Thảo quả mang ấm no về
Khi những cánh đồng vụ mùa dưới thung lũng đã xanh biếc, những thửa ruộng bậc thang chuẩn bị đón đòng là khi mùa thảo quả trở về với núi rừng Tây Bắc. Tất cả các bản làng ven dãy núi Hoàng Liên Sơn - xứ sở của thảo quả đều rộn ràng chờ đón mùa thu hoạch thảo quả. Những cánh rừng, những tán cây cổ thụ che chở cho những cây thảo quả... đều ngát hương thơm, màu thảo quả chín đỏ từng chùm dưới gốc.
Từ sáng sớm, những người mẹ đã chuẩn bị gạo, thịt, rau củ, họ đồ xôi gói những gói lớn, bỏ thêm lạc, vừng, thịt nướng, cho mấy chai nước... bỏ đầy lu cở (gùi, địu), đầy bao tải, chuẩn bị cho cả ngày leo núi hái thảo quả. Những người cha chuẩn bị dao, dây chằng, bao tải, gùi... Tụi thanh niên háo hức với việc chuẩn bị giày, mũ và kiểm tra xe máy cẩn thận trước khi lên đường vào chân rừng.
Không khí bản làng chân núi Hoàng Liên Sơn bắt đầu thay đổi, mọi gia đình đều tất bật cho một mùa vụ mới, mùa thơm ấm áp cả bản làng. Từ bản Thào, Tà Hử đến Sắp Ngụa, Nậm Vai, Hua Than, từ Hô Ta đến Nậm Mở, Noong Quang, Noong Quài... (thuộc các huyện Tân Uyên, Than Uyên, tỉnh Lai Châu) tất cả đều rộn ràng, náo nức chờ màu đỏ thảo quả về.
Ở độ cao chừng 1.800m trở lên của dãy Hoàng Liên Sơn, dưới tán rừng già, không khí ẩm mát, là nơi cây thảo quả có thể sinh trưởng và phát triển. Để đi hái thảo quả, cách duy nhất là leo núi dốc đứng, những mỏm đá trươn trượt.
Rừng chớm vào mùa thu, cây lá còn xanh biếc, thỉnh thoảng mới có lá vàng. Leo tới gần đỉnh núi, hương thảo quả rõ dần. Đầu tiên chỉ thơm thoang thoảng, lúc ngửi thấy, lúc không. Sau đó đậm dần, đậm dần và ngào ngạt. Những bụi thảo quả cây mọc dày sin sít, quả chín đỏ đầy dưới gốc, chùm dày như những chùm nho, mỗi chùm vài chục quả căng mọng, vỏ bóng lừ, gốc ít cũng 4 - 5 chùm, gốc nhiều cả chục chùm dày đặc đỏ rực.
Nương nào có thảo quả chín trước, bà con hái trước. Trong khi chờ mọi người gùi thảo quả về, những người cha đã ra bên cạnh lán, tìm chỗ khô ráo đào lò, rồi bắc giàn sấy, tìm cành củi khô về nhóm lò để sẵn chờ thảo quả lên giàn. Mỗi người một việc, đến trưa, gần nửa nương thảo quả đã mang về chất đầy giàn sấy, một góc rừng đỏ rực, thơm cay cay ấm áp, nồng nàn.
Tùy theo mức độ của giàn sấy mà người ta đổ thảo quả lên, thỉnh thoảng lại đảo cho thảo quả chóng khô. Những nhà có ít nương, thu hoạch ít quả thường sẽ mang quả tươi về bản để phơi hoặc sấy, những nhà có nhiều nương, lượng quả lớn, họ sẽ sấy khô tại rừng xong mới gùi về.
Những mẻ thảo quả đã khô được đóng vào bao, buộc vào gùi để cõng xuống núi. Thường các gia đình sẽ phân công người ở lại lán và người về nhà để bán thảo quả, bố mẹ sẽ ở lại lán trên rừng để hái thảo quả và sấy đến lúc hết mùa, còn thanh niên sẽ gùi thảo quả khô về bản và lúc leo lên thì tiếp tế lương thực.
Cấp thiết bảo tồn, khai thác bền vững
Nương thảo quả cao và xa như vậy, trồng loại cây này đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình nhưng cũng tiềm ẩn những vấn đề cần phải có giải pháp lâu dài để bảo vệ rừng và sự đa dạng sinh học trên dải Hoàng Liên Sơn.
Cây thảo quả chỉ có thể mọc ở dưới tán rừng già hoặc rừng phòng hộ, nơi có độ cao trung bình khoảng 1.800m, khí hậu lạnh, cây dựa vào sự ẩm mục của đất dưới tán rừng để sinh sôi và phát triển. Trên dãy Hoàng Liên Sơn, độ cao đảm bảo nhưng không phải chỗ nào cũng có đất để trồng cây, vì vậy, diện tích trồng thảo quả khó mở rộng. Hiện nay, bà con người Mông, người Thái ở quanh núi Hoàng Liên Sơn, từ Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn đến Than Uyên, Mù Cang Chải vẫn gây giống, bảo tồn, phát triển cây thảo quả trên những diện tích nương cũ.
