| Hotline: 0983.970.780

Một buổi chấm điểm OCOP ở Hà Nội

Thứ Tư 03/11/2021 , 08:25 (GMT+7)

Do Covid 19 nên tới ngày 2/11 Văn phòng Điều phối NTM TP Hà Nội mới tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 1, đợt 1 của năm

Theo kế hoạch đề ra thì năm 2021 Hà Nội sẽ đánh giá khoảng 400 sản phẩm nhưng đến nay đã có 541 sản phẩm đăng ký tham gia phân hạng, riêng ngày 2/11 thực hiện cho 2 huyện Hoài Đức và huyện Quốc Oai với 53 sản phẩm. Ông Nguyễn Phi Tiến, đại diện cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trí Đức, chủ thể của các sản phẩm gừng tươi, nước gừng xay, rượu gừng hạ thổ, tinh dầu gừng, gừng mật ong liên tục được Ban giám khảo chất vấn trong chừng 1 giờ về nguồn gốc xuất xứ, công nghệ sản xuất cũng như đã xuất khẩu được những thị trường nào.

Dù đã đưa sang thị trường Ý nhưng do sản phẩm của đơn vị mới phát triển được hơn 1 năm, chưa có nhiều kinh nghiệm nên về nhãn mác bao bì, hướng dẫn sử dụng… vẫn chưa được hoàn thiện. Cầm trên tay những sản phẩm này Ban giám khảo dùng điện thoại để check mã QR code rồi góp ý luôn những thứ cần phải bổ sung để cho đơn vị có thể cập nhật trong thời gian tới.

Các sản phẩm đem ra chấm điểm. Ảnh: NNVN.

Các sản phẩm đem ra chấm điểm. Ảnh: NNVN.

Bộ tiêu chí của sản phẩm OCOP gồm ba phần:  Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; Các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị; Các tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm.

Tổng điểm đánh giá cho mỗi sản phẩm tối đa là 100 điểm và được phân thành 5 hạng: 5 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 90 đến 100 điểm, là sản phẩm cấp quốc gia, có thể xuất khẩu; 4 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 70 đến 89 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, có thể nâng cấp lên hạng 5 sao. 3 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 50 đến 69 điểm, là sản phẩm cấp tỉnh, đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp lên hạng 4 sao. 2 sao có tổng điểm trung bình đạt từ 30 đến 49 điểm, sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn, có thể tiếp tục nâng cấp để nâng lên hạng 3 sao. 1 sao có tổng điểm trung bình đạt dưới 30 điểm, là sản phẩm khởi điểm tham gia Chương trình OCOP, có thể nâng cấp lên hạng 2 sao.

Ông Chu Phú Mỹ-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội chỉ đạo công việc chấm điểm. Ảnh: NNVN.

Ông Chu Phú Mỹ-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội chỉ đạo công việc chấm điểm. Ảnh: NNVN.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cho biết, đến hết năm 2020, thành phố đã đánh giá phân hạng được 1.054 sản phẩm OCOP của 216 chủ thể. Kết quả, có 4 sản phẩm được công nhận 5 sao, 13 tiềm năng 5 sao, 731 được công nhận 4 sao và 306 được công nhận 3 sao. Thành phố đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu có thêm 2.000 sản phẩm OCOP đạt được chứng nhận từ 3 sao trở lên; mỗi huyện, thị xây dựng được từ 1 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá OCOP trở lên.

Để đảm bảo tính khách quan, công bằng trong quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố cần bám sát các tiêu chí đã được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/08/2019 và Quyết định số 781/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, nghiên cứu kỹ hồ sơ, xem xét các tiêu chí liên quan đến các sở, ngành của mình để tham gia ý kiến, bổ sung các chủ thể những nội dung chính, tuyệt đối không được nợ tiêu chí. Các chủ thể, các đơn vị tư vấn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chứng minh sản phẩm mẫu để Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thực hiện nhiệm vụ được đảm bảo.

Xem xét kỹ từng sản phẩm. Ảnh: NNVN.

Xem xét kỹ từng sản phẩm. Ảnh: NNVN.

Bà Nguyễn Phi Thanh Vân, chủ thể sản phẩm bún gạo lứt và phở gạo lứt không giấu được vẻ hồi hộp khi lần đầu tiên mang sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Bà cho hay sản phẩm của cơ sở đảm bảo nguyên liệu sạch, không sử dụng hóa chất, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quá trình sản xuất theo chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo môi trường. Nếu sản phẩm đạt nhiều sao sẽ là cơ hội để khẳng định chất lượng, quảng bá sản phẩm rất tốt khi mang ra thị trường.

Bà Vương Thị Kim Thắm, Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Kinh Bắc, đơn vị tư vấn cho các chủ thể cho hay phần lớn các sản phẩm tham gia đợt này đều có giấy chứng nhận chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO...Tuy nhiên, nhiều chủ thể chưa biết cách đầu tư cho tem nhãn, bao bì, chưa thực hiện đăng ký chất lượng nên sản phẩm còn đơn giản, cần được hỗ trợ, động viên để hoàn thiện hơn nữa.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.