| Hotline: 0983.970.780

Dấu ấn của hợp tác quốc tế trong nông nghiệp

Thứ Sáu 01/01/2021 , 13:10 (GMT+7)

Dù đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2020 nhưng ngành nông nghiệp vẫn vươn lên ngoạn mục cả về xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường và hợp tác quốc tế.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Điểm nhấn

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói, đã có những nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản năm 2020. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, quá trình phát triển, mở cửa thị trường của Bộ NN-PTNT có thể được tóm lược trong 4 thị trường lớn.

Đầu tiên, 2020 là năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, để tận dụng được những lợi thế cho nông sản xuất khẩu, Bộ NN-PTNT đã có hàng loạt công tác chuẩn bị, như các hội nghị liên bộ Công thương – NN-PTNT với sự tham gia của 2 Bộ trưởng.

Trong đó, phổ biến về quy mô, thị hiếu, luật chơi của thị trường EU cho các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tháo gỡ được hàng loạt khó khăn trong tiêu chuẩn của thị trường này đối với nông sản trong nước. Chính vì vậy, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực vào ngày 1/8, hàng loạt doanh nghiệp đã có thể xuất khẩu ngay sang châu Âu.

Thứ hai, Mỹ là thị trường có bước nhảy vọt trong năm 2020, có thời điểm còn chiếm thị phần cao hơn cả Trung Quốc. Trong đó phải kể đến việc phối hợp triển khai Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) giữa cơ quan quản lý nông nghiệp Việt Nam và Mỹ.

Cụ thể, tăng số doanh nghiệp xuất nhập khẩu giữa 2 nước, thúc đẩy ứng dụng công nghệ Mỹ tại Việt Nam, đề xuất Bộ Tài chính giảm thuế cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi Mỹ nhập vào Việt Nam và quan trọng nhất là cân đối lại thương mại song phương, không chỉ trong nông nghiệp mà còn là thương mại nói chung, tránh phía Mỹ áp đặt các rào cản kỹ thuật lên nông sản Việt Nam.

Đầu năm 2020, đoàn công tác do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đã gặp các cơ quan Chính phủ Mỹ, các hiệp hội ngành hàng, thống đốc các bang nông nghiệp để tháo gỡ khó khăn, kết nối các doanh nghiệp... đã nhận được sự đánh giá rất cao từ phía Mỹ.

Công nhân công ty Đức Quý vận chuyển lô hàng thạch đen đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Minh Phúc.

Công nhân công ty Đức Quý vận chuyển lô hàng thạch đen đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ ba, thị trường Trung Quốc năm 2020 tiếp tục có nhiều tiến triển. Lần đầu tiên thực hiện được cuộc họp giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, mặc dù do Covid-19 nên phải thực hiện theo phương án trực tuyến nhưng vẫn đạt được nghị định thư cho phép thạch đen của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Ngoài ra, phía bạn cũng đồng ý với việc kiểm tra thực địa cho sản phẩm tổ yến bằng phương pháp trực tuyến, hy vọng có thể hoàn thành quá trình này vào tháng 12/2020 và có được nghị định thư xuất khẩu tổ yến trong đầu năm tới. Bên cạnh đó, các mặt hàng như sầu riêng, khoai lang cũng được Bộ NN-PTNT kiến nghị với Trung Quốc xem xét, đánh giá trực tuyến để sớm có nghị định thư. Đây là cơ sở để nông sản Việt được xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng chính ngạch hóa, tiêu chuẩn hóa, lành mạnh hóa, đem lại giá trị gia tăng cao hơn.

Thị trường thứ tư tạo ra được điểm nhấn trong năm qua là Nhật Bản, với cuộc họp trực tuyến giữa Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và người đứng đầu ngành nông nghiệp Nhật Bản để thúc đẩy thương mại song phương và đầu tư FDI từ bạn vào Việt Nam.

Từ đó, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam có thể hấp thụ được những công nghệ tiên tiến của Nhật Bản như công nghệ giống, công nghệ dinh dưỡng đất, quy trình canh tác và đặc biệt là công nghệ về bảo quản, chế biến.

Bên cạnh đó là hàng loạt chương trình hợp tác, xúc tiến thương mại song phương khác của Việt Nam với Hà Lan, Bỉ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu làm việc tại bang Nebraska, Hoa Kỳ. Ảnh: Trần Cao.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu làm việc tại bang Nebraska, Hoa Kỳ. Ảnh: Trần Cao.

Quốc tế ủng hộ

Năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong nước, chúng ta cũng nhận được sự phối hợp, hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, hiện nay, có 4 vấn đề chính mà Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Thứ nhất là giúp đỡ Việt Nam hoàn thiện về thể chế, hiện nay Bộ NN-PTNT là đơn vị ra được nhiều bộ luật nhất, với 9 bộ luật và vẫn tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh để tạo môi trường tốt nhất cho tất cả các đối tác tham gia vào đầu tư phát triển nông nghiệp được thuận lợi.

Thứ hai, Việt Nam mong muốn có thêm sự hỗ trợ về nguồn lực để phát triển, đặc biệt là nguồn lực để thúc đẩy tái cơ cấu trong các ngành hàng nông sản chính, không chỉ tài chính mà còn là nhân lực trong ngành nông nghiệp. Ví dụ như năm nay, WB đã hỗ trợ Việt Nam bằng đề án chuyển đổi nông nghiệp bền vững với trị giá 301 triệu USD cho cà phê và lúa gạo rất thành công.

Thứ ba, Việt Nam hy vọng sẽ được tiếp nhận nhiều hơn các công nghệ mới, kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới, đặc biệt là công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chế biến sâu về nông sản…

Thứ tư là sự chia sẻ, tham vấn của các tổ chức UNDP đã giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn, sâu rộng hơn, hiệu quả hơn, đây là vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm, phát triển hơn trong tương lai.

Liên quan vấn đề này, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng, để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu, có thể đưa ra hướng sản xuất xanh, các chiến lược, hành động xanh. UNDP đang hỗ trợ cho Việt Nam để khắc phục hậu quả do thiên tai, đại dịch Covid-19 như: chuyển giao công nghệ, cải tiến sản phẩm... để phát triển thị trường. Cùng với đó, UNDP có thể giúp nông nghiệp Việt Nam có thể giảm rủi ro qua hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã…

Để biến “nguy” thành “cơ” trong bối cảnh này, nông nghiệp cần tái cơ cấu các sản phẩm để đảm bảo bền vững, có khả năng chống chịu tốt vì Việt Nam không chỉ đối phó với dịch bệnh và còn biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam cần tận dụng khả năng đổi mới sáng tạo, công nghệ để có được khả năng chống chịu tốt và phát triển xanh.

Dấu ấn thị trường Mỹ

Chuyến thăm Mỹ đầu năm 2020 do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu có mục đích trao đổi để 2 bên hiểu nhau hơn, minh bạch với nhau về thông tin liên quan các vấn đề còn khúc mắc trong quan hệ thương mại nông nghiệp.

Bên cạnh đó là làm việc với hàng loạt cơ quan quan trọng của Mỹ như Cơ quan đại diện thương mại Mỹ, Bộ Nông nghiệp Mỹ, các hiệp hội ngành hàng lớn của Mỹ và các thống đốc của 3 bang sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Mỹ là Iowa, Nebraska và California.

Qua đó, phía Mỹ nhận thấy sự thẳng thắn, minh bạch trong quan hệ thương mại song phương với Việt Nam và kết nối được 34 doanh nghiệp trong đoàn với các doanh nghiệp, hiệp hội của Mỹ để tạo cơ hội làm ăn, mua bán các loại nông sản mà 2 bên cần của nhau.

Sau chuyến đi, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình hợp tác của các doanh nghiệp, yêu cầu nêu các khó khăn, vướng mắc để có thể tháo gỡ ngay.

Liên quan vấn đề hợp tác nông nghiệp Việt - Mỹ năm 2020, Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Mỹ Robert Hanson thông tin, mặc dù có một số quan ngại từ phía Washington liên quan đến các chuỗi cung ứng ở Mỹ nhưng hoạt động xuất khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 6% so với cùng kỳ, chủ yếu là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đó là bức tranh rất tươi sáng cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2020.

Việc duy trì thương mại song phương vẫn là điều cực kỳ quan trọng để giảm thiểu tối đa tác động của Covid-19, không chỉ với người sản xuất nông nghiệp mà còn với người tiêu dùng. Vì vậy, phía Mỹ hy vọng, 2 bên sẽ tiếp tục nỗ lực để cải thiện chuỗi cung ứng.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.