| Hotline: 0983.970.780

Một chút nhầm lẫn lịch sử

Thứ Năm 24/04/2014 , 15:44 (GMT+7)

60 năm qua, chúng ta cứ yên tâm dĩ hư truyền hư; tuy không sai sự thực là mấy, nhưng nó làm cho hành vi của người Anh hùng Tô Vĩnh Diện trở nên ngây thơ...

Đó là hai câu thơ: Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm… Thiết tưởng, khi đính chính sự kiện này cũng không phương hại đến câu thơ hay, tôi xin mạnh dạn. 

Bởi vì, 60 năm qua, chúng ta cứ yên tâm dĩ hư truyền hư; tuy không sai sự thực là mấy, nhưng nó làm cho hành vi của người Anh hùng Tô Vĩnh Diện trở nên ngây thơ, làm giảm thiểu ý thức bản lĩnh Anh hùng của một người đã 30 tuổi và đã qua hơn 7 năm trận mạc. Kỷ niệm 60 năm ngày ông Tô Vĩnh Diện hy sinh có lẽ là dịp để nói lại cho rõ.

Tôi có người bác, ông Hoàng Văn Ba, lính 312, trong những ngày kéo pháo ra, được tăng cường làm lính kéo pháo. Xin khoe một chút, ông nổi tiếng Sư đoàn, từng là Chiến sĩ Thi đua toàn quân, dự Đại hội Anh hùng Chiến sỹ thi đua năm 1951 với La Văn Cầu, Hoàng Hanh…

Ông vốn có sức khỏe phi thường, khi còn làm quản lý ở mỏ than Mạo Khê, từng dằn mặt cai Tây bằng cách dùng hai hàm răng ngậm cái bàn gỗ lim mà ném về phía hắn. Ông không trực tiếp kéo khẩu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 của khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện; nhưng ngay sau khi nó gặp sự cố, ông có mặt. Một buổi tối, nghe con trai và tôi học thuộc lòng bài thơ "Hoan hô chiến sỹ Điện Biên", ông đã bật cười mà nói:

- Sao lại chèn lưng cứu pháo? Khẩu pháo nặng hai tấn, khi bị đứt dây tời, nó lăn xuống dốc trơn, đã lăn qua cả khúc gỗ chèn thì lưng người liệu có dừng được nó không? Nhóm chiến sĩ kéo pháo đứng phía trên cách đó từ 3 - 5 m đuổi theo khẩu pháo lăn, liệu có kịp bám mà lôi nó lại và liệu có lôi được không?

nhhungtovinhdienlr5144121626
Anh hùng Tô Vĩnh Diện

Thấy chúng tôi cứ ngơ ngác, ông cũng không đủ ngôn ngữ để mô tả toàn bộ hành vi cứu pháo của ông Tô Vĩnh Diện. Mấy hôm sau, nhân có chuyến xe trâu bánh gỗ bọc sắt vào rừng hái củi. Ông tháo vạy trâu, bảo chúng tôi giữ càng, rồi nằm giữa dốc, bảo chúng tôi thả càng xe. Bánh xe cứ thế lăn qua người ông mà không chịu dừng lại. Ông nói:

- Lấy lưng chèn khẩu pháo đang lăn trôi xuống dốc là hành vi tự sát. Đây này, xem này - vừa nói, ông Ba vừa xoay càng xe lại, nói ví dụ đây là hai càng pháo, nó chụm lại ngay dưới cổ nòng rồi tòe ra đôi chân; cần cao thì chân choãi vừa, cần thấp thì chân choãi rộng.

Khi đứt dây tời, khẩu pháo lăn qua chèn; một người pháo thủ vội lái càng về tả luy, nhưng đang đà lăn, nó hất ông ấy xuống vực; Tô Vĩnh Diện vội vàng cầm lấy càng ấn mạnh để nó chúi vào tả luy, khẩu pháo mới bị khựng lại. Nhưng bánh pháo theo quán tính chèn qua người ông.

