| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ

‘Mướt mồ hôi’ bảo toàn hồ chứa có đập đất cao nhất Bình Định

Thứ Sáu 11/11/2022 , 15:18 (GMT+7)

Hồ Núi Một xây dựng từ năm 1978, đập đất cao 32,5m, dài 630m. Qua gần 45 năm vận hành, con đập đất này đã không ít lần khiến cơ quan chức năng ‘hú hồn’.

Muôn mối nguy bủa vây đập đất

Những ngày đầu giải phóng, vì nhu cầu sản xuất, Bình Định xây dựng nhiều hồ chứa để tích nước tưới cho cây trồng. Trong đó có hồ chứa nước Núi Một nằm trên địa bàn xã Nhơn Tân (Thị xã An Nhơn, Bình Định) có dung tích chứa lớn nhất thời bấy giờ với 110 triệu m3.

Trong giai đoạn này, kinh tế đất nước còn khó khăn, hầu hết các hồ chứa ở Bình Định đều được xây dựng dựa vào sức dân, vật liệu được tận dụng tại chỗ, trực tiếp thi công chủ yếu là dân công nghĩa vụ và lực lượng 202 tại địa phương.

Hồ Núi Một thơ mộng trong tiết trời mùa hạ. Ảnh: V.Đ.T.

Hồ Núi Một thơ mộng trong tiết trời mùa hạ. Ảnh: V.Đ.T.

Năm 1977, Đoàn Quy hoạch Thủy lợi Liên khu 5 tiến hành khảo sát hồ chứa nước Núi Một trên con sông An Trường (xã Nhơn Tân); Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng thủy lợi 3 Nha Trang đảm nhiệm việc thiết kế; năm 1978 Công ty Xây dựng Thủy lợi 7 bắt đầu thi công đập đất và công lấy nước; Xí nghiệp Xây dựng Thủy lợi 1 Bình Định thi công tràn xả lũ, 1 đơn vị ở Ninh Bình vào thi công khoan phụt, còn hệ thống kênh mương thì do dân công nghĩa vụ và lực lượng 202 của địa phương thi công. Đến năm 1980 hồ chứa nước Núi Một hoàn thành đưa vào sử dụng.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, hồ chứa nước Núi Một được thi công trong hoàn cảnh “thắt lưng buộc bụng”, nên đập không được làm bằng bê tông. Mà đất, vật liệu có sẵn tại địa phương được ưu tiên lựa chọn. Do đó, con đập chắn ngang sông An Trường như “bức tường đất” cao đến 32,5m, dài 630m. Đến bây giờ, hồ Núi Một vẫn dẫn đầu Bình Định về hồ chứa có đập đất cao nhất tỉnh.

Theo ông Phú, quản lý hồ chứa có đập bê tông đã lắm chật vật trong bối cảnh thời tiết ngày càng “đỏng đảnh”, quản lý hồ chứa có đập đất cao như hồ Núi Một càng “mướt mồ hôi”. Bởi, đập đất thường bị các loài động vật chủ yếu là mối và chồn làm tổ trong thân đập, nếu không phát hiện được thì hang ổ của mối sẽ gây rò rỉ, dẫn tới vỡ đập. Lũ mối lại hay tìm đến những chỗ có nước, độ ẩm cao trong đất để làm ổ, mà chỗ ẩm trong đập đất không đâu ra ngoài dưới chân đập, nguy hiểm vô cùng.

Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi kiểm tra hồ chứa nước Núi Một. Ảnh: V.Đ.T.

Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi kiểm tra hồ chứa nước Núi Một. Ảnh: V.Đ.T.

Khi hồ tích đến mực nước dâng bình thường thì thường xảy ra trượt mái hạ lưu do dòng thấm từ thượng lưu về hạ lưu, nếu không phát hiện kịp thời thì mái hạ lưu sẽ sạt dẫn tới vỡ đập. Đống đá tiêu nước phía hạ lưu cũng thường xuyên bị tắt nghẽn, khiến đường bão hòa trong thân đập dâng lên, nếu không kịp thời phát hiện thì đường bão hòa dâng đến điểm ra mà nước không đổ vào đống đá tiêu nước, mà lại trút lên phần đất của mái đập sẽ dẫn đến trượt mái, vỡ đập.

