| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch đất đai ở Pleiku đang bị phá nát như thế nào?: Khu dân cư 'ảo'

Thứ Năm 10/01/2019 , 13:15 (GMT+7)

Nhiều công ty bất động sản (BĐS) đã mua hàng trăm ha đất nông nghiệp ở khu vực ngoại ô thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, sau đó san ủi, phân lô tách thửa, bán nền.

Mặc dù, toàn bộ các dự án này đều “ảo”. Thậm chí, cả một con suối rất đẹp chạy ven TP cũng bị “xóa sổ” khi một doang nghiệp đổ hàng triệu m3 đất xuống để san lấp.

Chính quyền TP.Pleiku và tỉnh Gia Lai đã ra các văn bản ngăn chặn, nhưng sự việc chưa được xử lý dứt điểm khiến dư luận không khỏi xì xào.

19-33-01_nh_1
Một công trình nhà ở xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Chư Á, TP.Pleiku, bị đình chỉ xây dựng

Từ khoảng 2 năm nay, hàng chục ha đất nông nghiệp ở vùng ven TP.Pleiku đã bị các DN BĐS mua, sau đó “thay mặt” cơ quan chức năng “lập quy hoạch” khu dân cư, rao bán tràn lan. Trong khi đó, cơ quan chức năng khẳng định tỉnh, TP chưa có quy hoạch chi tiết và cảnh báo người dân không nên vội vàng mua đất nền khi chưa tìm hiểu kỹ.
 

Cò đất hoành hành

Không khó để chúng tôi có số điện thoại của H., cộng tác cho hai Cty BĐS lớn nhất, nhì TP.Pleiku là M.N và H.G.K. Sau cuộc gọi, H. đã nhanh nhảu hẹn gặp “khách” liền tại một quán cà phê lớn. Vừa ngồi xuống, chưa kịp gọi nước, H. đã liến thoắng: “Đất ở nội thành thành phố bây giờ hiếm lắm, mà nếu có, chỉ có đại gia mới mua nổi. TP đang mở rộng quy hoạch khu dân cư ra ngoại thành, khu vực xã Chư Á, P.Thắng Lợi (TP.Pleiku), mình mua bây giờ vừa rẻ, vừa có vị trí đẹp. Đây gọi là “đi sớm đón đầu”, chứ chỉ cần 1, 2 năm nữa thôi, ngoài đó lại mắc không thua gì trong nội thành, lúc đó muốn mua cũng không dễ”. Sau khi trò chuyện một hồi, chúng tôi đề nghị H. dẫn ra “hiện trường” xem đất.

Tại “khu dân cư” xã Chư Á, một bãi đất trống vừa được san ủi, nằm lọt giữa rẫy cà phê và tiêu. Đã trồng cột điện, đường đang rải đá dang dở. H. giới thiệu: “Dự án này của công ty H.G.K. Giá ở đây là 35 triệu đồng/m ngang (ngang 5m, dài 25-27m), tương đương 175 triệu đồng/lô. Còn các lô mặt tiền đường có giá 50 triệu đồng/m ngang, tức 250 triệu đồng/lô. Đây là đất nông nghiệp, chứ đất “thổ” không có giá đó đâu. Còn muốn chuyển đổi thành đất thổ thì mình mua xong tự đi chuyển đổi, giá 330.000 đồng/m”. Thấy chúng tôi tỏ vẻ nghi ngại, H. “bồi" thêm: “Mặt tiền bán hết rồi, chỉ còn những lô đường nội bộ thôi. Rẻ quá mà, chỉ cần vài tháng nữa các anh ra đây sẽ thấy bộ mặt khu dân cư hình thành, lúc đó muốn mua chưa chắc đã có. Mà có cũng là những lô xấu”. Vậy nhưng, H. lại nói “hớ” thêm: “Muốn mua bao nhiêu cũng có, không chỉ khu Chư Á này mà cả TP.Pleiku, muốn mua bao nhiêu cũng có”. Theo H., người mua chỉ cần đặt cọc, sau đó ra công chứng và ra sổ là xong, công ty BĐS sẽ lo việc ra sổ đỏ cho người mua.

19-33-01_nh_2
19-33-01_nh_4
19-33-01_nh_5
Những “khu dân cư” do doanh nghiệp BĐS tự “Quy hoạch” ở xã Chư Á và P.Thắng Lợi, TP.Pleiku, Gia Lai

Tôi thắc mắc: “Lỡ khu này mà không quy hoạch thành khu dân cư thì sao? Có bằng chứng gì chứng minh chỗ này đã được quy hoạch thành khu dân cư không?”, thì H. ngập ngừng: “Quanh đây người ta xây nhà đầy ra rồi, có sao đâu”. Tôi nói, đây là nhà dân ở từ lâu, có trước khu quy hoạch dân cư này”, thì H. bảo “có khu quy hoạch 13ha ở nơi khác. Thích thì tôi dẫn đi”.

Mấy ngày sau, chúng tôi tiếp tục hẹn H. dẫn đi xem “khu dân cư” 13ha (P.Thắng Lợi, TP.Pleiku). Khu đất này đã được san ủi xong, 5 con đường rộng 8 - 10m đã được DN xây ngang dọc để dễ dàng phân lô. Thấy tôi tỏ vẻ thích khu đất, H. chỉ vị trí khu đất tôi đang đứng, nói: “Khu này có tổng cộng hơn 500 lô. Hiện có 50 cán bộ, nhân viên điều dưỡng bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai đã mua ở đây. Chỉ cần có điện vào người ta xuống xây nhà liền”.

Tại khu đất phường Thắng Lợi, mỗi lô đất (diện tích 5m x 25m và 5m x 30m) được H. rao giá từ 220 - 300 triệu đồng, tùy từng vị trí. H. cho biết, thủ tục rất đơn giản, thậm chí không cần đặt cọc, công chứng xong, giao tiền là nhận đất. Làm việc qua H. cũng được mà trực tiếp với Cty cũng được. Có điều lạ rằng, nếu tôi mua đất, sổ đỏ sẽ là nhận sang nhượng từ một cá nhân khác, chứ không phải là Cty BĐS. Khi chúng tôi thắc mắc, H. giải thích: “Đó là do toàn bộ 500 lô đất này đã có người mua, nhưng không có nhu cầu ở, nên nhờ công ty mình đứng ra giao dịch, tìm người mua”. 
 

Tỉnh và thành phố chưa có quy hoạch

Theo điều tra của chúng tôi, “khu dân cư” xã Chư Á vẫn là đất nông nghiệp, nhưng DN vẫn tự ý mở đường, kéo cột điện. Còn “khu dân cư” 11ha ở phường Thắng Lợi, chỉ có 3ha được cho phép chuyển đổi, còn 8ha đã bị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo ngừng.

Tại Sở Xây dựng, khi chúng tôi đề cập vấn đề phân lô bán nền, một đại diện Sở này cho biết: “Tất cả những quy hoạch mà DN tự chia lô, tách thửa này là không thông qua Sở Xây dựng để thẩm định, phê duyệt, đó là sai về mặt nguyên tắc”.

19-33-01_nh_6
Văn bản chỉ đạo của Sở Xây dựng Gia Lai

Vị này nhấn mạnh: “Đây là vấn đề không nhỏ. Việc DN san ủi, phân lô, làm đường rầm rộ mà chính quyền địa phương không biết là vô lý. Ai xây một căn nhà nhỏ thôi chính quyền biết ngay, vậy mà DN mở quy hoạch phân lô cả bao nhiêu ha đất, trong thời gian dài, việc lớn như vậy lại không biết. Vậy có phải do quản lý yếu kém không hay cố tình làm ngơ? Các DN tự ý làm đường, vậy cơ quan nào cấp phép? Tiêu chuẩn mở đường đã đúng quy hoạch? Khi xây nhà bán, tách thửa, cơ quan nào cho chuyển mục đích sử dụng? Chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở có phù hợp với quy hoạch?”.

Theo vị này, việc quy hoạch tự phát như vậy sẽ kéo theo hàng loạt hệ luỵ: Thứ nhất, phá vỡ quy hoạch của thành phố, phá vỡ phát triển đô thị về sau. Giờ DN “đón đầu” lợi dụng nhu cầu sốt đất, phá nát quy hoạch, thành phố muốn hoạch định quy hoạch phải bỏ ngân sách cực lớn để đền bù. Thứ hai, tiêu tốn nguồn lực khổng lồ để giải quyết hệ quả giao thông đô thị, cấp thoát nước đô thị, xã hội đô thị (điện - đường - trường - trạm). Đô thị phát triển không có định hướng, kéo theo ô nhiễm toàn bộ mạch nước ngầm, đất đai. Nhà nước phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để giải quyết hậu quả. Đối với người mua, nếu không tìm hiểu kỹ, có thể mất “cả chì lẫn chài”.

Sở Xây dựng Gia Lai chỉ ra: "Ngược lại, lợi ích của các khu quy hoạch dân cư ảo là thuộc về nhà đầu tư, mua bán, bởi không có ai kiểm soát việc nộp thuế cho nhà nước". Đơn vị này phân tích, mỗi ha đất nông nghiệp, DN mua từ 1-2 tỉ đồng, chi phí san ủi hết 3.000m2, còn 7.000m3 chia thành 46 lô (1 lô rộng 5m và dài 30m), họ bán giá tối thiểu 150 triệu đồng, 46 lô thành 7 tỉ đồng. “Tức là siêu lợi nhuận, hơn cả buôn thuốc phiện. Lại chẳng phải nộp thuế, không cần ai phải phê duyệt”, đại diện Sở Xây dựng Gia Lai phân tích. Trong khi đó, một vị đại diện Sở TN-MT Gia Lai khẳng định: “Tỉnh và thành phố chưa có quy hoạch mà các DN tự mở các khu dân cư là sai”.

“Hiện chưa có quy hoạch chi tiết, nên đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, và phải có chế tài, chính sách lộ trình quản lí các quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất vùng ven đô thị, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh BĐS không đúng luật. Đồng thời, quy trách nhiệm cụ thể chính quyền địa phương các cấp khi để xảy ra tình trạng phân lô bán nền tràn lan như vậy”, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm