Cây lúa rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Venezuela |
I. 10 năm trước, Venezuela đứng thứ 9 về xuất khẩu dầu thô. Đúng nghĩa là giấc mơ vàng đen. Múc 1 thùng dầu lên mặt đất, đút túi ngay 150 đô la Mỹ. Khi đó Venezuela là thiên đường. Dầu mỏ và sắc đẹp, còn gì hơn thế. Đây là mảnh đất giàu có, thế lực, được cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi thăm Nam Mỹ năm 1997 đã chọn thủ đô Caracas là điểm dừng chân đầu tiên.
Năm 1999, trước khi cố Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền, Venezuela là quốc gia du lịch ưa thích của giới nhà giàu Mỹ, châu Âu. Nơi đây có những khu nghỉ dưỡng, giải trí xa xỉ nhất khu vực. Ông chủ không ai khác, chính là người Mỹ với các công ty, tập đoàn dầu mỏ, khoáng sản đến đó để “đào" tiền dưới đất lên.
Muốn ngoại tệ mạnh, cứ múc dầu lên bán, liệu có công việc nào đơn giản, chóng vánh hơn? Và hàng ngày, hàng triệu thùng dầu đưa ra khỏi đất nước, tỏa đi toàn cầu. Dầu đi, tiền về, vòng tuần hoàn đó cứ trôi chảy tưởng như vĩnh viễn. Khi ấy, đại gia dầu mỏ ở Venezuela chiếm 40% dân số. Họ sống tập trung ở những khu phố, quận xa xỉ ăn chơi bậc nhất Caracas.
1 góc trung tâm thủ đô Caracas của cường quốc 1 thời về dầu mỏ |
Tuy giàu có nhưng vẫn còn 60% người nghèo, thậm chí thiếu cơm ăn áo mặc. Vậy tiền bán dầu đi đâu? Nghe nói chảy vào tài khoản các đại gia thế lực. Bất công này, lúc che lấp, lúc trồi lên cứ âm ỉ như ung nhọt chờ vỡ. Và đường phố Caracas đã chứng kiến những cuộc tuần hành triền miên của phe đối lập.
Khi lên nắm quyền, vị Tổng thống cánh tả nhanh chóng được gắn cho biệt danh “ông vua của người nghèo”. Các chính sách, hành động của ông luôn đặt người lao động nghèo khó lên hàng đầu. Và khi đó, thế giới biết đến Venezuela đậm chất cánh tả Mỹ la tinh: người nghèo được ăn, được học, khám chữa bệnh miễn phí, có việc làm đầy đủ.
Ông được tôn sùng, như vị thánh sống. Chỉ đi nghe Tổng thống phát biểu cũng được… phát tiền. Chính sách của ông làm người dân Venezuela sướng đến mức, hàng ngày chỉ việc đến cửa hàng lấy đồ ăn mang về mà không phải động chân tay làm gì.
Khi sức khỏe của nhà lãnh đạo ngày càng xấu đi cũng là lúc Venezuela lún vào “hố sâu” khủng hoảng. Nhìn thấy trước, người giàu đã ném tiền ra thu mua, cất giữ lương thực. Chiến dịch tích trữ để ăn dần đó có những người đã bị bắt với số lượng thực phẩm khổng lồ có thể dùng vài năm. Còn người nghèo, không có tiền chỉ biết trông chờ vào Chính phủ. |
Có gì gần giống với Ả rập Xê út chăng, cũng một quốc gia dầu mỏ phía bên kia bán cầu. Đến đất để trồng những hàng cọ ven biển cũng nhập khẩu. Và tiềm ẩn những nguy khi giàu có được mang đến quá dễ dàng. Nó dự báo những cơn bão đang đến gần.
II. Venezuela trên 30 triệu dân, bằng 1/3 nước ta, ngược lại rộng 916.445 km², gấp 3 lần Việt Nam. Nói thế để thấy họ rộng lớn, giàu tài nguyên đất đai nhường nào. Chỉ cần ra khỏi thủ đô đã có mọi thứ nông dân cần, đó là đất đen màu mỡ, ánh nắng chiếu sáng già nửa ngày, thuận lợi cho trồng trọt, nước và xăng rẻ thì nhất thế giới.
1 ký thịt bò có 1 đô la Mỹ. Lương chuyên gia 3.500 đô la. Nhưng tìm mua được ký thịt bò không dễ. Hàng hóa khan hiếm, lại bị nhà nước quản lý chặt chẽ. Hoa quả cũng nhiều. Nhưng dân không có tiền. Lương quan chức chỉ 30 đô/tháng. Rẻ nhưng không có tiền thì cũng thành đắt. Đó là bi kịch không dễ hóa giải.
Tái diễn cảnh dân xếp hàng chờ bánh mỳ hay người nghèo lục lọi thức ăn thừa ở thùng rác. Các kệ hàng trống không. Các thùng giấy vệ sinh cuối cùng được hót đi khỏi siêu thị. Đây là hậu quả của nền kinh tế trái với quy luật chung.
Phải chăng dầu mỏ đưa Venezuela lên tột đỉnh giàu có, thì nó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình cảnh này. Dầu mỏ không có tội. Venezuela không phải là quốc gia hứng bão giá dầu nặng nhất, họ chỉ đứng thứ 9 trong danh sách, còn sau Ả rập Xê út, Nga,… Do đó đổ riệt cho dầu mỏ có phần oan ức.
Sản xuất nông nghiệp ở Venezuela chủ yếu được cơ giới hóa |
Giá dầu thấp, thiếu đầu tư, công nhân thất nghiệp dẫn đến nhiều mỏ dầu chỉ khai thác cầm chừng, rồi dừng hẳn. Tất cả là do không có tiền, tiền đã nằm im trong tài khoản giới nhà giàu và đem đi trả nợ hết. Sự thiếu thốn về lương thực, thuốc men,... ở mọi nơi, mọi chỗ. Trong khi ngân khố đem trả nợ thay vì mua lương thực, thực phẩm. Giờ đây không chỉ là người giàu đứng lên, mà cả tầng lớp nghèo cũng không thể đồng tình.
Lương thực vẫn nhập khẩu, ví như lúa mì, vốn không thể trồng trên quy mô lớn với khí hậu nhiệt đới. Chính sách đất đai sai lầm càng khiến Venezuela phụ thuộc hơn vào nhập lương thực. Khi giá dầu cao thì không vấn đề gì. Hiện dầu chỉ khoảng 40 USD/thùng và sản lượng ở mức thấp nhất do hệ thống ống dẫn đã hỏng mà không được Chính phủ quan tâm và đầu tư đúng mức.
Vực một mỏ dầu hoạt động trở lại không quá khó, chỉ cần có nhiều tiền. Còn hàng triệu ha đất đã ngủ yên, cả vạn cánh đồng màu mỡ bỏ hoang hóa, người nông dân sống dựa vào đất nay đã quên hết cày bừa, trồng cấy. Đánh thức ngành nông nghiệp đã ngủ kỹ, vì thế khó hơn nhiều. Đó là thách thức không nhỏ.
Hạ tầng thủy lợi của Venezuela rất tốt cho sản xuất nông nghiệp |
Ai có thể nghĩ vương quốc dầu mỏ có lúc thiếu lương thực! Thế mà điều đó đã xảy ra, một cách hiển hiện, trực tiếp tác động đến mọi người. Lại thêm một hình ảnh trái ngược, khi tại sân bay thủ đô Caracas các máy bay tư nhân của giới nhà giàu đỗ đông đặc. Còn ở các vùng nông thôn phì nhiêu, đất vẫn ngủ, người dân thì thiếu lúa mì ăn.
Sản xuất nông nghiệp phải đủ cung ứng gạo, bánh mì cho người dân, chấm dứt dần cảnh xếp hàng mua thực phẩm. Đó là mệnh lệnh. Lúc này, Venezuela lại học được bài học từ người anh em đi trước, là Cuba. Cũng thiếu gạo, nhờ được Việt Nam hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật trồng lúa, Cuba đã dần tự túc được một phần lương thực.
Venezuela đã chọn con đường ấy. Năm 2015, Chính phủ Venezuela đặt bút ký Hiệp định hợp tác nông nghiệp với Chính phủ Việt Nam. Ngay sau đó, 2017 các chuyên gia Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã sang hỗ trợ các nông trường quốc doanh của bạn chuyển giao và phát triển tiến bộ kỹ thuật trồng lúa tiên tiến nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tìm hiểu về thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện tự nhiên và hạ tầng kỹ thuật như điện, nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, các chuyên gia đã rất ngỡ ngàng vì Venezuela là một đất nước có tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa mà Việt Nam còn lâu mới bì kịp.
Hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh do được đầu tư từ trước, giống lúa đa dạng, nhân công dưa thừa và rẻ. Tuy nhiên, hàng năm Venezuela mới chỉ sản xuất 200-250 nghìn ha lúa mì/1,9 triệu ha đất lúa (12% diện tích), năng suất rất thấp, từ 4-4,5 tấn/ha do kỹ thuật chưa phù hợp.
Những cánh đồng rộng hàng nghìn ha ở Venezuela |
Với hệ thống thuỷ lợi và các cơ sở chế biến đã được Chính phủ Venezuela đầu tư tương đối tốt trong thời gian vừa qua; điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp, biên độ nhiệt độ ngày và đêm lớn, Venezuela có thể mở rộng gieo trồng 2-3 vụ lúa/năm thay cho 1-2 vụ lúa/năm như hiện nay.
Nếu áp dụng kỹ thuật phù hợp và giải quyết được vấn đề nhân công lao động có tay nghề thì nhất định Venezela sẽ nâng cao được năng suất và tăng sản lượng lúa trong thời gian tới, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Khi đó, nông nghiệp sẽ là “cứu cánh” cho một cường quốc về dầu mỏ nhưng đã xa rồi bóng… hào quang! |
Nguyễn Xuân Dũng
(Chuyên gia nông nghiệp tại Venezuela)