Thích ứng nhanh sẽ có lợi thế
Một trong những mục tiêu của Quy định không phá rừng của liên minh châu Âu (EUDR), theo Tổng vụ Môi trường Ủy ban châu Âu, là tăng nhu cầu và mua bán các mặt hàng, sản phẩm hợp pháp và “không gây mất rừng”.
Trên cơ sở khuyến khích các nước đối tác tăng cường bảo vệ rừng thông qua các chương trình hợp tác và các đề xuất khích lệ thị trường trong Quy định này, EU tin tưởng sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho nhóm nông dân bền vững trên toàn cầu.
“Thông qua EUDR, chúng tôi mong muốn giảm mức đóng góp của EU vào nạn phá rừng toàn cầu ít nhất 32 triệu tấn các bon mỗi năm”, đại diện Tổng vụ môi trường châu Âu nói.
Bảy nhóm sản phẩm được lựa chọn để triển khai, gồm dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, cao su và một số sản phẩm có nguồn gốc từ đó. Danh sách những sản phẩm, có liên quan sẽ tiếp tục được EU cập nhật 2 năm/lần.
EUDR yêu cầu các nhà nhập khẩu và đối tác trong chuỗi cung ứng phải chứng minh sản phẩm của họ không liên quan đến phá rừng hay suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020.
Hai nội dung chính được EUDR đưa ra, là “thẩm định bắt buộc” và “hệ thống đối sánh”.
Cụ thể, thẩm định bắt buộc là yêu cầu dành cho tất cả các doanh nghiệp đưa hàng hóa liên quan vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ EU. Trong đó, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng phải thiết lập và vận hành hệ thống thẩm định nhằm đảm bảo chỉ những sản phẩm không gây hay liên quan mất rừng và hợp pháp mới được phép nhập khẩu vào hoặc xuất khẩu từ EU.
Dựa trên các định nghĩa về mất, suy thoái rừng được các tổ chức quốc tế như FAO, IPCC… thừa nhận, hệ thống này sẽ được xem xét và cập nhật 1 năm/lần và lưu trữ trong 5 năm. Đến ngày 30/12/2024, Ủy ban châu Âu sẽ xây dựng và vận hành hệ thống thông tin quản lý theo dõi, bao gồm cập nhật các công bố thẩm định.
EUDR cũng nhấn mạnh, rằng các nghĩa vụ chính được áp dụng cho các nhà vận hành, doanh nghiệp và thương nhân không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nghiêm ngặt đến từng lô đất sản xuất, dựa trên tọa độ GPS.
Nội dung quan trọng còn lại của EUDR là hệ thống đối sánh. Đây giống như một bảng phân loại, xếp hạng rủi ro cho các quốc gia hoặc khu vực theo mức độ rủi ro về mất rừng.
Với những nhà vận hành, doanh nghiệp sản xuất ở khu vực có mức độ rủi ro thấp về mất rừng, quy trình thẩm định sẽ đơn giản hơn. Theo Tổng vụ Môi trường châu Âu, nhóm này chỉ cần thu thập thông tin nhưng không cần đánh giá và thực hiện nghĩa vụ giảm thiểu rủi ro.
Về mức độ kiểm tra tối thiểu, EUDR đưa ra các mốc 9%, 3% và 1%. Châu Âu có thể kiểm tra số doanh nghiệp đưa hàng hóa, sản phẩm, hoặc số lượng sản phẩm từ các nước sản xuất vào EU hoặc xuất khẩu từ EU, tùy thuộc mức độ rủi ro cao, tiêu chuẩn hay thấp.
“Việc kiểm tra này có thể không báo trước”, đại diện Tổng vụ Môi trường châu Âu nhấn mạnh.
EU cho biết đã lên kế hoạch về việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng và triển khai một chương trình hợp tác mới, nhằm hỗ trợ ngành lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027.
Với vốn ODA không hoàn lại, dự kiến trị giá 20 triệu USD, chương trình đặt mục tiêu góp phần giảm hoặc ngăn chặn nạn phá rừng và chống suy thoái rừng thông qua tăng cường bảo tồn, phục hồi và quản lý rừng bền vững, thúc đẩy chuỗi giá trị bền vững với môi trường. Đây cũng là một giải pháp hỗ trợ các quốc gia đáp ứng với EUDR.
Bốn yêu cầu cấp thiết với cà phê Đắk Nông
Trong 7 nhóm sản phẩm chịu điều chỉnh của EUDR, ngành hàng cà phê được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm bậc nhất. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ nhì thế giới, đặc biệt 60% sản lượng xuất khẩu là tới EU.
Cây cà phê có ý nghĩa cực kỳ quan trọng tại tỉnh Đắk Nông, địa phương chiếm khoảng 20% tổng sản lượng cà phê cả nước, chỉ sau Đắk Lắk và Lâm Đồng. Toàn tỉnh có trên 130 chủng loại cây trồng, vật nuôi khác nhau; trong đó, đã xác định được 4 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh là cà phê 140.000ha, hồ tiêu 35.000ha, cao su 24.000ha và điều 17.000ha.
Không những chiếm hơn 1/5 diện tích đất tự nhiên, hơn một nửa diện tích cây công nghiệp lâu năm, cà phê còn là sinh kế của khoảng 70.000 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Cái khó của cà phê Đắk Nông, theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT, là đến nay tỉnh chưa có cơ sở dữ liệu về vườn cây, truy xuất nguồn gốc, phân lập vùng trồng. Tỷ lệ diện tích cây trồng được chứng nhận các tiêu chuẩn, liên kết còn thấp. Quy mô sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông còn nhỏ lẻ, nên càng dễ bị tác động bởi EUDR.
“Chỉ riêng ngành hàng cà phê, chúng tôi ước tính có khoảng 7.000 hộ trên địa bàn Đắk Nông bị tác động”, ông bày tỏ.
Cũng theo vị Giám đốc Sở NN-PTNT, ngành nông nghiệp có nhiều việc cần triển khai ngay, mang tính chất lâu dài và trên cơ sở tự nguyện.
Đánh giá về tác động của EUDR đối với ngành hàng cà phê, ông Phạm Tuấn Anh, cho biết, ngoại trừ yêu cầu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thì EUDR có 4 nhóm yêu cầu chính đối với địa phương và người sản xuất.
Thứ nhất, phải có dữ liệu về tọa độ (GPS) và ranh giới (polygon) cho từng lô, vườn cà phê. Thứ hai, thiết lập hệ thống thông tin dữ liệu của lô, vườn cà phê để làm cơ sở truy xuất nguồn gốc sản phẩm kết hợp với hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng. Thứ ba, thiết lập hệ thống giám sát báo cáo và phản hồi thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và việc bảo vệ rừng có liên quan đến sản xuất cà phê và khai thác gỗ. Thứ tư, có cơ chế báo cáo, thông tin và phản hồi khi có yêu cầu từ nước nhập khẩu.
Triển khai thực hiện EUDR được người đứng đầu Sở NN-PTNT coi là cơ hội mới cho nông nghiệp của Đắk Nông. Đó là cơ hội để Đắk Nông tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị sản phẩm có truy xuất nguồn gốc hợp pháp và bền vững với môi trường. Đồng thời, góp phần bảo vệ rừng, không gây suy thoái rừng và mang lại cơ hội để nâng tầm giá trị nông sản của tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp, HTX.
"Thực hiện EUDR là khó, thậm chí rất khó. Nhưng nếu không thực hiện còn EUDR còn khó hơn bởi chúng ta sẽ tự đánh trượt mình khỏi chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Do đó, các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân tỉnh Đắk Nông phải cùng tìm hiểu, thực thi quy định này", ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, EUDR thể hiện rõ nét sự biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Thừa nhận một số thách thức, nhưng tư lệnh ngành nông nghiệp coi đây là cơ hội để toàn ngành tái cơ cấu cấu trúc.
Để thực hiện một cách hiệu quả, bền vững, đáp ứng các quy định của EUDR, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi sự đồng lòng, vào cuộc của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để kích hoạt quan hệ hợp tác công - tư, trở thành cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với người nông dân và địa phương.