Năm nay gần 60 tuổi, gần hết cuộc đời cống hiến cho ngành thủy lợi, ông Nguyễn Văn Phú, đúc kết kinh nghiệm: Vào mùa lũ, nếu điều tiết không hợp lý hoặc lượng mưa vượt tần suất thiết kế, nước tràn qua đỉnh đập cũng dễ gây vỡ đập. Trong quá trình quản lý cần phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời những vệt nứt ngang, nứt dọc trong thân đập. Nguy hiểm nhất là những vết nứt dọc, vết nứt kéo dài từ thượng lưu về hạ lưu, nếu không phát hiện kịp thời vết nứt từ nhỏ thành lớn, nứt sâu xuống thân đập sẽ gây vỡ đập rất nhanh.

Cống lấy nước cũ của hồ Núi Một trước khi được sửa chữa vào năm 2020. Ảnh: Đ.T.

Cống lấy nước cũ của hồ Núi Một trước khi được sửa chữa vào năm 2020. Ảnh: Đ.T.

Cống lấy nước nằm sâu bên dưới, nếu bị thấm 2 bên mang cống cũng rất nguy hiểm. Do cống nằm dưới sâu nên khó nhìn thấy. Trong quá trình vận hành không kiểm tra, nhất là vào mùa mưa lũ, để lỗ rò gây thấm to dần, làm trôi đất đi hết cũng sẽ gây vỡ đập.

“Đập đất hồ Núi Một chủ yếu được dân công nghĩa vụ đắp thủ công, vật liệu không phù hợp, trình độ kỹ thuật lại thô sơ, thi công vội vã để nhanh có tưới nên không đảm bảo kỹ thuật, thêm vào đó đầm nện không tốt nên trong quá trình vận hành dễ phát sinh nước thấm qua thân đập dễ gây vỡ đập. Trình độ kỹ thuật và thi công yếu cũng dẫn đén tình trạng xử lý nền đập không tốt, nhất là trước đó dưới thân đập có vũng bùn, hoặc có vùng cát mà không được xử lý rốt ráo trước khi đắp đất, sau này nước sẽ thấm qua bùn, cát tạo nên những mạch sủi, bãi sủi cục bộ dưới thân đập rất nguy hiểm”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, chia sẻ.

Qua 2 lần sửa chữa lớn, hồ Núi Một giờ đã an toàn

Năm 1999, đập đất của hồ Núi Một “lung lay” trước con lũ dữ khiến ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước “hú hồn”.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, nhớ lại: Giữa cơn “đại hồng thủy” xảy ra vào tháng 11/1999, đập đất của hồ chứa nước Núi Một phát sinh thấm qua thân và nền đập đến hàng trăm lỗ, nước chảy ào ào, nguy cơ cao bị vỡ đập. Đơn vị quản lý hồ lập tức báo cáo cho ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp và lập tức lên phương án ứng phó.

Tràn tự do được làm thêm tại hồ Núi Mộ để tăng thêm năng lực xả lũ của khi xảy ra mưa vượt tần suất thiết kế để an toàn cho hồ. Ảnh: V.Đ.T.

Tràn tự do được làm thêm tại hồ Núi Mộ để tăng thêm năng lực xả lũ của khi xảy ra mưa vượt tần suất thiết kế để an toàn cho hồ. Ảnh: V.Đ.T.

Khi ấy, đèn măng sông được tổ quản lý đầu mối hồ Núi Một thắp sáng kín mái đập, lực lượng bộ đội Lữ đoàn Pháo-phòng không 573 từ phường Nhơn Hòa tập trung về; dân quân, du kích 3 xã Nhơn Tân, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ (Thị xã An Nhơn) và người dân địa phương có đến hàng trăm người dồn về hồ Núi Một để ứng cứu sự cố. Đơn vị quản lý hồ khi ấy là Công ty Quản lý Thủy nông Bình Định (nay là Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định) khẩn cấp khắc phục bằng cách khoanh vùng những điểm rò rỉ, tổ chức lọc ngược để ngăn không cho đất trong thân đập theo nước trôi đi làm vỡ đập.

“Lọc ngược là thuật ngữ của ngành thủy lợi, nghĩa là lấy cát cho trực tiếp vào những nơi rò rỉ để giữ đất, lớp cát dày 30-40cm; sau đó cho vào lớp cát là lớp sạn 1-2, tiếp đến là lớp sạn 3-4, ngoài cùng là lớp sạn 4-6. Suốt 3 ngày 3 đêm liền hàng trăm người nấu cơm ăn tại chỗ, vừa khắc phục lỗ rò cũ, phát hiện lỗ rò mới để xử lý, đến khi nước từ thân đập chảy ra không còn đục mới yên tâm, bởi khi ấy đất không còn theo nước rời khỏi thân đập”, ông Phú giải thích.

Qua cơn “đại hồng thủy” năm ấy, sang năm 2000, hồ Núi Một được Bộ NN-PTNT đầu tư sửa chữa lớn lần thứ nhất với các hạng mục: Làm tường nghiêng chân khay bằng vật liệu đất sét luyện áp vô thượng lưu mái đập đất cũ, để cắt dòng thấm từ thượng lưu về hạ lưu đập để tăng sự ổn định cho đập đất, đồng thời khoan phụt bằng dung dịch vữa đất sét 2 bên mang cống và trần cống.

Hiện nay, công trình đầu mối hồ chứa nước Núi Một được vận hành bằng những thiết bị hiện đại. Ảnh: Đ.T.

Hiện nay, công trình đầu mối hồ chứa nước Núi Một được vận hành bằng những thiết bị hiện đại. Ảnh: Đ.T.

“Đến giai đoạn 2019-2020, ngoài tràn xả sâu 2 cửa, hồ Núi Một tiếp tục được Bộ NN-PTNT đầu tư sửa chữa lớn lần 2. Lần này hồ Núi Một được làm thêm 1 tràn tự do để tăng thêm năng lực xả lũ của hồ khi xảy ra mưa vượt tần suất thiết kế để an toàn cho hồ. Cống lấy nước cũ cũng phá bỏ, xây dựng cống lấy nước mới bằng hình thức tuy nen. Sau khi khoan, cống lấy nước mới được áo 1 lớp bê tông chung quanh cống và đổ bê tông cốt thép dưới cống, đến giờ này thì hồ Núi Một đã được an toàn từ đập đến cống”, ông Nguyễn Văn Phú cho hay.

“Hồ chứa nước Núi Một có dung tích 110 triệu m3, có năng lực tưới cho 8.760 ha đất nông nghiệp tại thị xã An Nhơn. Ngoài ra, còn bổ sung nước cho đập Thạnh Hòa tưới thêm 6.200 ha lúa vụ hè thu và 2.600 ha lúa vụ mùa của huyện Tuy Phước. Bình Định có địa hình từ núi ra biển rất ngắn và dốc, nên dòng chảy vào mùa mưa rất nhanh, lũ rất hỗn. Còn mưa thì còn nước, hết mưa là hết nước, do đó phải làm nhiều hồ chứa để giữ nước trong mùa mưa, đến mùa nắng phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, chia sẻ.

Xem thêm
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội trước sau đó bầu Chủ tịch nước

Công tác nhân sự sẽ được Quốc hội khóa XV thực hiện từ 20-22/5, trong đó chức danh Chủ tịch Quốc hội sẽ được bầu trước, sau đó là chức danh Chủ tịch nước.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.