Lượng mưa dưới mức trung bình, ngay cả trong mùa mưa, đã ảnh hưởng đến Amazon và phần lớn Nam Mỹ kể từ năm 2023, cũng như gây ra những vụ cháy rừng tồi tệ nhất ở Brazil và Bolivia trong hơn một thập kỷ. Các nhà nghiên cứu cho biết biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính.
Năm ngoái, hạn hán đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khi người dân sống phụ thuộc vào các con sông bị mắc kẹt mà không có thức ăn, nước uống hay thuốc men. Năm nay, tại bang Amazonas bị ảnh hưởng nặng nề, ít nhất 62 thành phố đang trong tình trạng khẩn cấp với hơn nửa triệu người bị ảnh hưởng, theo lực lượng phòng vệ dân sự của bang.
"Đây là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong hơn 120 năm qua tại cảng Manaus", Valmir Mendonca, người quản lý hoạt động của cảng, cho biết mực nước sông có thể sẽ tiếp tục giảm trong 1- 2 tuần nữa. Với việc khu vực này không thể phục hồi hoàn toàn do mưa theo mùa thấp hơn bình thường, tình trạng hạn hán như năm 2023 có thể tái diễn hoặc lập đỉnh mới.
Mực nước sông Rio Negro đo được ở cảng Manaus hôm 4/10 là 12,66m, vượt mức thấp kỷ lục được ghi nhận vào năm ngoái và vẫn đang giảm mạnh. Rio Negro là một nhánh chính của sông Amazon, con sông lớn nhất thế giới.
Các hoạt động vận chuyển ngũ cốc đã phải tạm dừng trên sông Madeira, một nhánh khác của Amazon, vì mực nước thấp, một hiệp hội cảng cho biết vào tháng trước. Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện xác của cá heo sông nước ngọt Amazon, điều mà họ cho là do nước nông khiến loài vật này có nguy cơ bị đe dọa cao hơn.
Cơ quan giám sát thảm họa quốc gia Cemaden đã gọi đợt hạn hán này là sự kiện tồi tệ nhất của Brazil kể từ những năm 1950.
Hạn hán cũng đã làm giảm công suất các nhà máy thủy điện, nguồn điện chính của Brazil. Các cơ quan năng lượng đã chấp thuận đưa thời gian tiết kiệm ánh sáng ban ngày trở lại để tiết kiệm điện, mặc dù biện pháp này vẫn cần sự chấp thuận của tổng thống.
Thời tiết khắc nghiệt và khô hạn đang ảnh hưởng đến nhiều nơi ở Nam Mỹ, trong đó sông Paraguay cũng ở mức thấp nhất mọi thời đại. Sông này bắt nguồn từ Brazil và chảy qua Paraguay và Argentina đến Đại Tây Dương.
Nhiệt độ cực cao và khô hạn cũng đang góp phần gây ra các đám cháy dữ dội ở Amazon và Pantanal lân cận, vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu từ cơ quan nghiên cứu không gian của Brazil, Bolivia cũng đang trên đà phá kỷ lục về số vụ cháy lớn nhất từng được ghi nhận.