| Hotline: 0983.970.780

Muốn xuất khẩu bền vững sang EU cần quan tâm đến môi trường, lao động

Thứ Tư 20/09/2023 , 16:01 (GMT+7)

EU chú trọng tới biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững, bảo tồn sinh vật biển, theo Phó Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên chia sẻ tại Tọa đàm 'Chuyển đổi xanh - Yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp xuất khẩu sang EU do Tạp chí Công thương tổ chức.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên chia sẻ tại Tọa đàm 'Chuyển đổi xanh - Yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp xuất khẩu sang EU do Tạp chí Công thương tổ chức.

Đảm bảo phát triển bền vững

Sau 3 năm triển khai EVFTA, thương mại giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng tích cực. Với cơ cấu hàng hóa bổ sung lẫn nhau, lợi thế từ thực thi EVFTA đã giúp trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu Việt Nam sang EU nói riêng tăng trưởng ấn tượng.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 đến 3 con số như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản… Đặc biệt, tỷ lệ tận dụng C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa được cấp bởi nước xuất khẩu nhằm xác nhận mặt hàng tuân thủ các quy định về xuất xứ) ưu đãi liên tục tăng.

Tuy nhiên, từ năm thứ 3 trong lộ trình thực thi EVFTA, những lợi thế và kết quả này đã phần nào bị ảnh hưởng bởi EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn cao, gia tăng các yêu cầu về chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững… Mới nhất là Quy định không phá rừng (EUDR).

Với một loạt các “tiêu chuẩn xanh” này, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho rằng, EVFTA thực chất là một hiệp định thiên nhiều về phát triển bền vững. EVFTA dành hẳn một chương nói về phát triển bền vững. "Doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang EU một cách bền vững cần hết sức quan tâm đến điều này", ông nói.

Trong phát triển vững, EVFTA chia thành hai vấn đề liên quan đến môi trường, lao động. Về môi trường, hiệp định đề cập đến 4 khía cạnh chính: Biến đổi khí hậu; Đa dạng sinh học; Quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản; Quản lý phát triển, bảo tồn các sinh vật biển và nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Khanh, trong từng khía cạnh, EVFTA cũng chỉ rõ các nhiệm vụ, nghĩa vụ phải làm với nhà xuất khẩu. Chẳng hạn, xét về biến đổi khí hậu, bản chất theo EVFTA là hai bên sẽ phối hợp với nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình liên quan đến cơ chế về định giá các bon, giảm phát thải các bon.

Trên cơ sở đó, doanh nghiệp cần phải chú ý trong quá trình lựa chọn nguyên liệu làm sao đảm bảo được quy trình sản xuất của mình, thân thiện môi trường, hạn chế tối đa sử dụng các nguồn nguyên liệu hóa thạch, gây hại môi trường. Nói một cách khác, là nhà sản xuất phải "xanh hóa quá trình sản xuất".

Đối với đa dạng sinh học, Việt Nam và EU cần hợp tác để chống các hành động, hoạt động sản xuất ảnh hưởng đến bảo tồn sinh học; đặc biệt là ngăn chặn và hạn chế tối đa các hoạt động mua bán, trao đổi động thực vật trái phép.

Sau 3 năm thực thi EVFTA, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất.

Sau 3 năm thực thi EVFTA, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất.

Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh khía cạnh phối hợp trong quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản. Cùng với các chính sách liên quan, như EUDR, EU và Việt Nam sẽ phối hợp để bảo tồn, phát triển rừng bền vững theo hướng hạn chế cũng như ngăn chặn các sản phẩm sử dụng nguồn gốc gỗ không hợp pháp.

"Doanh nghiệp chúng ta cần hết sức chú ý trong quá trình sản xuất, đặc biệt khi nhập khẩu gỗ phải có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp thì sản phẩm của chúng ta mới được công nhận tại thị trường EU", ông Khanh cho biết.

Liên quan đến đa dạng sinh học và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển, nuôi trồng thủy sản, ông Khanh khuyến cáo doanh nghiệp trong quá trình nuôi trồng thủy sản cần đảm bảo các thủ tục, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo đúng yêu cầu của EU để đảm bảo được chứng nhận sang thị trường bạn. Đồng thời, tuyệt đối không tham gia hay không mua bán các sản phẩm có nguồn gốc từ khai thác thủy sản trái phép, sử dụng các nguồn, công cụ gây thiệt hại cho đến nguồn sinh vật biển.

Về vấn đề lao động, ông Ngô Chung Khanh chia sẻ, Việt Nam đã thành lập nhóm tư vấn trong nước gồm đại diện của các tổ chức độc lập về lao động, về môi trường để tham mưu cho Chính phủ hai bên theo dõi cũng như đánh giá quá trình thực thi Chương Phát triển bền vững.

Các nội dung được đề cập, bao gồm việc đảm bảo môi trường lao động, không sử dụng lao động là đối tượng vị thành niên, cũng như chứng minh được các chế độ, phúc lợi liên quan cho người lao động.

Một số doanh nghiệp, trong đó có ngành chế biến gỗ, cần thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của EU.

Một số doanh nghiệp, trong đó có ngành chế biến gỗ, cần thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của EU.

Nhà nhập khẩu chịu nhiều ảnh hưởng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, Vụ Chính sách thương mại đa biên nhận định, EVFTA cùng các đạo luật mới do EU ban hành sẽ không hoặc ít ảnh hưởng tới các nhà xuất khẩu, mà chủ yếu đánh vào các nhà nhập khẩu, tức là chính đánh vào các chủ thể của EU và các chủ thể EU sẽ phải có trách nhiệm quản lý chuỗi cung ứng của mình để làm sao đảm bảo được yêu cầu do EU đặt ra.

Do đó đầu tiên chúng ta cần chú ý nhiều quy định của EU không phải đánh trực tiếp cho xuất khẩu mà đánh trực tiếp vào nhà nhập khẩu của EU, tức là các chủ thể của EU. Điều này thể hiện rõ trong các quy định của EUDR, khi nhiệm vụ thẩm định báo cáo cho sản phẩm phân phối, cung ứng tại EU đều thuộc các nhà nhập khẩu.

Điều này không hề "giảm áp lực" cho doanh nghiệp trong nước, theo ông Khanh. Bởi xu hướng chung của người tiêu dùng là ngày càng quan tâm đến quy trình làm ra sản phẩm có ảnh hưởng đến môi trường hay không, có bền vững hay không và kể cả cách hành xử người lao động.

Khẳng định phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bắt buộc, ông Khanh kêu gọi doanh nghiệp trong nước nâng cao giá trị sản xuất, từ đó xây dựng các thương hiệu của người Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường châu Âu.

"Việc xây dựng thương hiệu là rất khó nhưng không phải không làm được. Nếu chúng ta quan tâm đến phát triển bền vững, chúng ta sẽ định hình và xây dựng dần giá trị thương hiệu. Doanh thu, lợi nhuận từ đó cũng tăng theo", ông Khanh bày tỏ.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.