Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn Phú Yên, từ 19 giờ ngày 30 đến 16 giờ 30 phút ngày 31/3, thời tiết khu vực tỉnh Phú Yên có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 55 - 240mm.
Hàng trăm tàu thuyền bị nhấn chìm
Mưa lớn kèm theo gió mạnh đã gây sóng lớn, nhấn chìm hàng chục tàu thuyền ở huyện Tuy An và TP Tuy Hòa (Phú Yên).
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, có 91 tàu, thuyền bị chìm, trong đó huyện Tuy An 33 tàu; TP Tuy Hòa 30 tàu; Thị xã Sông Cầu 23 tàu và Thị xã Đông Hòa 5 tàu.
Ông Nguyễn Văn Long, thôn Long Thủy, xã An Phú kể: "Sóng biển bất ngờ nhấn chìm nhiều tàu thuyền khiến chúng tôi trở tay không kịp. Đây là lần đầu tiên ngư dân làng biển thấy thời tiết cực đoan kiểu này, quá khủng khiếp! Nếu đài báo có biển động thì chúng tôi đã đưa thuyền đi neo đậu ở bến, cảng rồi".
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường cho các địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió và mưa lớn để hỗ trợ. Cùng với đó, triển khai các xe cẩu ra bờ biển cẩu các tàu thuyền bị sóng đánh, đưa vào bờ, hạn chế thiệt hại.
Đến thời điểm này, đã có 2 người mất tích ở huyện Tuy An gồm: Cháu Trần Văn Thiện, sinh năm 2008
Tại xã An Hòa Hải (huyện Tuy An, Phú Yên) có khoảng 2.000 lồng, tương ứng 600.000 con tôm và xã An Ninh Đông có 450 lồng với khoảng 190.000 tôm hùm nuôi bị hư hỏng, trôi dạt, thiệt hại. Ngoài ra, có 12 nhà, trong đó 2 nhà sập 100%; 5 nhà bị tốc mái, hư hỏng.
ở thôn Xóm Cát, xã An Hòa Hải bị lốc xoáy khi đang ở trên ghe khu vực thôn Xóm Cát và anh Nguyễn Sam sinh năm 1982 ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải khi ra khu vực nuôi tôm hùm bị lốc xoáy ở khu vực thôn Nhơn Hội.
Tại Khánh Hòa, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ 12 giờ ngày 30/3 đến 12 giờ ngày 31/3 trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra mưa vừa đến mưa to, lượng mưa phổ biến từ 40 - 60mm, riêng xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh) lượng mưa trên 150mm. Do ảnh hưởng mưa lớn, kèm theo sóng lớn nên tại huyện Vạn Ninh đã có 25 tàu thuyền bị chìm, trong đó xã Đại Lãnh 11 tàu và xã Vạn Long 14 tàu.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền huyện Vạn Ninh phối hợp các địa phương đã huy động các lực lượng cứu nạn các tàu bị chìm. Tuy nhiên, việc cứu nạn các tàu thuyền bị chìm gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu. Theo người dân địa phương, sự cố tàu cá bị chìm lần này có phần bất ngờ bởi hiện nay chưa phải vào mùa mưa bão.
Hàng chục nghìn ha lúa nguy cơ thiệt hại nặng
Tại Phú Yên, mưa lớn đã khiến 12.434ha/26.666ha ha lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn trỗ, chín sáp và chuẩn bị thu hoạch bị ngập nước, ngã đổ; 259 ha rau màu, đậu các loại bị ngã đổ.
Ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Phú Yên cho biết, trong số diện tích trên có khoảng trên 1.000 ha lúa bị ngập. Đối với diện tích lúa chín hoàn toàn, hiện bà con nông dân đang tranh thủ thu hoạch nhằm giảm bớt thiệt hại. Đối với diện tích lúa đang trỗ và chín sữa, Chi cục đã chỉ đạo các Trạm Trồng trọt – BVTV phối hợp với các địa phương và bà con nông theo dõi, hướng dẫn các biện pháp khắc phục.
Ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Khánh Hòa cho biết, đến nay gần 5.000 ha lúa trà vụ chính bà con trên địa bàn đã thu hoạch xong. Hiện chỉ còn khoảng 8.000 ha lúa trong giai đoạn chín đỏ đuôi. Qua nắm sơ bộ, do ảnh hưởng mưa gió to đã có khoảng 350 ha lúa bị ngã đỗ, trong đó Cam Lâm 300 ha, Diên Khánh 20 ha…
Trong ngày 31/3, trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có mưa vừa đến mưa to. Lãnh đạo các tỉnh này đã ra văn bản chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương thực hiện công tác ứng phó. Đặc biệt là giảm thiểu thiệt hại cho vụ lúa đông xuân trên địa bàn đang gần bước vào thời điểm thu hoạch.
Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi thông tin, đây là đợt mưa trái mùa bất thường. Lượng mưa phổ biến đo được trong 24 giờ qua (14 giờ ngày 30/3 đến 14 giờ ngày 31/3) dao động từ 50 - 150 mm; tại hai huyện Lý Sơn và Minh Long lên tới 155 mm.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi cảnh báo, mưa lớn kéo dài sẽ gây ngập úng tại vùng trũng thấp của các huyện đồng bằng khiến lúa đang kỳ thu hoạch bị nhão gốc, khi không khí lạnh tràn về sẽ dễ bị đổ rạp.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh xuống giống khoảng 38.000ha lúa. Việc mưa lớn trái mùa vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến diện tích lúa của tỉnh. Địa phương đang chỉ đạo các địa phương tranh thủ thu hoạch những địa điểm lúa đã chín để tránh việc nẩy mầm trên cây. Hiện nay, trà lúa đã có thể thu hoạch của tỉnh khoảng gần 10.000ha, tập trung chủ yếu ở Thị xã Đức Phổ và huyện Mộ Đức.
Tại Quảng Nam, ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó giám đốc sở NN-PTNT tỉnh này cho biết, toàn tỉnh sản xuất hơn 40.000ha lúa trong vụ đông xuân 2021 - 2022. Bắt đầu từ ngày 31/3, các địa phương trong tỉnh đã có mưa, trong khi đó, các đồng lúa của tỉnh này đang bước vào thời điểm quyết định, đang trỗ bông. Tình hình mưa lớn như hiện nay chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến diện tích lúa trên địa bàn.
“Do trời vẫn đang mưa nên ngành chức năng đang chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp ngoài đồng ruộng như tiêu thoát nước, vận hành linh hoạt các đập thủy lợi. Sau khi mưa kết thúc, chúng tôi sẽ chỉ đạo các địa phương thống kê diện tích cũng như mức độ lúa bị ảnh hưởng, thiệt hại”, ông Vũ nói.