| Hotline: 0983.970.780

Mưa trái mùa, chưa mừng đã lo!

Thứ Hai 11/04/2011 , 08:50 (GMT+7)

Ngay khi cao điểm của mùa khô vẫn có những cơn mưa lớn giúp cho nhiều vùng sản xuất bớt “khát”. Tuy nhiên, chưa kịp mừng thì nhiều nhà vườn đã rầu rĩ vì mưa trái mùa.

Năm nay diễn biến thời tiết thất thường, ngay khi cao điểm của mùa khô vẫn có những cơn mưa lớn giúp cho nhiều vùng sản xuất bớt “khát”. Tuy nhiên, chưa kịp mừng thì nhiều nhà vườn đã rầu rĩ vì mưa trái mùa.

ĐIỀU GIẢM 60% NĂNG SUẤT

Thời điểm cây điều ra bông rộ vào khoảng đầu tháng 2 và 3, do giá hạt điều liên tục tăng cao, có lúc đạt xấp xỉ 40.000 đồng/kg khiến người dân trồng điều khấp khởi mừng. Ấy vậy mà, chỉ vì những trận mưa trái mùa đã bất ngờ ào xuống đúng thời điểm cây điều đang trổ bông, cho trái non khiến hàng loạt vườn điều bị ảnh hưởng, giảm năng suất từ 30- 60%. Thậm chí có những vườn điều còn bị thất trắng không thu hoạch được cân điều nào.

Điển hình như hộ anh Lê Quang Trường, KP4, phường Trảng Dài (TP Biên Hòa, Đồng Nai) có 2 ha điều (khoảng 400 gốc) do “dính” phải đợt mưa trái mùa khiến cả vườn điều của gia đình anh đổ bệnh héo quắt hoa và trái non. Gặp chúng tôi, anh Trường buồn bã tâm sự: “Vườn điều này, năm trước bèo lắm cũng thu được vài tấn hạt, vậy mà năm nay do đang lúc cây ra hoa kết trái thì gặp phải mấy trận mưa trái mùa ào xuống khiến cả vườn điều đổ bệnh. Gia đình tôi tốn biết bao nhiêu tiền thuốc xịt đặng làm tăng tỷ lệ đậu trái nhưng cũng không xuể nên đành phải bỏ mặc”.

Theo anh Trường, do những năm gần đây thời tiết thất thường, giá cả bấp bênh nên gia đình cũng chẳng mấy thiết tha với vườn điều. Nhất là vụ điều này đã bị thất trắng khiến anh càng chán, nay đã đốn hết phân nửa diện tích để chuyển sang ươm trồng cây khác. Tương tự, ông Phạm Công Bắc (Sáu Bắc), ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất cũng than vãn: “Năm trước đến thời điểm này gia đình tôi đã thu được hơn tấn hạt điều, còn mùa điều năm nay đã hái được phân nửa diện tích vườn nhưng mới chỉ thu được 3 tạ hạt”.

Theo nhận định của ông Bắc, do mưa lớn kéo dài cả tuần lễ lại rơi vào đúng lúc cây đang nuôi trái non khiến nấm bệnh tấn công làm trái bị khô đen hàng loạt rồi rụng. Mặc dù ông đã xịt 4 đến 5 lần thuốc nhưng cũng không cứu vãn được tình thế, có thể vụ điều này năng suất bị giảm đến 60%. Theo các nhà vườn trồng điều ở Đồng Nai, do thời tiết thất thường, nhất là bị dính mưa trái mùa khiến năng suất và chất lượng hạt điều giảm, thương lái chê ép giá thấp nhưng các hộ vẫn phải bán vì nếu để lâu khó bảo quản và chất lượng điều càng giảm mạnh.

CHÔM CHÔM… PHẬP PHỒNG

Không chỉ riêng cây điều bị thiệt hại do mưa trái mùa, các nhà vườn trồng chôm chôm ở Đồng Nai cũng đang rất lo lắng với chuyện thời tiết thất thường. Theo các chủ vườn chôm chôm, thời điểm này cây đang ra hoa, đậu trái đợt hai, nếu gặp mưa trái mùa lớn như trong tháng 3 vừa qua nữa thì coi như vụ chôm chôm tới đây thành công cốc hết.

+ “Theo Chi cục BVTV tỉnh Đồng Nai, để tăng tỷ lệ đậu trái cho cây chôm chôm, sau các đợt mưa trái mùa, người dân nên phun các loại phân bón lá có hàm lượng lân, kali, canxi cao. Đồng thời, bà con nên vệ sinh sạch sẽ vườn cây và đào mương thoát nước, tạo sự thông thoáng giúp cây ít sâu bệnh thì khả năng nuôi trái sẽ tốt hơn”.

+ “Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 12 ngàn ha chôm chôm, trong đó chủ yếu là các giống chôm chôm nhãn và chôm chôm Thái, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 120 ngàn tấn trái. Tình trạng nhiều diện tích chôm chôm không trổ bông sẽ làm giảm năng suất, ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng thu hoạch cho các nhà vườn”.

Ông Ba Buôn, ấp 6, xã Xuân Nhạn, huyện Cẩm Mỹ lo lắng: “Chắc chắn năng suất chôm chôm năm nay sẽ giảm 40-50% so với năm trước vì “dính” 2 đợt cây ra bông đều gặp phải mưa trái mùa lớn làm cây bung đọt nhiều hơn hoa, tỷ lệ đậu trái rất thấp”. Theo tính toán của ông Ba Buôn, giá cả vật tư đầu vào, công thợ đang leo thang, vốn chăm sóc cho cây chôm chôm tăng hơn 10 triệu đồng/ha so với vụ trước. Do vậy, người nông dân chỉ còn trông vào giá chôm chôm tăng cao mới có lời.

Còn theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Thanh Phước, chủ vườn chôm chôm ở ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom: Vào trung tuần tháng 3, lúc cây chôm chôm đang chuẩn bị ra lứa hoa đầu đã phải “đón” mấy trận mưa lớn làm cây ngưng ra hoa, bung đọt hàng loạt, khiến nhiều nhà vườn mất đợt chôm chôm thu hoạch sớm vào dịp 30/4. Khi cây chôm chôm ra hoa đợt hai thì lại gặp tiếp 2 cơn mưa lớn khiến khả năng đậu trái giảm khá nhiều. Do vậy, để cứu vãn tình thế, nông dân phải phun thuốc giữ hoa kích thích đậu trái giảm một phần rủi ro. Tuy nhiên, phần lớn nông dân trồng chôm chôm đều đang phập phồng lo lắng vì nếu lại “dính” mưa xuống nữa trái sẽ hư hàng loạt, khó cứu nổi.

Nhiều nhà vườn ở các vùng trồng chôm chôm lớn thuộc xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất), xã Xuân Tân (TX Long Khánh), xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc) cũng đều than vãn, chỉ sau vài đợt mưa trái mùa khoảng giữa và cuối tháng 3 vừa qua đã khiến mỗi ha chôm chôm phải tốn thêm 3 - 5 triệu đồng tiền thuốc BVTV, phân bón lá và thuê thợ phun xịt cho chôm chôm nhằm hạn chế sâu bệnh và tăng tỷ lệ đậu trái. Đa số những trường hợp có nguy cơ thất mùa chôm chôm là do chủ vườn ham xiết nước sớm (khi vừa dứt mưa, xiết nước liền) nhằm tạo cho cây tức ra bông nhiều và sẽ cho thu hoạch sớm. Tuy nhiên, khi bất ngờ gặp mưa trái mùa khiến cây chôm chôm ra đọt non chứ không ra bông.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm