| Hotline: 0983.970.780

Thận trọng với cây thảo quả

Thứ Ba 13/03/2012 , 10:20 (GMT+7)

Việc phát triển loại cây dược liệu này cần có sự tính toán kỹ lưỡng để tránh những hệ lụy xấu.

* Nguy cơ thành loài hoang dại

Người dân các tỉnh miền núi phía Bắc đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu nhờ trồng cây thảo quả. Nhưng việc phát triển loại cây dược liệu này cần có sự tính toán kỹ lưỡng để tránh những hệ lụy xấu. 

Mô hình cây thảo quả tại Hà Giang

ẨN HỌA VỚI RỪNG

Theo số liệu thống kê sơ bộ, diện tích cây thảo quả tại các tỉnh phía Bắc nước ta hiện nay khoảng 15.000 ha, tập trung tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái. Trong đó Lào Cai 7.200 ha, Hà Giang 3.000 ha, Lai Châu 2.500 ha, Yên Bái 2.000 ha… Do thích nghi với độ cao và khí hậu mát mẻ nên cây thảo được trồng dưới các tán rừng nguyên sinh. Nếu tại Lào Cai thảo quả được trồng chủ yếu trong VQG Hoàng Liên thì ở Hà Giang được bà con trồng trên sườn Tây Côn Lĩnh. Tại Lai Châu, cây thảo quả tập trung tại các xã vùng cao thuộc huyện Mường Tè. Tại Yên Bái, nơi trồng nhiều thảo quả nhất là huyện Mù Cang Chải…

Trước đây, bà con dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng… chủ yếu gieo hạt cây thảo quả dưới tán rừng rồi để cây tự mọc, đến tuổi thu hoạch quả về làm gia vị chế biến thức ăn nên năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi có thương lái Trung Quốc sang thu mua với số lượng lớn, phong trào trồng cây thảo quả bắt đầu phát triển rầm rộ. Chúng tôi có mặt tại huyện Hoàng Su Phì, một địa phương có diện tích cây thảo quả lớn nhất tỉnh Hà Giang thì được biết năm vừa rồi loại cây dược liệu này đem lại thu nhập cho người dân nơi đây hơn 8 tỉ đồng.

Phải khẳng định, không loại cây nào dễ trồng như thảo quả, bà con chỉ việc bỏ ít tiền mua giống về trồng, cộng vài ba lần phát quang cây cối xung quanh rồi đợi đến tuổi thu hoạch mà không phải đầu tư bất cứ khoản chi phí nào khác. Chính vì dễ trồng, lợi nhuận cao nên gần như toàn bộ hàng nghìn ha rừng nguyên sinh có thể trồng cây thảo quả tại huyện Hoàng Su Phì đều đã được “xí phần”.

Tới thăm mô hình trồng thảo quả nổi tiếng tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì của anh Phượng Chò Chán, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì thấy cây thảo quả lên xanh tốt, tương lai sẽ mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình anh, lo vì thấy cả một thảm thực vật trong rừng bị phát sạch để nhường chỗ cho cây thảo quả phát triển mà không biết khi nào mới phục hồi lại được?

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Nình- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang cho biết, cây thảo quả chỉ phát triển tốt khi được trồng dưới tán rừng tự nhiên, ánh sáng yếu có độ cao từ 800m trở lên. Để thảo quả năng suất cao, người dân thường phát cây cối nhỏ xung quanh tạo khoảng trống cho cây có ánh sáng nên chắc chắn tác động đến sự đa dạng sinh thái của rừng.

“Thực tế cho thấy, các khu rừng trồng thảo quả sau một thời gian không còn động vật sinh sống. Nhưng điều lo lắng nhất hiện nay là tình trạng người dân sau khi thu hoạch thảo quả đều sấy khô ngay tại rừng để dễ vận chuyển do đường sá xa xôi hiểm trở. Đây là mối nguy hiểm lớn nhất với rừng vì chỉ một sơ xuất nhỏ có thể gây ra những đám cháy khủng khiếp", ông Nình lo lắng.

Trở lại vụ cháy rừng VQG Hoàng Liên thiêu rụi gần 700 ha rừng đầu năm 2010 và vụ cháy ngay đầu tháng 3/2012 vừa qua tại xã Séo Mý Tỷ (Sa Pa - Lào Cai) chính là khu vực trồng bạt ngàn thảo quả của người dân. Nhiều người nghi nguyên nhân cháy rất có thể do người dân đốt lửa sưởi ấm khi ngủ trong rừng trồng thảo quả hoặc trong quá trình sấy khô thảo quả vô tình để lửa bùng phát.

Một cán bộ kiểm lâm VQG Hoàng Liên tâm sự, trong quá trình tuần tra nhiều lần anh bắt gặp người dân phá rừng trồng thảo quả, nhưng cũng chỉ nhắc nhở bà con chứ rất khó xử phạt. Quả đúng như vậy, trong một chuyến đi vào VQG Hoàng Liên, chúng tôi tình cờ gặp tốp thanh niên người Mông vừa đi trồng thảo quả từ rừng về. Họ cho biết, ba tháng mùa xuân là thời gian trồng thảo quả tốt nhất, đa phần họ ở lại trong rừng một tuần trồng xong diện tích rồi mới trở về nhà. Sau 4- 5 năm, cây thảo quả bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hái quả từ tháng 8- 9 âm lịch hàng năm. Sau khi thu hoạch quả tươi người dân tận dụng cây cối ngay tại rừng sấy khô mang về cho tiện, đây cũng chính là thời điểm thời tiết hanh khô dễ xảy ra cháy rừng nhất.

RỦI RO ĐẦU RA

Cây thảo quả có tên khoa học là Amomum Tsaoko thuộc họ gừng, nhiều nơi còn gọi là cây đò ho, thảo đậu khấu. Hạt thảo quả được dùng làm gia vị thức ăn, đồng thời cũng là một vị thuốc quý. Thị trường tiêu thụ thảo quả của Việt Nam gần như 100% phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện, cây thảo quả được người dân trồng theo hình thức tự phát là chính, chưa có hướng dẫn khoa học, kỹ thật cụ thể về giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nên năng suất, chất lượng thảo quả của nước ta rất thấp, chỉ vài ba tạ/ha. Đặc biệt, việc quy hoạch diện tích, sản lượng, đánh giá đầu ra với cây thảo quả gần như chưa có tỉnh nào làm. Trong khi đó, việc tiêu thụ phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc khiến giá bán loại quả này cũng lên xuống thất thường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Sau khi giá thu mua thảo quả xuống thấp, Hội Thảo quả Lào Cai sang Ấn Độ chào hàng thử song không thành công. Việc phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường “khó lường” như Trung Quốc trong quá khứ đã đem lại “quả đắng” cho không ít mặt hàng nông sản của VN như dưa hấu, sắn, khoai tây…

Chính vì vậy, xây dựng thương hiệu, đầu tư cơ sở chế biến và nhanh chóng tìm thêm thị trường tiêu thụ khác là điều sống còn với cây thảo quả của VN trong tương lai.

Bà Phan Thị Lan- Chủ tịch Hội Thảo quả tỉnh Lào Cai cho biết: Mọi năm, giá thảo quả rất cao có lúc lên tới 200.000 đ/kg quả khô, nhưng năm 2011 vừa  thương lái Trung Quốc chỉ thu mua với giá 100.000đ. Với mức giá này thì tư thương gần như không có lãi. Được biết, ban đầu người dân trồng thảo quả tự vận chuyển hàng qua sông Hồng sang bán cho thương lái bên kia biên giới. Sau một số người trong nước có khả năng tài chính đã đứng ra thu mua thảo quả của bà con tại các xã và bán lại cho các chủ thu mua lớn ở TP Lào Cai để họ XK sang Trung Quốc.

Cũng theo bà Lan, hiện ở TP Lào Cai có gần chục thương lái lớn chuyên thu mua thảo quả để XK sang Trung Quốc. Đây là một mặt hàng đem lại giá trị kinh tế tương đối lớn cho bà con nông dân và tư thương. Việc giá thảo quả đột ngột giảm theo bà Lan do bà con tham giá cao thu hoạch quả non khiến chất lượng kém đi rất nhiều.

Tuy nhiên, nhiều chủ mối thu gom thảo quả khác tại TP Lào Cai lại cho rằng, nguyên nhân giá thảo quả xuống thấp đột ngột như năm vừa qua do tư thương Trung Quốc thấy sản lượng thảo quả VN tăng đột biến nên cố tình ép giá mua rẻ bởi họ biết thảo quả bên nước ta chỉ bán được sang Trung Quốc? Lo lắng hơn cả là các chủ buôn khi được hỏi đều khẳng định, nếu thị trường Trung Quốc ngừng mua thảo quả gần như chắc chắn hàng nghìn ha thảo quả của ta sẽ trở thành cây hoang, cây dại trên rừng.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.