Thanh âm bất tận “Hát cho đồng bào tôi nghe” của phong trào học sinh – sinh viên đấu tranh ở đô thị miền Nam trước năm 1975, thực sự làm phong phú thêm đời sống tinh thần cộng đồng. Dòng nhạc “Hát cho đồng bào tôi nghe” chính thức ra mắt bằng chương trình biểu diễn tại khuôn viên Trường Đại học Nông – Lâm – Súc sản Sài Gòn vào đêm 27/11/1969, với ca khúc chủ đề là một sáng tác của nhạc sĩ Tôn Thất Lập có tên gọi “Hát cho dân tôi nghe”.
Với khí thế sôi sục và giục giã, ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” đánh dấu sự dấn thân của một thế hệ trí thức trẻ: “Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát cho đêm thiên thu lửa cháy trên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang”. Hơn 55 năm đã trôi qua, nhìn lại những thanh âm bất tận ấy, càng nhận diện rõ nét sức mạnh cộng hưởng giữa tình yêu dân tộc và tình yêu nghệ thuật của một thế hệ yêu nước nồng nàn.
Ban đầu “Hát cho đồng bào tôi nghe” là một phong trào tự phát, rồi được tổ chức bài bản dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 15/5/1965, Đoàn Văn nghệ sinh viên – học sinh Sài Gòn được thành lập, do sinh viên y khoa Trương Thìn phụ trách. Dấu ấn của Đoàn Văn nghệ sinh viên – học sinh Sài Gòn là việc ấn hành và phổ biến tập ca khúc phản chiến “Hát từ đồng hoang” của nhạc sĩ Miên Đức Thắng, sau đó tiếp tục ra mắt tập thơ “Tiếng hát những người đi tới” và tập kịch thơ “Tiếng gọi Lam Sơn” nêu cao tinh thần tranh đấu đòi hòa bình cho non sông.
Cũng trong năm 1966, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã viết ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” tại Huế và tổ chức đêm nhạc ở Trường Đại học Văn khoa Huế. Bị vây ráp và khủng bố, nhạc sĩ Tôn Thất Lập rời cố đô và Sài Gòn. Năm 1968, với tư cách Chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã quy tụ các nhạc sĩ Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Phú Yên, Trần Long Ẩn… để nhen nhóm phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” với mong muốn: “Sử ca và kháng chiến ca ít phản ánh được thực tại đấu tranh nóng bỏng của quần chúng thành thị miền Nam. Vì vậy chúng tôi đã phát động phong trào học sinh – sinh viên trực tiếp sáng tác những bài ca tranh đấu, vừa để thúc đẩy hành động, vừa làm vũ khí tấn công trực diện vào chế độ Sài Gòn. Tất cả biến thành biển sóng, một đại hợp xướng hùng hồn, và tiếng hát đã trở thành nhịp đập con tim muôn triệu người muốn vùng dậy giải phóng quê hương, giành lấy hòa bình, độc lập”.
Sau đêm nhạc “Hát cho dân tôi nghe” tại Trường Đại học Nông – Lâm – Súc sản Sài Gòn, phong trào được sự hưởng ứng mạnh mẽ của giới trẻ đô thị. Tháng 6/1970, tập nhạc “Hát cho đồng bào tôi nghe” với chủ đề “Chúng ta đã đứng dậy” được phát hành, gồm 32 ca khúc. Lời tựa tập nhạc khẳng định: “Là con cháu của đồng bào, học sinh – sinh viên với trái tim dân tộc, sẽ đập theo nhịp âu lo, nỗi căm hờn của đồng bào và niềm hân hoan, nỗi hy vọng của dân tộc. Thế của học sinh – sinh viên là thế của nhân dân nên tác phẩm của chúng ta phải phục vụ dân tộc, phải được “hát cho đồng bào tôi nghe” để nung nấu ý chí hào hùng, tinh thần quật khởi, bất khuất của dân tộc đang vùng lên đưa lịch sử đất nước vào một giai đoạn quyết định”.
Từ tập nhạc “Hát cho đồng bào tôi nghe”, nhiều ca khúc đã lan tỏa rộng rãi và có khả năng cảm hóa sâu sắc như “Những người không chết” của Phạm Thế Mỹ, “Những cánh diều trên thành phố” của Võ Đức Dũng, “Dậy mà đi” của Nguyễn Xuân Tân, “Gặt vội lúa vàng” của Trương Thìn, “Dâng hoa cho nước” của Trần Xuân Tiến, “Thuyền em đi trong đêm” của Nguyễn Phú Yên, “Lúa reo trên khắp đồng bằng” và “Từ sông Hương đến sông Hát” của Tôn Thất Lập, “Đường ta đi niềm tin lớn mạnh” và “Tung cao lời chim trắng” của Nguyễn Văn Sanh, “Tự nguyện” và “Lời ca người đi giữ quê hương” của Trương Quốc Khánh, “Tin tưởng ca” và “Ước vọng ca” của Nguyễn Tuấn Kiệt, “Tổ quốc ơi, ta đã nghe” và “Không ai ngăn nổi lời ca” của La Hữu Vang…
Một trong những nhạc sĩ của phong trào “Hát cho dân tôi nghe” đã bị bắt và bị đem ra xét xử là nhạc sĩ Miên Đức Thắng. Không chỉ có ca khúc “Hát từ đồng hoang” giục giã “Đất cho ta sống quê hương ta bồng, đất cho ta chết quê hương ta về/ Rồi ngày mai đất ta vươn thơm mùi lúa mới, rồi ngày mai đất ta hoa lên hồng môi cười/ Rồi ngày mai quê hương xanh lên màu sông núi, vì ngày nay dân ta quyết sống vì đất này”, nhạc sĩ Miên Đức Thắng còn có các ca khúc “Viên đạn”, “Mẹ ơi nuôi con lớn để con làm tù binh”, “Lời ru” và “Gọi quê hương mà nhớ” làm chính quyền Việt Nam Cộng hòa tức giận.
Phiên tòa xét xử nhạc sĩ Miên Đức Thắng được tổ chức ngày 23/1/1970, được tờ báo Dân Chủ thân chính quyền Sài Gòn tường thuật: “Theo bản cáo trạng, những lời lẽ bản nhạc Thắng sáng tác nói lên những oán trách về cuộc chiến tranh, quy trách nhiệm và căm thù vào Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, chớ không chỉ trích cộng sản. Khác hẳn các bản nhạc Trịnh Công Sơn nói lên thân phận làm người trong một quốc gia có chiến tranh”. Khi nghe tuyên án 5 năm tù khổ sai, nhạc sĩ Miên Đức Thắng nói lời sau cùng ngắn gọn: “Những ca khúc tôi viết chỉ để chia sẻ với đồng bào tôi, dân tộc tôi đang bị đọa đày và đau thương. Dù bị 5 năm khổ sai hay nhiều hơn nữa, tôi cũng không ân hận. Tôi thấy mình không có tội gì”. Trước sự phản đối của các lực lượng tiến bộ trong nước và sức ép của dư luận nước ngoài, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không thể đưa Miên Đức Thắng ra Côn Đảo thực hiện bản án 5 năm khổ sai. Ngày 27/4/1970, nhạc sĩ Miên Đức Thắng được trả tự do.
Không chỉ tạo thành làn sóng mạnh mẽ trong nước, những ca khúc “Hát cho đồng bào tôi nghe” được báo Le Monde của Pháp phát hành ngày 11/2/1972, nhận định: “Vừa mới viết ra, vừa mới xướng lên nó đã được truyền đi từ miệng người này đến miệng người khác. Nó nảy nở giữa gọng kềm siết chặt, nơi mà mỗi cử chỉ, mỗi lời nói là một vấn đề sống chết. Những lời hát cất lên giữa những dùi cui, đàn áp, lặp lại giữa những chiếc xe bọc thép, rồi vang lên ở góc phố, nơi mà những anh sinh viên bị đuổi bắt. Nó đã đánh thức lương tâm của tuổi trẻ và lòng nhiệt thành của họ. Tất cả cơ đồ của lối sống Mỹ đã bất lực, không thể bóp nghẹt tiếng nói của một thế hệ trẻ sinh ra dưới những trận bom”.
Nhìn ở góc độ văn hóa, phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã đóng góp cho đất nước nhiều nhạc sĩ tài danh. Cánh chim đầu đàn là nhạc sĩ Tôn Thất Lập sau năm 1975 tiếp tục sáng tác không ít ca khúc lừng lẫy như “Trị An âm vang mùa xuân” hoặc “Tình ca mùa xuân”. Tuy nhiên, ký ức những ngày “Hát cho đồng bào tôi nghe” vẫn để lại trong lòng ông những hoài niệm khó phai: “Chúng tôi, những trí thức yêu nước đã lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chia cắt. Chỉ có một con đường là góp nhiệt huyết của mình cho mục đích duy nhất, đấu tranh vì một ngày mai hòa bình trở về trên quê hương. Ðó là những tháng năm đẹp nhất trong cuộc đời mình. Máu nóng trong tim sục sôi. Khi mọi người siết chặt tay nhau xuống đường và hát vang những bài ca yêu nước thì kẻ thù với súng đạn, xiềng xích phía trước chỉ còn là những rệu rã”.
Cũng xuất hiện trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” với những ca khúc “Người mẹ Bàn Cờ”, “Chim gọi đàn chim tung cánh trắng” hoặc “Người cha bến tàu”, nhạc sĩ Trần Long Ẩn cống hiến thêm cho cuộc sống hòa bình những ca khúc đắm say như “Đêm thành phố đầy sao”, “Một đời người, một rừng cây”, “Tình đất đỏ miền Đông”, “Đi qua vùng cỏ non”…
Nửa thế kỷ Bắc Nam sum họp một nhà, thanh âm bất tận “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. Nhạc sĩ Doãn Nho, người được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017, đánh giá: “Chính phong trào này đã cho ra đời những ca khúc, mà ngoài giai điệu thì đã có tiết tấu rất rõ nét. Ngôn ngữ âm nhạc ở đây cũng là một thứ ngôn ngữ mới, đi vào lòng dân chúng, đặc biệt tác động đến tầng lớp sinh viên- thế hệ trí thức trẻ. Di sản ca khúc phong trào để lại có thể nói chính là nền tảng của nhạc nhẹ miền Nam sau giải phóng. Và hơn thế nữa, những gương mặt thủ lĩnh “Hát cho đồng bào tôi nghe”, sau này cũng chính là những gương mặt âm nhạc được công chúng yêu thích lâu dài”./.