“Muôn vị nhân gian” đề cao nghệ thuật ẩm thực, dĩ nhiên phải hết sức chú trọng những động tác bếp núc như thái, băm, khuấy, đảo, nghiền, giã, lột, bóc... Có đến trên 20 phút đầu trong "Muôn vị nhân gian", những công việc này được miêu tả trên màn ảnh kỹ càng, chọn lọc, vừa thực vừa uyển chuyển như những điệu múa.
Càng ngạc nhiên hơn khi cặp diễn viên lừng danh Juliete Binoche và Benoit Magimel chịu để đạo diễn Trần Anh Hùng "hành hạ" trong không khí mắm muối, củi lửa, với những công việc có vẻ tầm thường như vậy. Hẳn cả hai đã đọc kỹ tiểu thuyết cùng kịch bản để thẩm lậu được hết những gì tác phẩm văn chương và bộ phim muốn đạt tới.
Trộm nghĩ như cung cách làm phim lâu nay ở xứ mình, diễn viên không thèm ngó mắt tới kịch bản văn học hoặc đọc lớt phớt qua loa, chỉ ngong ngóng chờ đớp lấy lời nhắc thoại của nhân vật, hẳn 20 phút đầu của "Muôn vị nhân gian" sẽ tầm thường, nhàm chán đến đâu!
"Muôn vị nhân gian" thuộc loại phim tinh tế, khó làm và rất kén khách, kiểu như phim Mỹ "Người đọc sách". Xưa nay vẫn tồn tại quan niệm, đã là văn chương tinh xảo, thứ thiệt thì việc chuyển thể là vô vọng. Chỉ có chữ nghĩa mới lách nổi vào ngóc ngách tâm lý, những gì tế vi nhất của con người, còn ngôn ngữ hình thì bất lực. Phim Mỹ "Người đọc sách" cũng như “Muôn vị nhân gian" đã phá bỏ định kiến này.
Văn chương Pháp nói chung, điện ảnh Pháp nói riêng vẫn nổi trội bởi chiều sâu tâm lý nhân vật, lạng lách, bóc tách, chạm vào được vào những thớ mạch tinh vi, ẩn khuất nhất trong đời sống tình cảm, tâm lý của con người.
Với "Muôn vị nhân gian", một câu chuyện tình rất lạ, vừa phức tạp, vừa trong vắt trong veo đến khó tin giữa một người đàn ông và một người đàn bà đã luống tuổi đặt trên nền của dao thớt, mắm muối, củi lửa mà vẫn khớp khao, hợp lý, nhuần nhuyễn.
Chàng phấn đấu để có được những món ăn tựa như làm đẹp lòng vua chúa. Nhưng vẫn phải để Nàng nếm thử và định lượng trước tiên. Ấy vậy, nhưng khi Nàng hỏi, Chàng thích coi Nàng là người vợ hay đầu bếp, không suy nghĩ chàng trả lời: Đầu bếp!
Sách văn chương nguyên gốc, tôi chưa được đọc. Xem “Muôn vị nhân gian”, bỗng giật mình với một phát hiện: Thì ra đề tài, chất liệu đâu phải chỉ là những gì gay gắt, dữ dằn, quyết liệt; là sự tương phản hoặc đối chọi tóe lửa giữa Thiện và Ác, giữa Ta và Địch, giữa các đối cực hoặc những gì cần phanh phui, vạch mặt chỉ tên làm thỏa mãn cơn cuồng sung của số đông (đấu tố, huynh đệ tương tàn, trèo đầu cưỡi cổ dân lành..)
Một đề tài dung dị, những chất liệu tưởng như quen thuộc vẫn có thể làm hé lộ những gì thuộc thân phận con người, những giá trị nhân văn và nhân bản cao đẹp.
Một lần, nhân vật nam chính mời cô bé Paulin (được tiếng là có năng khiếu thẩm định các món ăn) nếm thứ một món ông vừa nấu xong. Hỏi, có ngon không, cô bé lắc đầu. Nhân vật nam chính nói với cô bé, đại ý: “Muốn biết ngon hay không còn cần tới sự hiểu biết và văn hóa”. Một tác phẩm điện ảnh cũng cần kỹ năng thưởng thức như vậy!
Tôi xem “Muôn vị nhân gian” ở rạp BHD trên đường 3-2, TP.HCM vào tuổi 10h15 xế trưa, ngày đầu tuần 25/3. Ngó xuôi, ngó ngược cả rạp vẫn nhõn chỉ có hai vợ chồng già. Tan buổi chiếu, ra hỏi cháu gái bán vé, được biết buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần đông người xem hơn…
Chả sao cả! Mỗi người có sở thích riêng, gu thẩm mỹ riêng, lời khen riêng và tiếng chê riêng. Huống hồ, ngay trên thế giới cũng đang có ý kiến kiểu phim như “Muôn vị nhân gian” hiện đã xa đàn...
Riêng tôi vẫn thích, đánh giá cao thứ cinema kinh điển như “Muôn vị nhân gian”.