* Cần đối thoại để cùng nhau phát triển
"Là một trong hơn 500 DN của tỉnh Bình Phước đang cầm cự trong khó khăn nhưng vẫn tạo việc làm cho hơn 300 công nhân; tổng quỹ lương hàng tháng khoảng 1,5 tỷ đồng. Trong bối cảnh hiện nay, lo cho chừng đó con người có thu nhập ổn định, chưa bao giờ thiếu nợ lương công nhân là một chiến công. Thế mà chúng tôi bị ngăn chặn dòng tiền, phong tỏa tài khoản, thì hàng nghìn con người liên quan sẽ sống bằng gì?".
Đó là lời kêu cứu khẩn cấp trong lá đơn ngày 17/7/2013 của Cty TNHH Việt Sơn, một DN hàng đầu của tỉnh Bình Phước, có trụ sở tại ấp 3, xã Tiến Hưng, TX.Đồng Xoài, do TS.Hoàng Mạnh Bình, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc ký, gửi đến Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Tấn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi; đồng thời lá đơn cũng gửi đến một số cơ quan báo chí TƯ.
Mời gọi đầu tư: Có còn trải “thảm đỏ”?
Năm 1997, hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư của UBND tỉnh Bình Phước, TS.Hoàng Mạnh Bình từ Hà Nội vào Bình Phước lập dự án đầu tư và thành lập Cty TNHH Việt Sơn, với chức năng sản xuất, kinh doanh và chế biến hạt điều. Đến ngày 8/3/2000, Cty Việt Sơn chính thức đi vào hoạt động. Số lượng lao động trong nhà máy có lúc lên đến 1.200 người, mang lại đời sống và thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân địa phương trên vùng đất ban sơ của tỉnh mới tái lập.
Theo ông Hoàng Mạnh Bình, ngược lại với tinh thần của Nghị quyết 02 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất kinh doanh, trong thời gian qua Cty ông cùng nhiều doanh nghiệp khác đã gặp không ít khó khăn, đến từ một số cơ quan quản lý, đặc biệt là từ Cục Thuế Bình Phước.
Cụ thể ngày 25/3/2009, Cục Thuế tỉnh Bình Phước ban hành Thông báo số 137a/TB-CT về việc thu tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất (SDĐ) đối với Cty Việt Sơn với số tiền 1,2 tỷ đồng (làm tròn số) mà không được áp dụng hình thức miễn trừ theo quy định của pháp luật.
Sau khi nhận quyết định này, Cty Việt Sơn đã phản ứng nhưng cán bộ Cục Thuế giải thích: Anh, chị cứ nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước cho xong việc đã, sau này sẽ được xem xét. Ông Bình cho biết, để kịp hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn, ngày 10/4/2009, Việt Sơn đã phải nộp ngay số tiền 1,2 tỷ vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Phước. Nhưng từ đó đến nay, “dù đã nhiều lần đặt vấn đề xem xét lại, chúng tôi vẫn chỉ nhận được sự im lặng”, ông Bình chia sẻ.
Bức xúc vì không được giải quyết sau nhiều lần gửi công văn và gọi điện thoại trực tiếp, ngày 14/5/2013 ông Hoàng Mạnh Bình đã tiến hành khởi kiện quyết định đó của Cục Thuế tỉnh Bình Phước nhằm đòi lại số tiền đã phải nộp.
Sau khi xem xét hồ sơ, TAND tỉnh Bình Phước đã yêu cầu Cty Việt Sơn gửi hồ sơ lên UBND tỉnh với giải thích: “Sau khi có ý kiến của UBND tỉnh Bình Phước, căn cứ vào đó, tòa mới có thể xem xét thụ lý”. Ông Bình cho biết: Vì yêu cầu đó, ngày 24/5/2013, chúng tôi đã chuyển hồ sơ này cho ông Phạm Văn Tòng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xem xét.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, trong khi đang chờ đợi ý kiến trả lời của UBND tỉnh thì liên tục trong những ngày vừa qua, “chúng tôi nhận được các quyết định cưỡng chế thu nợ thuế của Cục Thuế tỉnh Bình Phước”, ông Bình tường trình.
Một hành động trả đũa?
Theo lý giải của ông Bình, cơ sở của các quyết định cưỡng chế này là món tiền nợ thuế VAT và thuế thu nhập DN, khi Cty Việt Sơn bị Thanh tra Cục Thuế làm việc từ tháng 3 đến hết tháng 5/2012, xuất toán từ nhiều năm trước cộng dồn lại, tổng cộng khoảng hơn 100 triệu.
