| Hotline: 0983.970.780

Một bản án dẫm lên pháp luật

Thứ Sáu 02/06/2017 , 08:24 (GMT+7)

Gần 14 năm kể từ khi vụ án được khởi tố, ngày 26/5/2017, TAND huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) mới đưa vụ án “cố ý gây thương tích...” xảy ra tại thôn Vân Côn ngày 19/7/2003, ra xét xử, sau hơn 10 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, và 4 lần Viện KSND ra cáo trạng. Bản cáo trạng lần này được ký ngày 12/8/2015.

Hai bị cáo là Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy, đều trú tại xã Vân Côn, bị truy tố về hành vi “cố ý gây thương tích” theo khoản 3 điều 104 bộ luật Hình sự (BLHS). Bị hại là Đỗ Đăng Của.

Hai nhân chứng Quản Đắc Thế, Quản Đắc Công đến tòa án nhưng cũng không nhận được giấy triệu tập

Nội dung vụ án như sau: Ngày 19/7/2003, Đỗ Đăng Của và bố là Đỗ Đăng Chuyên đến xây tường, chiếm mảnh đất của ông Quản Đắc Họp (bố của Thúy, Quý) đang thuê của thôn, có thời hạn đến năm 2007, và chiếm luôn một phần thổ cư của ông Họp cạnh đó. Hai bên xô sát. Theo lời khai của Quý, Thúy, thì lúc xô sát, họ không có mặt ở hiện trường. Chỉ có ông Họp và bố con Của đuổi nhau, Của ngã xuống mương bê tông gây thương tích. Nhưng ngày 15/12/2003, Quý và Thúy bị khởi tố bị can vì hành vi gây thương tích cho Đỗ Đăng Của 34,16%.

Tại tòa, thấy chỉ có 2/9 nhân chứng có mặt, 4 luật sư bảo vệ cho 2 bị cáo đã đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa, để một là triệu tập đầy đủ các nhân chứng. Vì trong số 7 người vắng mặt đó, có những nhân chứng là người ruột thịt của bị hại, có những lời khai rất mâu thuẫn, có ý đổ tội cho hai bị cáo, để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

Hai là triệu tập giám định viên đã ký bản kết luận giám định kết luận Đỗ Đăng Của bị thương tích 34,16% , vì có những điểm còn nghi ngờ, nhưng không được HĐXX chấp nhận. Do đề nghị nhiều lần không được, nên cả 4 luật sư đã bỏ về để tỏ thái độ phản đối.

Theo Quản Đắc Quý, thì bị cáo đã gặp ông Nguyễn Công Tài, bưu tá xã. Ông Tài cho biết, mọi thư từ hay công văn, giấy tờ gửi đến bất kỳ một công dân nào ở Vân Côn, đều do ông chuyển. Nhưng trong tháng 5, ông không thấy có giấy triệu tập của tòa án đối với 9 nhân chứng.

2/9 nhân chứng có mặt tại tòa là Quản Đắc Thế, Quản Đắc Công cũng không nhận được giấy triệu tập. Họ đến tòa là do được Quản Đắc Quý báo miệng. Và thư ký tòa cũng không yêu cầu họ xuất trình giấy triệu tập.

Như vậy, có dấu hiệu cho thấy HĐXX đã cố ý không gửi giấy triệu tập đến các nhân chứng.  Nếu đúng vậy, thì HĐXX đã vi phạm nghiêm trọng điều 183 Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS), và đã khiến phiên tòa mất hoàn toàn tính khách quan.

Sau khi đại diện Viện KSND nêu quan điểm giải quyết vụ án, theo quy định của các điều 19; 217; 218 Bộ luật TTHS, thì hai bị cáo được quyền tranh tụng với đại diện VKS để gỡ tội cho mình, và không bị hạn chế về thời gian.

Nhưng khi họ vừa nói được câu: “Lời luận tội của đại diện VKS là hoàn toàn vô lý”, thì chủ tọa Nguyễn Anh Huy, đã lập tức can thiệp. Ông Huy liên tục cắt lời các bị cáo, không cho họ trình bày chứng cứ ngoại phạm. Cả HĐXX lẫn đại diện VKS đều chỉ sử dụng lời khai của các nhân chứng là người ruột thịt của bị hại, có ý đổ tội cho hai bị cáo trong hồ sơ vụ án, để làm chứng cứ kết tội họ, mà không quan tâm đến việc những lời khai đó vừa thiếu khách quan vừa rất mâu thuẫn, tiền hậu bất nhất.

HĐXX đã bỏ qua một số điểm quan trọng trong vụ án như: Bản giám định pháp y của Viện Khoa học Hình sự là do công an xã Vân Côn cung cấp cho công an huyện. Công an xã không có quyền ra quyết định trưng cầu giám định. Vậy bản kết luận giám định đó là bất hợp pháp. Và có thể dùng nó làm căn cứ kết tội hai bị cáo được không? Không thu hồi được tang vật của vụ án như dao, tuýp sắt, như cáo trạng của VKS nêu. Vậy sao có thể kết tội họ “dùng hung khí nguy hiểm” để gây thương tích cho bị hại?

Bản án của tòa đã tuyên phạt Quản Đắc Quý 5 năm 6 tháng tù, Quản Đắc Thúy 5 năm tù. Nói như một người tham dự phiên tòa, thì đây là “một bản án dẫm lên pháp luật”.

Chúng tôi đã phỏng vấn LS Lê Văn Kiên về lý do rời tòa. Ông cho biết:

"Đây là một trong những vụ án đặc biệt nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam, bởi lẽ sau gần 14 năm, với cả tá bản kết luận điều tra và cáo trạng, thì đây là phiên tòa đầu tiên được mở, để các bị cáo có cơ hội giải trình trước HĐXX về nỗi oan khuất của mình và đối chất công khai với các nhân chứng.

Chúng tôi, những LS bào chữa cho các bị cáo, cũng rất hi vọng vào một phiên tòa khách quan, công minh. Thế nhưng, chúng tôi rất bất ngờ và bức xúc khi HĐXX bác toàn bộ đề nghị của các LS về việc cho hoãn phiên tòa để triệu tập 7/9 nhân chứng còn thiếu.

Trong các nhân chứng vắng mặt, có nhiều nhân chứng có những lời khai mâu thuẫn, bất nhất, thậm chí đã tố cáo là bị bị hại ép phải khai không đúng sự thật, đổ tội cho bị cáo, nhưng vẫn được CQĐT và VKS lấy làm chứng cứ để buộc tội họ. Việc các LS đề nghị HĐXX triệu tập giám định viên để giải trình nhiều vấn đề chưa rõ, cũng bị bác bỏ.

Cách làm việc đó của HĐXX chứng tỏ họ không khách quan, có tính áp đặt, chủ quan, khiến sự có mặt của các LS trong tòa chỉ còn là hình thức, hoàn toàn không giúp gì được cho các thân chủ của mình, vì vụ án dường như đã được mặc định buộc tội các bị cáo từ trước mà không cần làm rõ các chứng cứ gỡ tội cho họ. Vì vậy, chúng tôi quyết định rời tòa, để phản đối cách làm việc của HĐXX".

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất