| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Trên 2.000 ha lúa nhiễm đạo ôn, nhiều bệnh khác hại cây trồng

Thứ Ba 07/04/2020 , 13:58 (GMT+7)

Tại Nghệ An, dịch bệnh đang xuất hiện khá tràn lan trên cây lúa và các loại cây trồng khác, trong đó đáng lo nhất lúc này là dịch đạo ôn.

Đạo ôn đang là mối bận tâm nhất lúc này của nông dân trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Đạo ôn đang là mối bận tâm nhất lúc này của nông dân trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Đây là nội dung chính tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại cây trồng vụ Đông Xuân các tỉnh, thành phố phía Bắc vào sáng ngày 7/4 ở đầu cầu Nghệ An.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, tính đến ngày 6/4 toàn tỉnh đã gieo cấy được 91.673 ha/ KH 90.000 ha  lúa xuân. Hiện diện tích lúa đã trổ vào khoảng 10.000 ha, tập trung chủ yếu ở Yên Thành, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Thái Hòa.

Lúa Xuân tại Nghệ An đang bước vào thời kỳ trổ bông, lúc này đạo ôn cổ bông mới xuất hiện trên 1,2 ha tập trung tại một số vùng thuộc huyện Tân Kỳ, Hưng Nguyên, TP.Vinh…, tỷ lệ mầm bệnh nơi cao chiếm khoảng 3-5% số bông bị hại.

Tình hình nhìn chung đang trong tầm kiểm soát, dù vậy với đặc trưng lây lan nhanh và có thể bùng phát trên diện rộng, nhất thiết các địa phương không thể lơ là, chủ quan.

Theo dõi trực tiếp trên đồng ruộng cho thấy, hiện dịch bệnh gây hại đang xuất hiện khá phổ biến. Gian nan nhất là thực trạng đạo ôn lá với quy mô nhiễm bệnh trên 2.019 ha, trong đó hơn 222 ha nhiễm nặng và 20 ha “cháy lá”.

Qua khảo sát, tỷ lệ bệnh nơi cao chiếm 30 - 40%, cục bộ >70% lá bị hại, chủ yếu xảy ra tại các huyện Hưng Nguyên, TP.Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu... tập trung trên các giống lúa chất lượng cao như AC5, TBR225, P6, Xi, Nếp...

Bà con cần chủ động công tác phòng trừ đạo ôn cổ bông ngay từ bây giờ. Ảnh: Việt Khánh.

Bà con cần chủ động công tác phòng trừ đạo ôn cổ bông ngay từ bây giờ. Ảnh: Việt Khánh.

Ngoài vấn nạn đạo ôn, hiện có khoảng 7.450 ha lúa cũng bị nhiễm khô vằn, đáng chú ý khi hơn phân nửa diện tích (423 ha) bị nhiễm nặng. Trong khi đó bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đang xuất hiện trên quy mô 182 ha; sâu cuốn lá đe dọa 610 ha; rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại trên 4,6 ha, mật độ rầy phổ biến 500-800 con/m2, nơi cao 2.000 - 4.000 con/m2; chuột phá hoại trên 3.109, trong đó gần 290 ha bị nặng và 18,9 ha có nguy cơ thiệt hại trên 70%...

Ở một diễn biến khác, sâu keo mùa thu đang phát sinh gây hại trên 2.636 ha ngô, đáng nói 262 ha bị hại nặng. Bệnh khảm lá sắn cũng manh nha xuất hiện trên 1,2 ha (Giống HLS11) tại các huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn… với tỷ lệ bệnh nơi cao 15-20%, cục bộ 50-80% số cây. Ngoài ra, các đối tượng dịch hại cũng tác động trên 150 ha lạc.

Bệnh khảm lá cũng manh nha xuất hiện đe dọa trên một số diện tích trồng sắn trên địa bàn. Ảnh: Việt Khánh.

Bệnh khảm lá cũng manh nha xuất hiện đe dọa trên một số diện tích trồng sắn trên địa bàn. Ảnh: Việt Khánh.

Qua công tác dự báo, nhiều khả năng thời tiết cuối vụ sẽ chuyển biến khó lường, có thể xuất hiện các đợt không khí lạnh, kéo theo trời âm u, có mưa, ẩm độ cao, sương mù kéo dài... đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng phát sinh, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn, rầy và bệnh lem lép hạt.

Trên cây lúa, dự kiến đạo ôn cổ bông sẽ phát sinh gây hại trên diện rộng ở trà lúa trỗ trong khoảng thời gian nửa tháng, bắt đầu từ đầu tháng 4 đến trung tuần tháng 4. Cùng với đó, chuột đồng sẽ tiếp tục phá hoại các trà lúa, riêng các chân ruộng gần làng, gò bãi, mương máng nguy cơ tăng gấp bội. Rầy nâu, rầy lưng trắng nhiều nguy cơ phát sinh từ giữa tháng 4 trở đi.

Các chuyên gia cũng nhận định, bệnh lem lép hạt sẽ phát sinh gây hại trên những diện tích lúa trỗ nếu gặp điều kiện thời tiết âm u, mưa kéo dài. Bệnh khô vằn tăng khả năng gây hại trên các trà lúa bước vào giai đoạn đứng cái, mức độ tăng dần khi lúa làm đòng. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn sẽ gây hại nặng cục bộ ở một số vùng, nhất là trên những chân ruộng bón phân không cân đối (thừa đạm, thiếu kali), kết hợp với điều kiện mưa to, gió lớn.

Từ đòi hỏi thực tế, Ngành NN-PTNT Nghệ An khuyến cáo các đơn vị tập trung thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, theo dõi chặt diễn biến các loại dịch hại để phát hiện và tổ chức phòng trừ kịp thời.

Với đạo ôn cổ bông cần hướng dẫn nông dân phun phòng bằng một trong các loại thuốc có hoạt chất như Tricyclazole, Propiconazole, Fenoxanil, tiến hành phun lần 1 khi lúa trỗ thấp (khoảng 5%), phun lần 2 sau 5 – 7 ngày khi lúa trỗ thoát.

Trên cây ngô, lạc phải phun trừ kịp thời trên những diện tích có mật độ sâu non cao bằng các loại thuốc đặc dụng như Indoxacarb, Lufenuron, Spinetoram, Emamectin benzoate...; Trên cây sắn cần tiến hành rà soát, thống kê, khoanh vùng những diện tích bị bệnh khảm lá, sau đó tổ chức các biện pháp xử lý tiêu hủy cây bệnh và phun phòng trừ bọ phấn môi gới truyền bệnh nhằm hạn chế phát sinh, lây lan trên diện rộng.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.