Trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hiện nay, có một số vấn đề cơ bản được các doanh nghiệp, hiệp hội nêu ra như chất lượng, tiêu chuẩn của hàng hóa, khó khăn trong việc thanh toán ngoại tệ do chênh lệch tỷ giá hay hạn chế trong thời gian, năng lực thông quan ở khu vực cửa khẩu.
Định vị lại
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng các đại diện của Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị của Bộ NN-PTNT chiều 9/3, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã đưa ra các ý kiến, đóng góp để có thể chuyển đổi phương thức xuất khẩu nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
Trong đó, đa số ý kiến cho rằng cần có sự thay đổi trong tư duy và định vị lại thị trường Trung Quốc với các mặt hàng nông sản. Cụ thể, cần xem Trung Quốc là thị trường lớn, có những yêu cầu nghiêm ngặt với các sản phẩm và đẩy mạnh xuất nhập khẩu chính ngạch.
Nhất trí với ý kiến này, ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) cho biết, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh thương mại chính ngạch gắn với các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc đã nâng từ cơ bản lên chất lượng và tiến tới an toàn, lành mạnh. Do đó, các tiêu chuẩn áp dụng lên sản phẩm cũng tăng theo, không chỉ với hàng nhập khẩu mà ngay cả các nông sản do Trung Quốc sản xuất. Điều này xuất phát từ nhu cầu nội tại của Trung Quốc chứ không phải nhằm vào thị trường cụ thể nào”, ông Bình cho biết thêm.
Mặc dù vậy, thực tế hiện nay cho thấy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc đang đa phần là tiểu ngạch, các thương nhân phía bạn trực tiếp xuống vùng nguyên liệu để đàm phán và giao dịch. Đây là phương thức giao dịch đã tồn tại nhiều năm, gắn với lợi ích của nhiều bên.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho rằng việc chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đồng thuận với ý kiến này, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao nói chuyển đổi sang chính ngạch cần làm càng sớm càng tốt nhưng với phương thức tiểu ngạch đang tồn tại hiện nay cần có phương án duy trì hợp lý và giảm dần theo từng giai đoạn.
Đi từ chất lượng
Hiện nay, khó khăn trong quản lý sản xuất và kiểm soát chất lượng đang tồn tại ở nhiều nơi. Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, địa phương đã muốn chuẩn hóa vùng nguyên liệu từ năm 2015 nhưng khó thực hiện được do hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân không thành công.
Trong khi đó, ở Bình Thuận, với mặt hàng thanh long các doanh nghiệp không thể hợp tác với nông dân, HTX do biên độ giá lớn nên không kiểm soát được nguồn hàng, hợp đồng không có tác dụng.
Là doanh nghiệp có quy mô trong xuất nhập khẩu nông sản, ông Đinh Cao Khuê cho rằng vấn đề mấu chốt để chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch là phải đảm bảo được quy trình sản xuất và tiêu chuẩn của sản phẩm.
Trong khi đó, ông Ngô Quốc Khang, Giám đốc Công ty TNHH Smart King, đơn vị có nhiều năm làm việc, kinh doanh với các đối tác Trung Quốc cho rằng cần có những phương án để định vị lại thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường này.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần đưa thêm hàm lượng công nghệ vào khâu chế biến nông sản, có thể dài hạn hoặc theo mùa, tùy theo từng địa phương.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Phạm Văn Tấn nói trong thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức lại sản xuất để có được các sản phẩm an toàn, đi vào xuất khẩu chính ngạch theo yêu cầu của các thị trường.
Còn với Long An, bà Đinh Thị Phương Khanh đề xuất về việc xây dựng những mô hình điểm về sản xuất với quy trình và chất lượng đảm bảo, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều người có thể học theo, làm theo, nâng cao chất lượng chung cho toàn vùng.
Linh hoạt và thực chất hơn
Ngoài nâng cao chất lượng, các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp, ngoài tự vận động còn cần đến sự hỗ trợ đến từ Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành liên quan.
Trước hết, về mặt thông tin, các doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, cùng với các Bộ, ngành và các hiệp hội để thu thập được nhiều thông tin hơn về các khách hàng lớn, sâu trong nội địa Trung Quốc.
Từ đó, các doanh nghiệp sẽ thay đổi, tiếp cận một cách linh hoạt hơn, có thể đi sâu vào các sản phẩm chuyên biệt nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao chứ không hẳn lúc nào cũng là toàn bộ thị trường.
Ông Ngô Quốc Khang, Giám đốc Công ty TNHH Smart King nói: “Chúng ta có thể nghiên cứu sản phẩm theo từng vùng khẩu vị của Trung Quốc, bám sát thời vụ các sản phẩm nước này có khả năng tự sản xuất để thay đổi cơ cấu. Ngoài ra, có thể tìm tòi các sản phẩm được Trung Quốc đánh giá cao mà chúng ta ít sử dụng, ví dụ như quả sung khô”.
Cũng theo ông Khang, để có thể hoạt động hiệu quả, có thể thành lập một hiệp hội lớn chung cho thị trường Trung Quốc, trong đó có đại diện của nhiều hiệp hội nhỏ để cùng nhau điều phối, định hướng sản xuất.
Liên quan vấn đề này, ông Đinh Cao Khuê cho rằng, Bộ NN-PTNT có thể phối hợp với Bộ Nội vụ để củng cố hoạt động của các hiệp hội, làm thế nào để nâng cao hiệu quả và hỗ trợ các doanh nghiệp một cách thực chất hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam là Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) kiến nghị cần đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại cho thị trường Trung Quốc, với sự tham gia của tất cả các đơn vị.
Liên quan vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) Phạm Thanh Bình cho rằng: “Chúng ta có thể tham gia thêm vào các hội chợ để kết nối doanh nghiệp 2 nước. Trước mắt có thể tập trung vào các tỉnh giáp biên giới của Trung Quốc rồi từ đó mở rộng thị trường vào nội địa”.
Về hạ tầng, ông Nông Ngọc Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Cánh đồng vàng, người có nhiều năm kinh nghiệm giao thương với bạn hàng Trung Quốc kiến nghị thành lập khu chế biến, giới thiệu sản phẩm ở sát biên giới để đối tác có thể tham quan, đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể giúp sản xuất bài bản hơn.
Còn ông Nguyễn Hoài Nam nêu ý kiến mở rộng các hệ thống kho như kho lạnh, kho khô, kho đông… với sự tham gia của doanh nghiệp và nhà nước, trong đó nhà nước sẽ hỗ trợ về cơ chế chính sách.
Thế nào là tiểu ngạch, chính ngạch?
Xuất nhập khẩu tiểu ngạch là một trong những hình thức trao đổi, buôn bán hàng hóa giữa người dân sinh sống ở gần biên giới giữa hai nước có đường biên giới liền kề nhau tại các vùng cửa khẩu ở một số tỉnh giáp biên với các nước láng giềng, điển hình như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai…
Đây là một trong những hình thức mua, bán hàng hóa, kinh doanh được nhiều thương lái lựa chọn hiện nay vì thủ tục đơn giản, dễ dàng, chi phí vận chuyển thấp, chỉ cần một tờ khai tiểu ngạch, chịu phí biên mậu là có thể xuất được hàng, không cần hóa đơn, chứng từ thanh toán, hợp đồng ngoại thương như qua đường chính ngạch..., đặc biệt tận dụng chính sách thương mại biên mậu ưu đãi miễn thuế 8.000 tệ/người/ngày cho cư dân biên giới.
Trong khi đó, xuất khẩu chính ngạch là một hình thức buôn bán mang tính quốc tế cao, được nhiều thương lái, doanh nghiệp lựa chọn để giao dịch và thông thương với các nước có đường biên giới sát Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia…
Buôn bán chính ngạch là việc các công ty, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của Việt Nam ký những những hợp đồng kinh tế với các đối tác nước ngoài theo Hiệp định đã được ký kết (hoặc cam kết) giữa các quốc gia với nhau, hoặc giữa quốc gia với các khu vực, tổ chức, hiệp hội kinh tế trên thế giới theo thông lệ quốc tế.