Những năm trước đây, diện tích trồng ít, thương lái vào gom hàng bán sang Trung Quốc hoặc mang về xuôi, thảo quả khô có lúc giá lên tới 80 nghìn đồng/kg. Những năm gần đây, diện tích trồng tăng, lượng mua của Trung Quốc giảm nên giá chỉ còn khoảng 30 đến 40 nghìn đồng/kg. Nguồn thu nhập từ khai thác cây thảo quả cho bà con dù có giảm, nhưng vẫn tương đối ổn định. Trung bình mỗi năm, các gia đình có thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng từ thảo quả, tùy thuộc diện tích.
Năm 2022, dịch Covid-19 đã qua, xu hướng giá thảo quả hiện tại vẫn khá ổn định, có thời điểm giá trên 100 nghìn đồng/kg, tuy nhiên việc trồng thảo quả phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên nên sản lượng không ổn định. Những năm trời băng giá, Hoàng Liên Sơn có tuyết thì năm sau đó mất mùa. Loạt nương trên cao, lạnh sâu nên cây thảo quả già bị chết, cây non chưa kịp ra hoa kết quả nên phải khoảng 2 năm sau cây con mới đủ trưởng thành để ra hoa.
Vì vậy, việc trồng thảo quả của bà con cũng khá bấp bênh do thường cứ 4 năm trên dãy Hoàng Liên Sơn lại có băng giá một lần. Nếu thời tiết ổn định, cây phát triển tốt, mỗi ha sẽ đem về sản lượng từ 4 đến 5 tạ quả khô, những gia đình có 5 - 6ha, thu nhập có thể lên tới vài trăm triệu đồng.
Thảo quả là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, do đặc tính của cây thảo quả thích hợp ở nơi có ánh sáng tán xạ nên trong quá trình trồng và chăm sóc, việc người dân phải phát dọn những cây nhỏ đã làm mất thế hệ tiếp nối của lớp thực bì dưới tán rừng già. Việc phát nương của người dân khi canh tác thảo quả vì vậy cũng làm mất đi các thế hệ cây rừng tái sinh tự nhiên và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.
Vì nương thảo quả rất xa nên mỗi lần đi bón phân hay phát cỏ, các hộ thường ở lại trong rừng khoảng 7 - 10 ngày để chăm sóc thảo quả. Ngoài ra, do thảo quả tươi khá nặng, người dân thường phải sấy khô, sau đó mới vận chuyển về nhà. Thường 9 - 10kg thảo quả tươi sau khi sấy, sẽ được 2kg thảo quả khô (tùy thuộc vào độ già, chắc của hạt thảo quả). Một mẻ sấy thường mất khoảng 3 ngày, 3 đêm liên tục. Để sấy được thảo quả, người dân ngoài việc lấy cây đổ, cây khô để làm củi thì sẽ phải chặt cây rừng. Vì vậy, việc ở lại lán rừng, sấy thảo quả của người dân cũng tiềm ẩn nguy cơ phá rừng, cháy rừng…
Thảo quả thực sự là cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững ở các bản vùng cao ven chân núi Hoàng Liên Sơn. Diện tích cây thảo quả trên dãy Hoàng Liên Sơn khá lớn, mỗi năm mang lại thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi hộ dân. Tuy nhiên, giải pháp để bảo tồn, phát triển cây thảo quả cũng là một trong những yêu cầu khó khăn với các địa phương có rừng già và rừng phòng hộ để vừa đảm bảo thu nhập cho người dân, vừa bảo vệ rừng...
Cây thảo quả đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, mua sắm tivi, xe máy, máy khâu, máy cày để phục vụ sản xuất, con cái được học hành, xây dựng được nhà ở kiên cố, khang trang. Tuy nhiên, để bà con làm giàu hơn từ cây thảo quả thì việc ổn định diện tích đang trồng, không mở thêm nương mới, người dân cần có ý thức bảo vệ rừng, hạn chế chặt phát cây nhỏ, cần bón phân, chăm sóc cây thảo quả trước và sau khi ra hoa.
Hiện tại, người dân chủ yếu trồng thảo quả dựa vào kinh nghiệm truyền miệng, vì vậy các địa phương có trồng thảo quả cần phải mở các lớp chuyển giao kỹ thuật để bà con học tập, có kiến thức, kinh nghiệm để hạn chế ảnh hưởng xấu đến diện tích rừng tự nhiên trên dãy Hoàng Liên Sơn.