| Hotline: 0983.970.780

Móng Cái hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu 15/11/2019 , 08:40 (GMT+7)

Với vị trí, vai trò và các lợi thế đặc biệt của khu vực cửa khẩu, TP Móng Cái (Quảng Ninh) được Đảng và Nhà nước xác định có ý nghĩa quan trọng trong trục động lực 2 hành lang để phát triển kinh tế.

09-58-43_1
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký (thứ ba từ phải sang) kiểm tra chương trình NTM tại Móng Cái.

Trong đó, xây dựng NTM và nâng cao thu nhập cho nông dân được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
 

Nỗ lực của nhân dân khu vực biên giới

Thôn Thán Phún được xã Bắc Sơn (TP Móng Cái) lựa chọn là thôn mẫu NTM. Chỉ trong một thời gian không dài, với quyết tâm chính trị cao và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp tuyên truyền, vận động thuyết phục và tranh thủ mọi nguồn lực, nhân dân thôn Thán Phún đã đồng loạt vào cuộc tích cực để hình thành một diện mạo mới nơi vùng cao.

Đến nay, 127 hộ, 557 nhân khẩu, 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm người Dao, Sán Chỉ, Tày đã đồng lòng nhất trí xây dựng NTM. Đơn cử, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước với mức 3,5 triệu đồng/hộ, hơn 100 chuồng trại chăn nuôi của người dân Thán Phún được xây dựng ngay sát nhà ở đã nhanh chóng được di chuyển ra phía sau vườn, xa khu nhà ở để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhà vệ sinh cũng đã được tách biệt với nơi ở, nguồn nước sử dụng cũng sạch sẽ hơn, việc xây tường rào, trụ cổng theo thiết kế đồng nhất đã tạo nên một diện mạo hoàn toàn khác biệt cho vùng cao biên giới.

Lan tỏa từ vùng cao tới đồng bằng, chương trình xây dựng NTM, điểm nhấn là xây dựng thôn mẫu đã tạo nên khí thế ở cả 9 xã nông nghiệp của Móng Cái

TP Móng Cái nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh với diện tích tự nhiên là 51.958,7ha, trong đó 85% là đất liền, 15% là hải đảo. Là địa phương vừa có đường biên giới trên bộ (dài 60,025km), vừa có đường biên giới trên biển (dài 18,419km) tiếp giáp với Trung Quốc, Móng Cái có vị trí địa kinh tế và địa chính trị chiến lược quan trọng, là một trong những cầu nối trực tiếp, trọng yếu trong việc thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, ASEAN và Đông Bắc Á.

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ TP đến xã phường, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế- xã hội của TP đã đạt những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể cả về vật chất lẫn tinh thần.

Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, hệ thống quản lý, thực hiện chương trình ở các cấp từ thành phố đến cơ sở được thành lập đầy đủ, thường xuyên kiện toàn, có sự phân công, phân cấp rõ người rõ việc phụ trách từng lĩnh vực và địa bàn cụ thể gắn với kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên.

Xác định nguyên tắc xây dựng NTM trên địa bàn thành phố thực hiện theo phương châm phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, nên chương trình này ở Móng Cái thành công có đóng góp lớn nhất của các tầng lớp nhân dân vùng biên giới. Nhà nước chỉ định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ để đảm bảo cho chương trình đạt được những mục tiêu, kế hoạch đề ra.

“Một trong những cách làm sáng tạo là Móng Cái đã chỉ đạo quyết liệt việc hỗ trợ vật liệu xây dựng chính, nhân dân tổ chức triển khai thực hiện các công trình hạ tầng vùng nông thôn. Giao các phòng, ban chuyên môn giúp các xã khảo sát, thiết kế... và hướng dẫn người dân giám sát các công trình.

Với phương thức mới, đã tạo được phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn rộng khắp trong các xã, nhân dân hưởng ứng hiến đất, đóng góp ngày công, khai thác vật liệu tại chỗ tổ chức xây dựng các công trình. Ngân sách giảm bớt gánh nặng, tổng chi phí đầu tư cho công trình giảm, chất lượng đảm bảo, quản lý bảo dưỡng công trình sau đầu tư được thực hiện tốt”, ông Vũ Văn Kinh, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho hay.

Hỗ trợ thiết bị ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chế biến và hỗ trợ kinh phí thực hiện thương mại hóa sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn.

Xác định rõ muốn xây dựng NTM phải bắt nguồn từ sự đồng thuận tham gia của người dân, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Móng Cái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân. Từ năm 2010 đến nay, TP Móng Cái đã tổ chức trên 100 buổi tọa đàm, đối thoại trực tiếp với nhân dân và cán bộ cơ sở về vấn đề xây dựng NTM bền vững; biên soạn trên 30.000 cuốn tài liệu tuyên truyền về chương trình NTM đến các hộ dân trên địa bàn; phát hành hơn 1 vạn tờ rơi, bản tin NTM… đến các thôn, bản.

Trong quá trình triển khai thực hiện, công tác giám sát cộng đồng cũng được các địa phương thực hiện tốt. Xác định việc xây dựng NTM là chương trình của dân, phục vụ nhân dân nên người dân tự tổ chức các ban giám sát, hoạt động độc lập để phát huy hiệu quả tốt nhất nguồn vốn và chất lượng các công trình cũng như mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp.
 

Thành quả đáng khích lệ

Tìm hiểu được biết, nét nổi bật trong xây dựng NTM ở Móng Cái là TP đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn (giai đoạn 2010 - 2018, tổng nguồn vốn huy động là hơn 4.347,3 tỷ đồng). Đặc biệt, người dân đã tình nguyện đóng góp vật liệu, công lao động, hiến đất và tự đầu tư xây dựng nhà ở, xây dựng cơ sở vật chất kinh doanh… với tổng giá trị ước tính là trên 771,8 tỷ đồng, chiếm 17,75% nguồn vốn huy động để xây dựng NTM.

Thành ủy, UBND thành phố Móng Cái xác định tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân là một nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình nên đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ.

Bình quân thu nhập của người dân trên địa bàn thành phố Móng Cái đã tăng từ 17,58 triệu đồng/người/năm (2011) lên gần 65,2 triệu đồng/người/năm (2018); trong đó thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 43,8 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, đến cuối năm 2018, 9/9 xã của TP Móng Cái đã được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 100%. Cuối năm 2018, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, TP Móng Cái đã vinh dự được Chính phủ trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba và công nhận đô thị loại II.

Ông Vũ Văn Kinh cho biết, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh và sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân của thành phố, chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống của nhân dân không ngừng tăng lên.

09-58-43_2
Nhà văn hóa thôn tại xã đảo Vạn Ninh.

“Phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, thời gian tới, Thành ủy, UBND TP Móng Cái sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu.

Đồng thời, thường xuyên phát huy sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, gắn phong trào thi đua với tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua khác trên địa bàn thành phố”, ông Kinh cho hay.

Cụ thể, Thành ủy, UBND TP sẽ chú trọng nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cấp xã, thôn, bản và cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM, nhất là vai trò của người đứng đầu. Tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng NTM” từ thành phố đến xã, phường, thôn, bản với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp thực tiễn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai phong trào thi đua giai đoạn 2020 - 2025.

Những năm qua, thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp của Móng Cái Năm 2018, thành phố đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó phấn đấu đến năm 2020 diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đạt 2.278,7ha (bao gồm nuôi nước lợ, mặn là 1.877,7ha; nhuyễn thể là 260ha, bãi triều 141ha) với 28 vùng nuôi, tổng giá trị ngành thủy sản phấn đấu đạt 1.200 tỷ đồng.

Hiện thành phố đang tích cực triển khai các biện pháp, ứng dụng KHCN, đưa giống mới... để thực hiện có hiệu quả quy hoạch trên.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Ngựa núi, gà đồi... đậm hương vị Tây Bắc được ưa chuộng dịp Tết

Các sản phẩm mang hương vị Tây Bắc giờ đây có thể tiếp cận các thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM nhờ được chứng nhận OCOP.

Bình luận mới nhất