“Chúng tôi không chấp nhận nhưng vì thời gian thanh tra kéo dài đã hơn 3 tháng làm chúng tôi quá mệt mỏi nên cuối cùng phải ký đồng ý, nhưng “xin để từ từ sẽ nộp”. Đó không phải là một số tiền quá lớn so với số tiền 1,2 tỷ đồng mà Việt Sơn đang kiện Cục Thuế để đòi lại, mặt khác, Cty chưa nộp chỉ là vì còn nhiều tranh cãi. Kế toán trưởng của Việt Sơn nhiều lần liên hệ với chuyên viên của Cục Thuế (tên Hồng) đề nghị xem xét điều chỉnh lại nhưng đều bị từ chối”, ông Bình phân trần.
Mặc dù vậy, ông Bình vẫn chỉ đạo kế toán nộp khoản tiền VAT (khoảng 30 triệu đồng) trong tổng số tiền bị xuất toán trong đợt kiểm tra tháng 5/2012.
Được biết, thời gian qua Chính phủ đã cho phép DN được treo nợ VAT trong thời hạn 6 tháng kể từ khi phát sinh để giúp tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng từ đầu năm đến nay – ông Bình nói - "chúng tôi vẫn đã nộp hàng trăm triệu đồng tiền thuế VAT, lần nộp gần nhất là ngày 26/6/2013 với số tiền 59.846.383đ. Cùng với việc tiếp tục nộp thuế, chúng tôi vẫn chờ câu trả lời từ Cục Thuế về món nợ 1,2 tỷ mà chúng tôi biết rằng nó trái pháp luật".
Không biết việc Cty Việt Sơn đòi kiện Cục Thuế tỉnh Bình Phước có bị “rò rỉ thông tin” hay không, hay là một sự trùng hợp ngẫu nhiên; nhưng vào ngày 14/6/2013, Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Phước Trần Văn Hướng đã ký quyết định cưỡng chế và phong tỏa tài khoản của Cty Việt Sơn, với lý do dây dưa, chây ì nợ đọng thuế.
Điều đáng nói là các quyết định được chuyển thẳng đến tất cả các ngân hàng hàng chục ngày trước khi đến được Cty Việt Sơn. Đến ngày 8/7/2013, Phó Cục trưởng Trần Văn Hướng ký tiếp một thông báo nhắc nhở Việt Sơn việc thực hiện quyết định ngày 14/6/2013 của Cục Thuế.
Lời lẽ thống thiết, người chủ DN này bức xúc: “Cục Thuế Bình Phước không thể không biết rằng, văn bản đó đủ “chặt đứt” mối quan hệ tín dụng của chúng tôi, bởi vì DN không vay được tiền đương nhiên sẽ phải chết. Chẳng lẽ một DN hàng đầu, lại đang liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, chỉ có hơn 200 triệu mà phải để cho cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế phong tỏa tài khoản?
Nếu doanh nghiệp “kẹt” đến nỗi như vậy thì còn ai dám làm ăn, làm sao dám cho DN vay tiền? Theo tôi, đây là một quyết định thiếu công tâm, dằn mặt, làm mất danh dự một DN từng làm ăn uy tín như Việt Sơn!”.
Kêu cứu khẩn cấp!
Chủ Cty Việt Sơn, TS.Hoàng Mạnh Bình, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Bình Phước, đã kêu cứu khẩn cấp và đề nghị lãnh đạo TƯ và tỉnh Bình Phước nhanh chóng giải quyết 3 vấn đề sau:
Thứ nhất, hãy đối xử công bằng với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Các cơ quan Nhà nước ở Bình Phước nợ - mà thực chất là chiếm dụng vốn, của các doanh nghiệp tư nhân hàng trăm tỷ, hàng chục năm trời, không trả một đồng lãi suất, không một lời xin lỗi, ngược lại, doanh nghiệp tư nhân chỉ nợ thuế vài chục, vài trăm triệu đồng – nhưng là những số tiền vẫn còn đầy tranh cãi, thì Nhà nước – thông qua cơ quan Thuế, đã tự cho mình quyền chế áp, bắt phải trả tiền ngay, trả bằng được, bằng mọi giá. Vậy đâu là sự công bằng?
Thứ hai, tỉnh cần tạo điều kiện cho Cty Việt Sơn tiếp tục sống để duy trì sản xuất, ổn định đời sống của người lao động, đồng thời xem xét xử lý các quyết định của lãnh đạo Cục Thuế Bình Phước.
Thứ ba, sớm trả lời các vấn đề đã đặt ra tại công văn và hồ sơ đã chuyển Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tòng tại cuộc gặp gỡ DN Bình Phước ngày 24/5/2013.
Bình Phước là một tỉnh mới tái lập, đất rộng và trù phú nhưng hàng năm vẫn phải xin hỗ trợ từ TƯ. Vậy nên rất cần tạo điều kiện cho các DN hoạt động, không những để giúp giải quyết vấn đề việc làm cho hàng vạn lao động nông thôn mà còn tạo nguồn thu đáng kể cho địa phương vốn giàu tiềm năng nhưng còn nghèo ngân sách. |