Nhóm tác giả, trong đó Chủ biên những cuốn sách kỷ niệm 70 năm Quốc hội là nguyên Trưởng khoa Lịch sử trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM.
Sách “Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam”, NXB Trẻ (2016), có nhiều sai sót |
Trang 93 cuốn “Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam” viết: "Phát biểu tại Ban sửa đổi Hiếp pháp (tháng 2-1957), người nói rõ...". Xin được hỏi các tác giả, Hiếp pháp là gì? Ban sửa đổi Hiếp pháp gồm những ai?
Tương tự, đến trang 95, ngay bên dưới bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp năm 1959, các tác giả viết: “Phát biểu sau khi Quốc hội thông qua bản Hiếp pháp sửa đổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định…”.
Trước đó, trang 29 chú thích bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu như sau: “Thùng phiếu số 10 tại phố Hàng Vôi, nơi Bác Hồ đi bầu cử ngày 6-1-1946”. Đây là bức ảnh sai. Nhìn vào hình ảnh phía bên phải Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Tôn Đức Thắng. Năm 1946, cụ Tôn Đức Thắng chưa ra miền Bắc. Đây phải là bức ảnh chụp sau năm 1955.
Trang 11 của cuốn sách cuốn “Bác Hồ với Quốc hội Việt Nam” các tác giả đã “hư cấu” chi tiết nắm ngải cứu trên đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ thể sách viết như sau: “Trận ốm thập tử nhất sinh của Người ập đến lúc cách mạng Việt Nam dưới sự tổ chức chuẩn bị của Việt Minh đã từng bước phát triển vững chắc, đang cần những quyết sách hệ trọng của vị lãnh tụ tối cao. Nắm ngải cứu trên đầu không làm cho Người hết mê sảng, nhưng khi tỉnh lại thì Người chỉ hỏi chuyện đã chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa đến đâu và Người căn dặn: “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”.
Đoạn trích nói trên được các tác giả chú thích: Võ Nguyên Giáp - Từ nhân dân mà ra, Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, 2006, trang 130.
Tôi đối chiếu với hồi ký “Từ nhân dân mà ra” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do Nxb Quân đội Nhân dân in lần đầu năm 1969 thì không hề có chi tiết nắm ngải cứu trên trán Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Toàn bộ nội dung ở trang 212 hồi ký này viết: “Giữa lúc công việc bộn bề như thế, Bác bỗng bị mệt. Đã mấy hôm liền, Bác sốt nóng. Song Bác vẫn gượng làm việc. Mỗi khi tôi tới thảo luận công việc, hỏi thăm sức khỏe, Bác chỉ nói: “Chú cứ xuống làm công tác, tôi không việc gì”. Nhưng tôi thấy Bác yếu nhiều, người hốc hác hẳn. Có hôm tôi đến, Bác đang lên cơn sốt, miệng toàn nói mê. Thuốc men chẳng có, chỉ kiếm được vài viên thuốc cảm và ký ninh. Bác đã uống, mà không thấy đỡ. Thường khi, nếu không phải lúc nghỉ, không bao giờ Bác nằm, thế mà bây giờ Bác phải chịu nằm, lại mê sảng luôn. Bấy giờ trong các đồng chí thường gần Bác, chỉ còn lại mình tôi ở Tân Trào. Hôm ấy, Bác mệt lắm, tôi rất lo. Tôi nói: “Hôm nay tôi cũng thong thả, xin ở lại với Bác đêm nay”. Bác mở mắt và hơi gật đầu.
Đêm ấy, tôi nghỉ lại với Bác trên cái lán ở giữa rừng. Lúc nào tỉnh, Bác chỉ nói chuyện tình hình: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Mỗi lúc nhớ ra điều gì, Bác lại dặn. Bác lúc ấy chắc cũng thấy mình yếu quá, có ý muốn dặn lại công việc. Chỉ có công việc!
Nhóm tác giả đã nhầm với “Nắm ngải cứu trên đầu Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong hồi ký “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” do nhà văn Hữu Mai thể hiện, NXB Quân đội Nhân dân (1999).
Thu hồi và xử lý sai sót Trao đổi với PV, đại diện Nxb Trẻ cho biết, sau khi nhận được thông tin các lỗi sai “Hiến pháp” thành “Hiếp pháp”, đơn vị này đã tiến hành thu hồi sách và xử lý với đa số các đầu sách trong kho. Đối với số lượng sách ký gửi tại các cửa hàng, đơn vị này sẽ thu hồi và xử lý sai sót. |