Bưởi Đại Minh (xã Đại Minh, huyện Yên Bình, Yên Bái) được mệnh danh là bưởi tiến vua, mỗi năm mang về thu nhập vài chục tỷ đồng cho người dân địa phương. Cả xã hiện có hơn 450ha bưởi, nhiều diện tích tuổi đời đến 60 - 70 năm, có cây đến 200 năm tuổi.
Do ảnh hưởng bão lũ lịch sử vừa qua, gần 100ha bưởi ở các thôn Khả Lĩnh, Minh Thân, Cầu Mơ (xã Đại Minh) bị thiệt hại. Hiện số diện tích bị ngập cây đang rụng lá, rụng quả và chết hàng loạt, nhiều hộ mất trắng.
Theo ông Nguyễn Kiều Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Minh, cây bưởi là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân trong xã, vì vậy ngay sau khi nước rút, xã đã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại để có phương án khắc phục phù hợp.
Theo đó, đối với diện tích có thể khôi phục được, xã khuyến cáo bà con cắt tỉa cành, khơi thông thoát nước, tiếp tục chăm sóc để tạo lại tán cây.
Đối với diện tích bưởi chết, xã khuyến cáo bà con xử lý gốc cây, cải tạo đất, khôi phục lại sản xuất, trước mắt có thể trồng cây ngắn ngày như cây ngô đông.
Việc trồng bưởi thay thế diện tích cây bị chết sẽ mất rất nhiều kinh phí và thời gian. Chính quyền địa phương đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại để có các giải pháp phù hợp.
Vừa qua, huyện Yên Bình đã mời các chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái đến kiểm tra, đánh giá thực tế và đưa ra các giải pháp kỹ thuật khôi phục vùng bưởi Đại Minh.
Bà Đào Thị Thanh Hiền, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Bình cho biết, hiện nay, nhiều cây bưởi bị rụng quả hoặc vàng lá, cành bị chết từng phần, trường hợp bị nặng có thể rụng hoàn toàn lá, cây bị chết toàn bộ. Nguyên nhân bởi lá bị ngập trong nước lâu ngày, mất khả năng quang hợp, thối rụng; phần gốc cây bị long tróc do gió bão, bộ rễ bị tổn thương do sây sát và bị vi sinh vật gây hại.
Những cây còn khả năng phục hồi cần cắt bỏ toàn bộ cành bị khô chết, để lại phần tán trên ngọn, sau khi cành bên hồi phục sẽ tạo lại toàn bộ tán cây. Thực hiện vệ sinh vùng gốc cây, vườn cây; xới phá váng mặt đất xung quanh gốc cây và vùng rễ cây. Tiến hành khơi thêm rãnh thoát nước trong vườn và rắc vôi bột vào vùng rễ cây.
Đối với cây bị hại nặng không thể hồi phục được thì mới phải trồng dặm thay thế. Việc trồng thay thế diện tích cây bị chết cũng mất nhiều chi phí, công sức và ít nhất 5 năm nữa mới có thể cho lứa quả đầu tiên. Do đó, huyện mong muốn tỉnh và trung ương có chính sách hỗ trợ khôi phục lại diện tích theo hướng hỗ trợ đặc thù để chia sẻ khó khăn với những hộ dân bị thiệt hại, sớm khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống.