| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường:

Một cường quốc nông nghiệp không thể lệ thuộc hết vacxin nhập khẩu

Thứ Hai 20/02/2017 , 07:01 (GMT+7)

Chúng ta phải có khát vọng đột phá, đi nhanh trong sản xuất vacxin chăn nuôi. Bộ sẽ luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian ngắn nhất phải giải quyết nút thắt, thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất vacxin...

“Chúng ta phải có khát vọng đột phá, đi nhanh trong sản xuất vacxin chăn nuôi. Bộ sẽ luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian ngắn nhất phải giải quyết nút thắt, thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất vacxin” - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, khi kiểm tra tình hình sản xuất vacxin thú y tại Cty CP Phát triển công nghệ nông thôn (RTD) và Cty Marphavet, ngày 18/2.
 

Chủ động sản xuất vacxin

Báo cáo với đoàn công tác, ông Vũ Tiến Lâm, Chủ tịch HĐQT Cty RTD (tỉnh Hưng Yên) cho biết, đến nay Cty đã phân lập và tuyển chọn được bộ chủng giống gốc virus LMLM các Type O, A, Asia1 và Sub-Type để nghiên cứu sản xuất vacxin; đã nghiên cứu thành công vacxin Type O và đang hoàn tất hồ sơ nghiệm thu cấp quốc gia vào tháng 4/2017 cho 2 nhiệm vụ: Nghiên cứu tạo giống gốc LMLM để sản xuất vacxin; nghiên cứu, chế tạo vacxin phòng bệnh LMLM Type O cho gia súc. Ông Lâm nhấn mạnh, một trong những trọng tâm mà Cty tập trung chỉ đạo trong năm 2017 là sản xuất thuốc thú y và vacxin phục vụ chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao.

15-29-14_dsc_0080
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đi kiểm tra các cơ sở sản xuất vacxin

 

Theo ông Vũ Tiến Lâm, Cty RTD xếp hạng 238 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; trong đó thuốc thú y, vacxin là 350 tỷ đồng. Lợi nhuận hàng năm từ thuốc thú y, vacxin khoảng 30 tỷ đồng. Hiện nay, nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, sản xuất, kinh doanh vacxin đang được Cty giao cho Cty TNHH MTV AVAC Việt Nam triển khai, thực hiện. AVAC đã làm chủ một số công nghệ có thể so sánh với các Cty trên thế giới. “Hiện nay đang có 13 sản phẩm để đăng ký thực hiện, trong đó có nhiều sản phẩm đa giá, vacxin phối kết hợp nhiều bệnh trong một và có những sản phẩm lần đầu tiên sản xuất ở Việt Nam”, ông Lâm báo cáo với đoàn kiểm tra.

Trong khi đó, Cty Marphavet (tỉnh Thái Nguyên) đang đầu tư xây dựng 1 dây chuyền sản xuất vacxin LMLM riêng theo tiêu chuẩn GMP - WHO (đã xây dựng được trên 80%). Ông Trần Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc điều hành Marphavet cho hay, hiện Cty có 10 dây chuyền sản xuất vacxin thú y, dược thú y và chế phẩm sinh học. Cty có 10/20 sản phẩm vacxin đã sản xuất được phép lưu hành (vacxin Lasota, Newcastle, Gumboro, viêm gan vịt, dịch tả vịt, dịch tả lợn, tụ huyết trùng lợn, E.coli, tụ huyết trùng gia cầm, viêm phổi lợn đa giá). Ngoài ra, Cty có 10 vacxin đã sản xuất và đang hoàn thiện thủ tục đăng ký.
 

Trong năm 2017 sẽ ra lò vacxin LMLM

Ông Vũ Tiến Lâm cho hay, vacxin LMLM rất quan trọng đối với ngành chăn nuôi. Đây là vacxin chiếm thị phần lớn nhất, trong tổng số 100 triệu USD nhập khẩu vacxin về Việt Nam, có đến 20 triệu là vacxin LMLM. Từ năm 1997 - 2015, Cục Thú y đã định hướng và chỉ đạo Cơ quan Thú y vùng VI thu thập được 222 mẫu virus LMLM tốt nhất về các mặt để đưa vào nghiên cứu sản xuất vacxin (bao gồm 154 mẫu virus typ O, 65 mẫu virus typ A, 3 mẫu virus typ Asia 1). Hiện nay đang tiếp tục thu thập các mẫu virus từ thực địa; nghiên cứu thẩm định mẫu virus typ Asia 1.

Về nghiên cứu chế thử vacxin, Cục Thú y cho biết: Với vacxin đơn giá typ O, dự kiến đến tháng 6/2017 có sản phẩm gửi đăng ký lưu hành; dự kiến tháng 12/2017 các doanh nghiệp có thể sản xuất và bán ra thị trường ít nhất 1 triệu liều/doanh nghiệp; vacxin đơn giá typ A, dự kiến đến tháng 12/2018 các doanh nghiệp có thể sản xuất và bán ra thị trường ít nhất 1 triệu liều/doanh nghiệp; vacxin nhị giá typ O và A, dự kiến đến tháng 12/2019 các doanh nghiệp có thể sản xuất và bán ra thị trường ít nhất 1 triệu liều/doanh nghiệp. Như vậy, trong năm 2017 Việt Nam sẽ bước đầu sản xuất được vacxin LMLM, qua đó từng bước giảm thiểu nhập khẩu vacxin, giảm giá thành chăn nuôi.

15-29-14_dsc_0181
Trên dây chuyền sản xuất vacxin
 

Đến kiểm tra Cty RTD và Cty Marphavet - 2 trong 3 đơn vị được Bộ NN-PTNT chọn thực hiện đề án thí điểm về nghiên cứu và sản xuất vacxin LMLM, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà hai công ty này đạt được trong nghiên cứu, sản xuất vacxin. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, xu thế chuyển dịch nền nông nghiệp sang chăn nuôi, thủy sản là đúng với quy luật giá trị.
 

Cần đột phá, đi nhanh

Việc đầu tư 1 nhà máy sản xuất vacxin đạt tiêu chuẩn GMP mất khá nhiều thời gian (trên 2 năm) và tiền bạc (trên 200 tỷ đồng). Chính vì thế, ông Vũ Tiến Lâm đề xuất cần có cơ chế riêng chỉ định thầu chọn vacxin LMLM cho phép sử dụng phòng chống dịch bệnh trong các chương trình của nhà nước. Ông Lâm cũng kiến nghị cần có cơ chế để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn giống, tế bào từ các cơ quan nhà nước có sẵn.

“Trên thế giới, mỗi vacxin thường được bảo hộ một thời hạn nhất định, thông lệ 20 năm, sau thời gian đó thì thuộc về toàn nhân loại. Rất nhiều nước, kể cả Trung Quốc, có một cơ quan thấy vacxin nào hết hạn bảo hộ về sở hữu trí tuệ là họ tự làm, lập ra một ngân hàng giống quốc gia... Nếu có thể Bộ giao Cục Thú y làm đầu mối để làm việc này thì rất tốt”, ông Lâm kiến nghị.

Trong khi đó, ông Trần Đức Hạnh mong muốn Bộ NN-PTNT tạo điều kiện cho Cty Marphavet cùng các cơ quan của Cục Thú y được đi tham quan nhà máy sản xuất vacxin LMLM tại Thái Lan để có kinh nghiệm hơn. Marphavet sẽ xây dựng nhà máy hiện đại bằng Thái Lan hoặc hiện đại hơn. Hiện Thái Lan đã sản xuất thành công vacxin tinh khiết - không có thành phần 3 ABC protein từ hơn 10 năm qua.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ sẽ tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của doanh nghiệp; sau đó sẽ mời doanh nghiệp lên dự họp để cùng tháo gỡ ngay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Đồng thời, những kiến nghị của doanh nghiệp cũng là tư liệu để sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ sắp tới. “Chúng ta phải có khát vọng đột phát, đi nhanh trong sản xuất vacxin. Bộ NN-PTNT luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, doanh nhân, trong thời gian ngắn nhất phải giải quyết nút thắt, thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất vacxin cho chăn nuôi”, Bộ trưởng khẳng định.

Hiện nay, các khâu giống, thức ăn, quy trình, điều kiện sản xuất trong chăn nuôi đều ở mức khá, nhưng yếu nhất là phòng, chữa bệnh khi toàn bộ vacxin cơ bản vẫn phải nhập khẩu. Do Việt Nam chưa sản xuất được vacxin nên tình hình dịch bệnh không ổn định, giá thành sản phẩm cao và chất lượng sản phẩm khó đảm bảo. Chính vì thế, trong 2 năm qua, Bộ đã tập trung dồn sức để Việt Nam có thể chủ động sản xuất được vacxin.

“Việt Nam sẽ là cường quốc về nông nghiệp, trong đó có hai thế mạnh về thủy sản và chăn nuôi. Đã chăn nuôi thì không có lý do gì không phòng bệnh. Một cường quốc nông nghiệp thì không thể lệ thuộc hết vacxin nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung chăm lo nhiều ở khu vực này, để không chỉ đáp ứng cho sức sản xuất của 6 triệu tấn thịt mà tiến tới phải xuất khẩu vacxin”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm