Chiều 9/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì buổi làm việc với các đơn vị của Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Bộ NN-PTNT cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về khả năng chuyển đổi xuất khẩu nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc.
Cần khơi thông về tư duy
Tại buổi làm việc, sau khi lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương về khó khăn, giải pháp để có thể chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, muốn làm được thì điều cần thiết hiện nay là sự sẵn sàng và sẵn lòng của tất cả các bên.
“Đây là vấn đề lâu dài, khó, tồn tại đã nhiều năm nhưng nếu chúng ta không bắt đầu, không có lộ trình thì sẽ mãi không đến đích. Do đó, cần xây dựng lộ trình, thang đo, định vị được thị trường Trung Quốc và đưa ra được trách nhiệm của các bên”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT khẳng định.
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, cần khơi thông về tư duy đối với thị trường Trung Quốc, tránh tình trạng chập chờn, dễ dãi dẫn đến việc sản xuất thả nổi, mùa vụ…
Muốn hiểu rõ được thị trường, ngoài Bộ NN-PTNT, ông Lê Minh Hoan cho rằng cần có sự phối hợp giữa Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và trên hết là sự vào cuộc thực chất, hiệu quả từ các hiệp hội ngành hàng, tăng cường sự liên kết để nâng cao hiệu quả trong kinh doanh và xúc tiến thương mại.
“Chúng ta phải lựa chọn đúng, định vị đúng thì mới đưa ra được những giải pháp đúng”, ông nói.
Các giải pháp mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra là tổ chức sản xuất, tổ chức thị trường và tổ chức các doanh nghiệp, hiệp hội làm sao để đưa ra các được các chính sách, quy hoạch phù hợp, thích ứng chủ động với sự thay đổi của thị trường Trung Quốc.
“Tư duy của Bộ NN-PTNT là tư duy mở nên sẽ có nhiều các diễn đàn để lắng nghe, gắn liền điều hành chiến lược với diễn biến của thị trường”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định và cho rằng doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý cần kết nối mạnh hơn để thông tin được thông suốt, hiệu quả.
Một vấn đề nữa cũng được Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý đó là cần có sự quyết tâm cao của tất cả các bên để có thể đi đến đích. Theo đó, thành công hay không không chỉ là nỗ lực của các Bộ ngành liên quan mà còn phụ thuộc vào sự sẵn lòng tham gia và đồng thuận của doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng trong tổ chức lại sản xuất và cách tiếp cận mới đối với thị trường Trung Quốc.
Địa phương cần chủ động hơn
Tham gia thảo luận tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho rằng, bên cạnh nỗ lực của các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp thì các địa phương cũng cần có sự chủ động.
Theo ông Hải, việc xác định chính ngạch hay không, không chỉ nằm ở phương thức giao hàng mà còn là phương thức sản xuất và phương thức bán hàng.
“Ở khâu bán hàng, có thể nhìn thấy bài học của các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La, đó là sự tham gia quyết liệt của lãnh đạo địa phương. Đây là điều mà các tỉnh Tây Nguyên và ĐBSCL có thể học tập”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đề xuất.
Ông ví dụ, các địa phương có thể tổ chức hội nghị kết nối, mời các doanh nghiệp tiêu thụ lớn, có cách làm bài bản với thị trường Trung Quốc nhưng chưa tiếp cận được. Bên cạnh đó, thông qua các Bộ để mời các đầu mối tiêu thụ lớn của Trung Quốc cùng tham gia, mở rộng thị trường sâu vào nội địa Trung Quốc.
Nếu địa phương chưa có kinh nghiệm thì có thể nhờ đến sự hỗ trợ của các Bộ như Công thương hay NN-PTNT, mời các lãnh đạo Bộ chủ trì hội nghị để giải quyết các vấn đề trước mắt.
Về phía địa phương, đại diện Sở NN-PTNT Long An đồng thuận với ý kiến của ông Trần Thanh Hải và bày tỏ mong muốn Bộ NN-PTNT giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ lẻ, chưa có kinh nghiệm, khả năng để tổ chức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Trong khi đó, tỉnh Bình Thuận đang gặp vấn đề trong sản xuất, kinh doanh thanh long thì mong muốn được hỗ trợ để tính toán lại diện tích sản xuất, cắt giảm các khu vực không đủ điều kiện hoặc sản xuất không hiệu quả.
Về vấn đề này, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng các nông sản miền Bắc mang tính khu trú theo địa phương và mùa vụ nên có thuận lợi nhất định.
Trong khi đó, ở Tây Nguyên hay ĐBSCL có nhiều sản phẩm quy mô rộng như sầu riêng, thanh long, mít… nên ngoài sự điều phối từ Bộ NN-PTNT, cần có sự vào cuộc của các địa phương.
Về giải pháp cụ thể, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trong thời gian tới, sẽ thành lập 2 văn phòng điều phối tại Tây Nguyên và ĐBSCL để quản lý, quy hoạch và tổ chức sản xuất cho nông sản khu vực này.
Đây là thông tin được các doanh nghiệp và địa phương tham gia hội thảo hoan nghênh vì 2 khu vực nói trên có điều kiện sản xuất rất tốt, nếu thay đổi được cơ cấu thì sẽ đem lại hiệu quả lớn.