| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ 'vỡ' lịch thời vụ đông xuân vì mưa lớn kéo dài

Thứ Sáu 31/12/2021 , 06:30 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Mưa lớn kéo dài những ngày qua làm nhiều diện tích trồng lúa ở tỉnh Quảng Trị bị ngập sâu trong nước. Nguy cơ 'vỡ' lịch thời vụ đông xuân đang hiện hữu.

Kiểm tra tình hình ngập úng tại huyện Hải Lăng. Ảnh: CĐ.

Kiểm tra tình hình ngập úng tại huyện Hải Lăng. Ảnh: CĐ.

Theo kế hoạch, từ ngày 5/1/2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ bắt đầu gieo cấy vụ đông xuân. Tuy nhiên, hàng ngàn ha trồng lúa của nông dân huyện Hải Lăng vẫn còn ngập sâu trong biển nước mênh mông.

Lịch thời vụ chậm từ 7 – 10 ngày

Để chuẩn bị cho việc làm đất, gieo cấy vụ đông xuân, cùng với việc mở các cửa cống thoát nước, từ ngày 20/12, Hợp tác xã (HTX) Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng đã huy động toàn bộ máy bơm điện công suất lớn của HTX để bơm tiêu úng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài những ngày qua đã khiến toàn bộ diện tích trồng lúa hơn 100 ha của HTX đã được tiêu úng tiếp tục ngập sâu trong nước trở lại.

Ông Phan Văn Quang, Giám đốc HTX Đông Dương cho biết, nếu làm đất đúng theo kế hoạch đã đề ra thì đến ngày 5/1/2022, HTX sẽ xuống giống trà đầu và đến 15/1/2022 sẽ hoàn thành gieo cấy toàn bộ diện tích. Nhưng bây giờ thì phải chờ trời hết mưa, nước bên ngoài đê bao hạ thấp. Lúc này HTX sẽ mở các cửa cống, kết hợp với sử dụng máy bơm để tiêu úng. Sau đó mới có thể bắt tay vào làm đất và gieo cấy được.

"Với tình hình thời tiết như thế này thì thời gian gieo cấy vụ đông xuân của HTX chắc chắn sẽ chậm hơn so với lịch thời vụ từ 7 – 10 ngày”, ông Quang cho hay.

Ông Võ Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương, huyện Hải Lăng thông tin, nếu như hằng năm, vào thời điểm này toàn xã đã cơ bản hoàn thành việc tu sửa kênh mương, các trạm bơm, vệ sinh xử lý đồng ruộng, bơm tiêu úng đối với những diện tích nằm ở vùng thấp và tiến hành làm đất, gieo cấy theo khung lịch thời vụ của huyện.

Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của không khí lạnh, trong các ngày từ ngày 24 – 28/12 trên địa bàn xã đã có mưa lớn kéo dài làm phần lớn trong số hơn 883 ha diện tích sản xuất lúa của địa phương bị ngập sâu trong nước.

Mưa lớn trong những ngày qua khiến hệ thống đê bao vùng trũng Hải Lăng bị ngập hoàn toàn. Ảnh: CĐ.

Mưa lớn trong những ngày qua khiến hệ thống đê bao vùng trũng Hải Lăng bị ngập hoàn toàn. Ảnh: CĐ.

Ông Hiếu cho biết, để đảm bảo thời vụ, UBND xã đã chỉ đạo các HTX tập trung chạy hết công suất 7 trạm bơm điện, 20 máy bơm cỡ vừa và huy động thêm toàn bộ máy bơm cỡ nhỏ của nông dân để bơm tiêu úng liên tục trong từ 7 – 10 ngày. Chuẩn bị đầy đủ máy cày, các loại vật tư nông nghiệp để đảm bảo nước rút đến đâu tiến hành làm đất, gieo sạ đến đó. Hướng dẫn nông dân ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn như HT1, HN6, Thiên ưu 8, Khang dân… để rút ngắn thời gian sinh trưởng.

Theo ông Hồ Quốc Minh, do ảnh hưởng của không khí lạnh, những ngày qua trên bàn huyện Hải Lăng có mưa lớn kéo dài, nước tràn qua hệ thống đê bao làm hơn 4.500 ha trong tổng số 6.850 ha diện tích chuẩn bị gieo trồng lúa vụ đông xuân của huyện bị ngập hoàn toàn, tập trung chủ yếu ở các xã vùng trũng như Hải Dương, Hải Quế, Hải Định, Hải Phong, Hải Thiện..., có nơi ngập sâu hơn 1,5m.

Trong đó, có nhiều diện tích các HTX đã bơm tiêu úng và nông dân đang tiến hành làm đất để chuẩn bị xuống giống. Ngoài ra, mưa lớn còn làm hơn 300 - 400 ha rau màu vụ đông như ném, khoai lang, sắn... bị hư hỏng hoàn toàn.

Ông Hồ Quốc Minh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hải Lăng cho biết, theo kế hoạch, ngày 5/1/2022 huyện Hải Lăng sẽ bắt đầu xuống giống trà đầu nhưng với tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp như thế này, dự kiến thời gian gieo cấy sẽ chậm hơn so với lịch thời vụ từ 7 - 10 ngày.

Hiện tại, huyện Hải Lăng đang chỉ đạo các địa phương, các HTX túc trực 24/24 giờ để kịp thời mở các cửa cống thoát nước trên đồng ruộng khi mực nước trên các sông hạ xuống. Tập trung chạy hết công suất các trạm bơm điện để bơm tiêu úng. Triển khai sản xuất theo phương châm "nước rút đến đâu tập trung làm đất, gieo cấy đến đó".

Để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất, huyện đề nghị các HTX, nông dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn để rút ngắn thời gian sản xuất.

Lưu ý các HTX phải thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết và điều kiện thực tế để bố trí phù hợp, tránh gieo cấy vào các ngày rét đậm, rét hại. Khuyến khích áp dụng các tiến bộ ky thuật như máy sạ hàng, máy cấy, máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)…

“Đối với diện tích gần 50 ha đã gieo cấy bị hư hỏng do ngập úng, chúng tôi đã chỉ đạo các HTX chuẩn bị nguồn giống để gieo lại ngay sau khi nước rút”, ông Minh cho biết thêm.

Nông dân cần dự trữ thêm giống

Ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hơn 20.500 ha diện tích trồng lúa đã hoàn thành việc làm đất, đạt trên 80% diện tích. Ngoài ra, đã có hơn 460 diện tích đã gieo cấy không theo khung lịch thời vụ đã ban hành, tập trung chủ yếu ở các huyện Gio Linh 160 ha, Hướng Hóa 130 ha, Đakrông 70 ha, Thành phố Đông Hà 40 ha…

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, trên địa bàn tỉnh từ ngày 24 – 28/12 đã có mưa to đến rất to làm ngập úng trên diện rộng, đặc biệt là huyện Hải Lăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ làm đất và thời vụ gieo cấy. Mưa lớn cũng đã làm hơn 200 ha lúa trong tổng số 460 ha lúa đã gieo bị ngập úng, hư hỏng hoàn toàn.

Theo ông Trang, để chủ động tổ chức sản xuất vụ đông xuân, các địa phương và nông dân cần khẩn trương khơi thông dòng chảy, kênh mương để tiêu thoát nước trong đồng ruộng. Đối với huyện Hải Lăng, do diện tích hiện đang bị ngập úng khá lớn nên cần tập trung toàn bộ các trạm bơm điện, lắp đặt thêm các máy bơm dã chiến và bơm liên tục để tiêu thoát úng. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, máy móc để hoàn thành việc làm đất. Đảm bảo nước rút đến đâu tiến hành làm đất, gieo cấy đến đó.

Các trạm bơm sẵn sàng hoạt động khi mưa giảm. Ảnh: CĐ. 

Các trạm bơm sẵn sàng hoạt động khi mưa giảm. Ảnh: CĐ. 

Chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư như giống, phân bón, thuốc BVTV... để tiến hành gieo cấy đảm bảo lịch  thời vụ; tuyệt đối không cơ cấu giống lúa dài ngày, giống không rõ nguồn gốc, giống không có trong Danh mục được phép sản xuất kinh doanh vào sản xuất. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để điều chỉnh lịch gieo sạ hợp lý, tránh các đợt rét đậm, rét hại.

Trước khi gieo sạ, cần phải làm đất kỹ, nhuyễn bùn, tạo các rãnh nhỏ xung quanh và giữa ruộng để điều tiết nước dễ dàng, không để nước đọng trên mặt ruộng. Bón phân cân đối, ưu tiên phân chuồng hoai mục và phân lân nhằm tạo nguồn dinh dưỡng đầy đủ cho cây lúa sinh trưởng tốt, tăng khả năng chống rét. Chú ý điều tiết nước để giữ ấm cho lúa, không để ruộng khô và không bón phân đạm khi nhiệt độ dưới 16 độ C; bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, phân kali, tro bếp để chống rét cho lúa.

“Với tình hình thời tiết như hiện tại, nông dân cần dự trữ thêm giống để đề phòng khả năng khi gieo cấy gặp thời tiết không thuận lợi, cây lúa bị chết thì có sẵn nguồn giống để gieo lại”, ông Trang lưu ý thêm.

Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh Quảng Trị dự kiến gieo cấy khoảng 25.500 ha lúa, với các giống chủ lực HN6, Khang dân, An sinh 1399, Bắc thơm 7, Đài thơm 8, HT1…

Khung thời vụ gieo cấy bắt đầu từ 5/1/2022 và kết thúc vào 20/1/2022. Thời điểm này nếu đồng ruộng không bị ngập úng thì các địa phương đang tập trung làm đất, vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị gieo cấy vụ đông xuân.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.