| Hotline: 0983.970.780

Một loạt con suối ở TP Pleiku bị 'xóa sổ' để phân lô bán nền

Thứ Sáu 11/01/2019 , 08:33 (GMT+7)

Những con suối ở TP Pleiku khi xưa có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho người dân, nay dù không ai dùng nước này sinh hoạt nữa, nhưng vẫn có vai trò rất quan trọng trong thoát nước, cân bằng sinh thái, môi trường đô thị. Vậy nhưng....

Vậy nhưng, có đến 3 con suối ở TP này gần như bị “xóa sổ” bởi một số cá nhân, DN san lấp để phân lô.
 

Suối Yến Đỗ đâu rồi?

Dẫn chúng tôi xuống khu vực suối Yên Đỗ (tổ 11, P. Yên Đỗ, TP Pleiku, bờ suối đối diện là địa bàn huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), ông N.V.H, 50 tuổi, có nhà cách bờ suối vài chục mét, cho biết: “Con suối này có từ bao đời nay, là nơi tiêu thoát nước quan trọng của cư dân 2 bên bờ, có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, môi trường của TP Pleiku, vậy mà họ nhẫn tâm lấp đi. Họ chở đất đá, vật liệu xây dựng rầm rộ ngày đêm, bụi mịt mù, làm gần cả năm trời mà chính quyền không biết”.

15-52-27_nh_1
Suối Yên Đỗ xưa rộng hơn 30m, nay chỉ còn con mương nhỏ và một mặt bằng rất đẹp

Tại hiện trường, con suối Yên Đỗ có chiều rộng chừng 30 - 40m, chiều dài suối bị lấp khoảng 1km. Mặc dù lòng suối không còn, nhưng đứng ở vị trí giữa lòng suối nhìn lên khu dân cư 2 bên bờ, vẫn thấy rất cao. Ông H. cho biết, suối này vốn nằm giữa 2 quả đồi, sau khi lập khu dân cư ở 2 bên bờ, dòng suối từng góp phần không nhỏ cho việc cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu. Ước tính, cả triệu m3 đất, đá đã được đổ xuống suối Yên Đỗ, và tổng diện tích suối đã san lấp lên đến nhiều ngàn m2. Ngoài lượng đất đá đổ xuống, “chủ nhân” mới của con suối này cũng đã làm bó vỉa chạy dọc khu đất, xây kè đá, chừa lại cho dòng suối 1 con mương rộng chừng hơn 1m. Vụ việc kéo dài gần 1 năm trời mới “bị phát hiện”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người “thay mặt chính quyền” lấp suối Yên Đỗ này là ông Nguyễn Tấn Thành (còn gọi Thành Ruby, ở P. Ia Kring, TP Pleiku). Trước đó, vào khoảng tháng 3/2017, ông Thành gửi đơn lên UBND P. Yên Đỗ xin làm đường giao thông, đổ đất san lấp, xây kè đá dọc mương thoát nước. Trong khi chính quyền phường chưa có động thái gì về việc chấp thuận hay không, thì tháng 4/2017, ông Thành đã bắt đầu việc san lấp. Cùng thời gian này, P. Yên Đỗ và Phòng QLĐT TP Pleiku có văn bản yêu cầu dừng việc san lấp. Tuy nhiên, ông Thành đã “phớt lờ”, vẫn đổ đất san lấp.

Trong gần 1 năm ông Thành san lấp, chính quyền phường Yên Đỗ không hề có “động thái” gì ngăn chặn. Đến khi trên địa bàn TP Pleiku nở rộ tình trạng phân lô bán nền, phá nát quy hoạch chung, tỉnh Gia Lai ra văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc rà soát, thì UBND TP Pleiku mới ra quyết định xử phạt ông Nguyễn Tấn Thành số tiền vỏn vẹn 7,5 triệu đồng cho hành vi san lấp, xâm phạm dòng chảy suối Yên Đỗ, và yêu cầu ngừng thi công.

15-52-27_nh_3
Suối Yên Đỗ bị san lấp, nay biến thành mặt bằng

Trả lời về vụ việc, ông Nguyễn Tấn Thành cho biết, khu đất bờ suối ông mua lại của người dân giá mấy trăm triệu một sào, rồi chuyển mục đích thành đất trồng cây hàng năm, có xin phép UBND P. Yên Đỗ cho thi công xây kè chống sạt lở. “Tôi đã bán hàng chục lô đất, mỗi lô vài trăm triệu đồng để đầu tư vào đây, chỗ này trước đây không có đường xuống, tôi mua luôn cả đường để cho xe ra vào. Hiện đã đầu tư 2 - 3 tỷ đồng để cải tạo đất trồng cây cối, chứ phân lô bán phải có đầy đủ thủ tục, giấy tờ. Mà chỗ đó không chỉ có mình tôi, còn hai, ba người nữa. Chuyện tôi làm đường chỉ để đi trong nội bộ và đất mình thì mình có quyền làm thôi!”, ông Thành nói.
 

Đến Ia Linh, Hội  Phú

Không chỉ suối Yên Đỗ mà các con suối khác tạo cảnh quan cho thành phố như suối Hội  Phú, suối Ia Linh cũng bị san lấp, lấn chiếm làm của riêng.

Có mặt tại khu vực suối Ia Linh (P. Thống Nhất, TP Pleiku), một trong những con suối lớn nhất ở Pleiku, được quy hoạch tạo cảnh quan cho TP, chúng tôi thấy con suối đã bị chiếm một nửa, giữa suối là một bức tường cao chừng 3m, chạy dọc theo suối, đất đã được đổ xuống. Phần đất lấn ra này đang được xây dựng làm nhà kho, xưởng. “Thủ phạm” ngang nhiên san lấp, chiếm dụng trái phép đất công này là Cty Trung Kiên (địa chỉ tại số 29 Lê Đại Hành, P. Thống Nhất, TP Pleiku).

15-52-27_nh_8
Cty Trung Kiên, DN nghiệp ngang nhiên lấp suối Ia Linh

Ông Nguyễn Văn Long, người dân địa phương bức xúc: “Tôi không hiểu chính quyền họ làm gì mà một công trình lấn chiếm suối, làm rầm rộ trong thời gian rất dài như thế mà không biết, hay họ cố tình nhắm mắt làm ngơ? Các con suối trong TP ngày xưa là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới tiêu quan trọng cho người dân. Nay không dùng nước này sinh hoạt nữa, nhưng những con suối trong TP vẫn rất quan trọng, ngoài tạo cảnh quan đẹp, nó còn có vai trò điều tiết nước, tạo sự hài hòa ổn định về mặt sinh thái cho TP. Vậy mà họ ngang nhiên đổ đất xuống lấp”.

Sau gần 1 năm “thi công” lấp suối (từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2018), tỉnh Gia Lai mới vào cuộc, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra việc san lấp, lấn chiếm suối Ia Linh của Cty Trung Kiên. Sau khi kết luận việc lấp suối là trái phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan TP, UBND TP Pleiku đã có văn bản yêu cầu ngăn chặn và xử phạt Cty Trung Kiên, yêu cầu trả lại nguyên trạng. Tuy nhiên, đến nay, Cty Trung Kiên vẫn chưa có động thái gì cho thấy sẽ khắc phục.

Một con suối khác là Hội Phú (P. Hội Phú, TP Pleiku), một trục cảnh quan đô thị mặt nước quan trọng bậc nhất của TP Pleiku, cũng bị san lấp. Khu vực bị san lấp là đất ruộng, ngập nước, nằm ở đầu nguồn trước khi chảy vào nội ô TP. Do là khu vực đầu nguồn, nên nếu bị lấp, nguồn nước chảy vào đô thị trung tâm TP Pleiku có nguy cơ bị tắc, phần suối chảy vào TP có thể trở thành suối “chết”.

15-52-27_nh_4
Suối Hội Phú đang bị san lấp

Tại hiện trường, hàng ngàn mét khối đất được đổ xuống, lấp mặt nước. Lấp từ ngoài mặt đường, mép lề kéo dài ra đến tận từng thửa ruộng. Đất đổ đến đâu, mặt nước thu hẹp đến đó. Việc đổ đất, san ủi đất chưa có dấu hiệu dừng lại, mà tiếp tục được mở rộng.

Theo báo cáo của UBND P. Hội Phú, các cá nhân san lấp trái phép khu vực này là hộ ông Nguyễn Xuân Quang được UBND TP Pleiku cấp Giấy CNQSĐ diện tích 2.500m2 đất nông nghiệp lâu năm; hộ ông Đoàn Ngọc Tín có diện tích hơn 3.364m2 đất ở và đất nông nghiệp lâu năm. Đáng nói, có 1.604m2 đất lúa, dù không phải là chủ nhân nhưng hộ ông Đoàn Ngọc Tín vẫn cố tình san lấp, P. Hội Phú yêu cầu hoàn trả hiện trạng ban đầu. Điều khiến dư luận thắc mắc là trong báo cáo, UBND P. Hội Phú nêu: “Đây là khu vực ngập nước quanh năm nên nhân dân không trồng trọt được gì”. Vậy nhưng, các cá nhân được cấp Giấy CNQSDĐ lại được ghi phần lại ghi là “đất trồng cây lâu năm”?

Trong Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Pleiku của tỉnh Gia Lai ghi rõ: “Trục cảnh quan đô thị sẽ khai thác tối đa không gian dọc suối Hội Phú, hướng phát triển về phía không gian xanh, mặt nước... theo địa hình tự nhiên”. Với mục đích phát triển thành phố về phía không gian mặt nước nhằm tạo ra hình ảnh hấp dẫn cho TP Pleiku, nên dự án quy hoạch suối Hội Phú đã được tỉnh Gia Lai đầu tư đến 800 tỉ đồng. Vậy nhưng, một vài cá nhân đang phá nát ý tưởng quy hoạch này.

“Việc UBND phường Yên Đỗ, UBND TP Pleiku buông lỏng quản lý về đất đai, quản lý trật tự xây dựng, để ông Nguyễn Tấn Thành đổ trăm ngàn mét khối đất, xây hàng trăm mét bó vỉa và kè đá mương, lấp suối Yên Đỗ, nhưng không kiểm tra, chỉ đạo xử lý, trách nhiệm chính là của Chủ tịch UBND P. Yên Đỗ, Phòng TN-MT, Phòng QLĐT TP Pleiku, Đội Quy tắc đô thị và ông Nguyễn Kim Đại - Phó Chủ tịch TP Pleiku (phụ trách lĩnh vực TN-MT, QLĐT)”, kết luận thanh tra của UBND tỉnh Gia Lai do ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh ký nêu rõ.

 

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.