Những lời ông Ba đã thuyết phục tôi hoàn toàn. Suốt nửa thế kỷ qua, sự kiện cứu pháo của Anh hùng Tô Vĩnh Diện in trong ký ức tôi là thế. Nhưng không hiểu sao chưa có ai nói ra điều đó? Vừa may, trong khi tìm hiểu trên mạng xem có ai kể chuyện Tô Vĩnh Diện không, tôi gặp Từ điển mở Wikipedia nói rất kỹ. Xin chép ra đây:

Anh hùng Tô Vĩnh Diện sinh năm 1924, quê ở thôn Dược Khê, xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Trang thông tin của họ Tô Việt Nam cho biết ông thuộc đời thứ 15, phân ngành 2, chi 4 họ Tô làng Bao Hàm, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; tổ thứ 5 tính đến ông, mới vào Thanh Hóa lập nghiệp.

Ông nhập ngũ năm 1946. Ngày 1/2/1954, đơn vị ông trên đường kéo pháo ra, đến một con dốc cao và hẹp ở gần Bản Chuối. Ông cùng một pháo thủ phụ trách điều khiển càng pháo để chỉnh hướng cho một đơn vị bộ đội kéo dây tời giữ pháo, ngoài ra còn có 2 chiến sĩ phụ trách chèn bánh pháo. Bất ngờ quân Pháp bắn pháo từ Mường Thanh lên. Đơn vị kéo giữ pháo nằm rạp xuống, đồng thời dây tời bị đứt. Lực giữ pháo yếu đi và khẩu pháo lăn qua chèn.

Pháo thủ Lê Văn Chi lái càng phía ngoài bị càng pháo hất xuống vực và pháo trôi dần về phía vực sâu. Ông lập tức bỏ càng pháo phía trong, chuyển sang càng pháo phía ngoài, cố gắng đẩy hướng càng pháo đâm vào vách núi. Tuy cản được pháo lăn xuống vực, nhưng ông cũng bị bánh xe của khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đè lên người trọng thương. Giây cuối cùng khi được đồng đội đưa ra để đi cấp cứu, ông vẫn còn hỏi “Pháo có việc gì không” trước khi hy sinh.

Nhân thể cũng xin đính chính: Trên bia mộ ông Tô Vĩnh Diện khắc thời điểm hy sinh là ngày 21/1/1954. Các tài liệu sau này, căn cứ nhân chứng lịch sử, xác định chính xác thời điểm ông hy sinh là lúc khoảng 22 giờ ngày 28 tháng Chạp năm Quý Tỵ (tức 1/2/1954). Địa điểm hy sinh cũng được xác định ở rừng Pá Có, sườn phía tây Pha Sung, thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Sau khi tham khảo rộng các nguồn thông tin, tôi càng tin vào câu chuyện của ông Ba nói cách đây vừa nửa thế kỷ; thêm trân trọng bản lĩnh dám hy sinh của Anh hùng Tô Vĩnh Diện. Dùng hết sức bình sinh, ông đã làm bằng một cách duy nhất khả dĩ cứu được pháo, là chúi càng nó vào tả luy, dùng đất mà phanh nó lại.

Vì quên mình, ông đã bị bánh pháo chèn qua theo quán tính mà bị trọng thương. Tấm thân ông cộng với đất ở tả luy dương của con đường, nơi trọng lực của khẩu pháo bị hãm chặt, đã cứu được khẩu pháo.

Khẩu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 sau đó đã nhả đạn ở Điện Biên Phủ, bắn cháy 3 máy bay Pháp trước khi được đưa về làm Bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Phòng không Không quân.

Tôi gửi bài này in báo, hy vọng còn những ai là đồng đội của Anh hùng Tô Vĩnh Diện và liệt sỹ Lê Văn Chi, giúp xác định thật rõ trường hợp hy sinh của người Anh hùng, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm