| Hotline: 0983.970.780

Một số bệnh do thời tiết nắng nóng và cách xử trí

Thứ Hai 05/06/2023 , 16:57 (GMT+7)

Năm nay, thời tiết nắng nóng gay gắt ngay từ đầu hè. Đã có rất nhiều người phải nhập viện vì các bệnh do nắng nóng, vậy nên phòng ngừa bệnh là điều rất cần thiết.

Đối với cơ thể người, nhiệt độ thích nghi nhất là khoảng 25°C. Trong khoảng từ 20°C đến 30°C, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là do có trung tâm điều nhiệt nằm trên não. Trung tâm này giúp chúng ta thích nghi với bất kì nhiệt độ nào, nhưng đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hay nóng quá, cơ thể không thể điều chỉnh kịp do vượt quá khả năng.

Do đó, tùy theo mức độ tiếp xúc với thời tiết nắng nóng ra sao, nhiệt độ môi trường xung quanh như thế nào, thời gian bao lâu, công việc nặng nhọc hay không… thì các bệnh lý do ảnh hưởng của nhiệt độ sẽ xuất hiện và được chia theo các mức độ từ nhẹ đến nặng.

Sơ cứu người bị sốc nhiệt bằng cách di chuyển nạn nhân vào nơi mát, ra khỏi khu vực nắng nóng (Ảnh minh họa).

Sơ cứu người bị sốc nhiệt bằng cách di chuyển nạn nhân vào nơi mát, ra khỏi khu vực nắng nóng (Ảnh minh họa).

Một số bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra

Sốc nhiệt (Đột quỵ do nhiệt): Nguyên nhân do bị mất muối và nước kéo dài kèm sự quá tải khả năng hoạt động của trung tâm điều nhiệt. Nhiệt độ cơ thể nạn nhân có thể lên đến trên 40 độ C kèm các triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật, thậm chí hôn mê… Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là: người già, trẻ em, phụ nữ; người mắc bệnh lý mạn tính (bệnh tim mạch, gan, ung thư)...; Người lao động ngoài trời (công nhân, nông dân, vận động viên thể thao,…).

Sơ cứu người bị sốc nhiệt bằng cách: Di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nắng nóng vào nơi mát. Đặt nạn nhân nằm xuống, cởi bớt quần áo. Sử dụng nước lạnh hoặc khăn ướt phủ lên toàn bộ cơ thể, dùng quạt thổi để hạ nhiệt. Có thể phun nước vào người. Cho uống nước ngay nếu còn tỉnh và không nôn nhiều. Gọi xe cấp cứu và chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi, cần mở điều hòa hoặc cửa sổ xe cứu thương, tiếp tục đắp khăn ướt và nước lạnh lên cơ thể để làm mát. 

Kiệt sức do nhiệt: Nguyên nhân do tình trạng mất muối và nước kéo dài. Biểu hiện ngất xỉu kèm theo các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn… Nếu được sơ cứu kịp thời, cơ thể sẽ phục hồi hoàn toàn; nếu vẫn tiếp tục hoạt động hay không thể di chuyển qua môi trường khác thì sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt.

Sơ cứu người bị kiệt sức do nhiệt cần ngưng hoạt động hiện tại, đưa đến nơi thoáng mát và phải theo dõi kĩ. Dùng các loại khăn lạnh chườm vào các vùng trên cơ thể có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn… để hấp thu nhiệt nhanh, giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn, cố gắng cho người bị nạn uống càng nhiều nước càng tốt. Trong vòng từ 30 phút đến 1 giờ mà triệu chứng không được cải thiện (đau đầu, nôn, chóng mặt nhiều hơn…) nên đưa đến cơ sở y tế.

Ngất xỉu do nhiệt thường gặp ở những người phải đi ngoài nắng, leo núi, di chuyển nhiều (Ảnh minh họa)

Ngất xỉu do nhiệt thường gặp ở những người phải đi ngoài nắng, leo núi, di chuyển nhiều (Ảnh minh họa)

Ngất xỉu do nhiệt: Thường gặp ở những người phải đi ngoài nắng, leo núi, di chuyển nhiều gây ra tình trạng mất muối và nước. Nếu không bổ sung kịp sẽ làm nước trong lòng mạch máu giảm đi, giảm huyết áp, đặc biệt ở tư thế đứng làm giảm lưu lượng máu lên não gây ngất xỉu.

Sơ cứu người ngất xỉu do nhiệt bằng cách di chuyển bệnh nhân đến vùng có không khí thoáng mát, cho nằm đầu thấp, nới rộng quần áo, bù nước có muối khoáng, theo dõi khoảng 30 phút, nếu ổn định thì không cần đến bệnh viện, nếu tình trạng nặng thêm thì cần đưa đến cơ sở y tế.

Phù do nhiệt: Triệu chứng xuất hiện khi thay đổi môi trường như đến nơi có thời tiết nắng nóng hơn nhiều so với nơi ở thường ngày, ở trong phòng máy lạnh lâu và đột ngột di chuyển ra môi trường nắng nóng... Biểu hiện là phù ở mắt cá, bàn chân. Nguyên nhân là do mạch máu giãn ra để thải nhiệt gây phù. Sau khi cơ thể thích nghi trong vài giờ hay vài ngày thì triệu chứng sẽ mất đi. Nếu triệu chứng không mất đi, hãy kê cao chân khi ngủ để mạch máu lưu thông bình thường. Ở mức độ này chúng ta không cần dùng thuốc.

Phát ban do nhiệt: Nguyên nhân là do những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay nhiệt độ cao bên ngoài dễ bị kích thích, làm nổi mẩn ngứa, mề đay. Sau một thời gian sẽ phục hồi, không cần điều trị đặc hiệu. Nếu bị ngứa nhiều, có thể dùng các loại thuốc kháng dị ứng thông thường, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng. Tuy nhiên, cần phân biệt phát ban do nhiệt với bỏng. Bỏng là do chúng ta tiếp xúc ánh nắng lâu hơn, các vùng da bị đỏ, sưng rộp.

Chuột rút do nhiệt: Bệnh xuất hiện ở những người lao động nặng hay những vận động viên phải tập luyện với cường độ cao. Khi cơ thể đang vận động và sinh nhiệt, gặp nhiệt độ môi trường cao sẽ dễ gây ra chuột rút do nhiệt. Biểu hiện thường là đau ở các bắp thịt, đặc biệt ở các bắp đùi, cẳng chân. Triệu chứng đau xuất hiện là do khi hoạt động nặng, các cơ phải làm việc liên tục đi kèm cơ thể bị mất nước và muối qua mồ hôi quá nhiều, dẫn đến tình trạng co thắt cơ.

Khi bị chuột rút, có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường, nghỉ ngơi, di chuyển đến nơi thoáng mát, bù nước có muối khoáng như các dung dịch nước điện giải trị tiêu chảy, nước chanh có pha muối, đường. Lưu ý: Không sử dụng nước lọc để bù nước vì không thể đáp ứng nhu cầu mất muối và nước của cơ thể.

Các bệnh truyền nhiễm: Thời tiết nắng nóng thường kèm theo mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu… phát triển.

Các bệnh lý đường hô hấp: Nguyên nhân do ở trong các phòng điều hòa quá lâu, sử dụng nhiều quạt hoặc ăn uống các loại thức ăn, thức uống lạnh… sẽ làm khô niêm mạc, khô chất nhầy của đường hô hấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các siêu vi, vi trùng ngoại lai dễ xâm nhập gây các bệnh: nhiễm siêu vi, viêm đường hô hấp trên…

Ngoài ra, nhiệt độ môi trường cao dễ làm cho thức ăn bị ôi thiu, cùng với sự phát triển mạnh của các trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, gián… dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Phòng bệnh do thời tiết nắng nóng bằng cách mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10h -16h.

Phòng bệnh do thời tiết nắng nóng bằng cách mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10h -16h.

Phòng các bệnh do thời tiết nắng nóng

- Mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10h -16h; nếu phải làm việc ở môi trường nhiệt độ cao, nên di chuyển đến nơi mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc.

- Chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống. Nên uống các loại nước vừa cung cấp nước vừa cung cấp muối khoáng.

- Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm mùa nắng nóng, nên dọn dẹp, phát quang bụi rậm, xử lý các vùng nước đọng. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, tập thể dục vừa phải, ngủ đủ giấc giữ sức đề kháng tốt cho cơ thể để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ ít chú ý kiểm tra lịch tiêm chủng. Tốt nhất, sau 3 đến 5 năm, chúng ta nên tiêm nhắc lại cho trẻ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng.

- Phòng tránh các bệnh đường hô hấp, cần duy trì nhiệt độ máy lạnh trong phòng chênh lệch ít so với môi trường, đồng thời hạn chế di chuyển từ trong phòng lạnh ra trời nóng quá nhiều trong ngày. Không để nhiệt độ điều hòa quá thấp hay sử dụng quạt hướng thẳng vào người. Bổ sung nước đầy đủ trong ngày luôn là điều cần thiết trong mọi trường hợp.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.