Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá, hiện nay TP.HCM đang ứng phó với sự xuất hiện của cả biến chủng Ấn Độ và Anh, đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên công tác kiểm soát, khống chế dịch phải thần tốc, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Mặc dù toàn TP.HCM đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 thực hiện Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31/5, nhưng mỗi ngày vẫn xuất hiện từ 30-50 ca bệnh.
"Đa số các trường hợp mắc Covid-19 là F1 trong các khu cách ly, các khu phong tỏa hoặc phát hiện qua xét nghiệm tầm soát khi đến khám bệnh tại các bệnh viện và truy vết rộng tại các khu phố, công ty, cao ốc", ông Phong nói.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho thấy, tỷ lệ chuyển từ F1 lên F0 có xu hướng giảm dần, nhưng tỷ lệ các trường hợp ca mắc mới được phát hiện từ khám sàng lọc tại bệnh viện, phòng khám có xu hướng tăng. "Điều đó chứng tỏ, tình hình dịch bệnh trong cộng đồng chưa được kiểm soát triệt để. Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo hiện nay là người dân khi đi khám không thành thật khai các triệu chứng ngay từ khâu khám sàng lọc, do đó ảnh hưởng rất lớn đến công tác sàng lọc của các bệnh viện", Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Dựa vào thời gian ủ bệnh là 14-21 ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định, trong 10 ngày tới có thể phát hiện thêm các ca bệnh rải rác từ những ổ dịch đã được kiểm soát.
Từ đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, cần tận dụng tối đa những ngày áp dụng giãn cách tiếp theo, bên cạnh việc yêu cầu người dân khai báo y tế đầy đủ, khám kiểm tra sức khỏe ngay khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ để kịp thời phát hiện tình trạng bệnh và cách ly điều trị sớm.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu tiếp tục điều tra truy vết, khoanh vùng, dập dịch khẩn trương, triệt để. Đặc biệt tại khu vực phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 cần khoanh vùng xử lý, xét nghiệm tầm soát quanh địa điểm có ca bệnh và khu vực lân cận, đồng thời xét nghiệm mở rộng trong cộng đồng. Riêng đối với các chung cư, tòa nhà văn phòng, căn hộ có ca bệnh tổ chức xét nghiệm toàn bộ người cư trú, người làm việc tại các địa điểm nêu trên.
Song song với tổ chức xét nghiệm mở rộng, thực hiện xét nghiệm kiểm tra theo chuỗi tiếp xúc gần, có nguy cơ cao lây nhiễm do đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh qua tiếp xúc gần ở vòng thứ 2, thứ 3 trong cùng gia đình, cùng nơi làm việc…
Ông Phong cũng yêu cầu xét nghiệm mở rộng tại các cơ sở sản xuất, lao động trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao (tại quận 7, quận 12, TP Thủ Đức, huyện Củ Chi... với số lượng 53.255 mẫu, đến nay chưa phát hiện người mắc bệnh).
"Mặc dù có 4 ca bệnh là người lao động trong khu công nghiệp nhưng chưa ghi nhận lây lan trong khu vực này", ông Phong nói.
Về vấn đề xét nghiệm, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, cần lấy mẫu và xét nghiệm tầm soát có trọng tâm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố có môi trường làm việc dễ lây lan, thông khí kém, đặc biệt là các công ty trong các khu công nghiệp có người nhiễm, nghi nhiễm thì triển khai xét nghiệm toàn bộ công nhân, người lao động và mở rộng xét nghiệm ở các công ty trong khu công nghiệp. Thực hiện xét nghiệm cuốn chiếu các công ty, khu công nghiệp nhằm đảm bảo toàn bộ các công nhân trong các khu công nghiệp được xét nghiệm và tiến hành liên tục theo kế hoạch.
Người đứng đầu UBND TP.HCM yêu cầu chính quyền các địa phương phối hợp ngành y tế giám sát, quản lý chặt chẽ người cách ly tại nhà, nơi cư trú; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về cách ly tại nhà.