| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ

Con đập có ngưỡng tràn Piano dài nhất thế giới

Thứ Ba 08/11/2022 , 13:01 (GMT+7)

Nhìn đập dâng Văn Phong từ phía hạ lưu, ngưỡng tràn dài hơn 300m được thiết kế trông như bàn phím chiếc đàn Piano bằng nước hiện ra lấp lánh dưới ánh nắng…

Ngưỡng tràn Piano dài nhất thế giới

Hợp phần khu tưới Văn Phong nằm trong dự án thủy lợi hồ chứa nước Định Bình, được phê duyệt dự án đầu tư với tổng số vốn 2.070 tỷ đồng; gồm hệ thống đập dâng 544 tỷ, hệ thống kênh tưới 1.526 tỷ, được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư.

Giữa dòng sông Kôn đi qua địa bàn 2 xã Bình Tường và Bình Thành (huyện Tây Sơn, Bình Định), 1 con đập bê tông sừng sững, hoành tráng có ngưỡng tràn thiết kế tựa phím đàn Piano nằm vắt ngang dòng sông. Hợp phần khu tưới Văn Phong chính thức đi vào hoạt động vào cuối tháng 4/2015, bao gồm đập dâng Văn Phong dài 542m, hệ thống kênh tưới dài 247km và hơn 3.350 công trình trên kênh.

Đập dâng Văn Phong hoành tráng có ngưỡng tràn thiết kế tựa phím đàn Piano nằm vắt ngang sông Kôn. Ảnh: V.Đ.T.

Đập dâng Văn Phong hoành tráng có ngưỡng tràn thiết kế tựa phím đàn Piano nằm vắt ngang sông Kôn. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Đoàn Văn Luyện, khi ấy là Phó Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 6 phụ trách kỹ thuật (đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT) giám sát thi công công trình, thiết kế phần đập tràn mang hình phím đàn Piano kết hợp với đập tràn có cửa nhằm tăng lưu lượng thoát lũ cho đập, giảm ngập ở thượng lưu khi lũ về, tiết kiệm chi phí xây dựng công trình. Hệ thống kênh tưới được xây dựng kiên cố, đảm bảo ổn định lâu dài và nâng cao hiệu quả tưới.

Trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công phải xử lý nhiều vấn đề về kỹ thuật, công nghệ; đặc biệt là phải nghiên cứu áp dụng thi công bê tông bằng phương pháp tự đầm, một phương pháp thi công tiên tiến lần đầu tiên được áp dụng để thi công các cánh tràn Piano với kết cấu mỏng, nhiều cốt thép với khối lượng bê tông lớn.

Cũng theo ông Luyện, việc thi công hệ thống kênh tưới cũng khá phức tạp, khó khăn, do dàn trải trên địa bàn rộng lớn có địa hình, địa chất đa dạng. Tổng khối lượng thực hiện công trình là rất lớn, gồm hơn 5.300.000m3 đào đắp đất đá, hơn 397.000m3 bê tông, 5.900m3 đá xây lát, trên 9.560 tấn thép và cơ khí các loại.

Những 'phím đàn' Piano bằng nước của đập dâng Văn Phong lấp lánh dưới ánh nắng. Ảnh: V.Đ.T.

Những “phím đàn” Piano bằng nước của đập dâng Văn Phong lấp lánh dưới ánh nắng. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Đoàn Văn Luyện phân tích: Ngưỡng tràn được thiết kế như phím đàn Piano làm tăng khả năng xả nước lên gấp 4 lần so với tràn bình thường. Bởi, tràn bình thường được thiết kế ngưỡng tràn thẳng, trong khi tràn Piano thiết kế ngưỡng tràn hình chữ U, chạy dích dắc, nên chiều dài ngưỡng tràn tăng cao làm tăng khả năng xả nước, phát huy tối đa lợi ích.

Nếu đập dâng Văn Phong được thiết kế làm tràn có cửa thì xuyên suốt từ bờ bên này sang bờ bên kia có đến mấy chục cửa tràn thì không thể vận hành nổi, kinh phí xây dựng lại tăng cao, trong khi ngưỡng tràn Piano là tràn tự do nên cửa tràn giảm xuống chỉ còn 10 cửa.

“Đập dâng Văn Phong là công trình thủy lợi của Việt Nam đầu tiên áp dụng thi công bê tông bằng phương pháp tự đầm, bởi cánh tràn quá mỏng, có 1 đơn vị cấp phối quản lý. Ngưỡng tràn Piano đã được làm nhiều tại các nước thế giới, nhưng ngưỡng tràn chỉ dài vài chục mét, trong khi ngưỡng tràn Piano của đập dâng Văn Phong dài đến hơn 300m, nên đây là con đập có ngưỡng tràn Piano dài nhất thế giới”, ông Luyện chia sẻ.

Ngày 27/4/2015 Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ khánh thành Hợp phần khu tưới Văn Phong. Ảnh: V.Đ.T.

Ngày 27/4/2015 Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ khánh thành Hợp phần khu tưới Văn Phong. Ảnh: V.Đ.T.

Đập dâng Văn Phong nối 2 bờ sông Kôn đoạn chảy ngang qua huyện Tây Sơn như một nét vẽ mỹ miều, hơn thế, nhờ có đập dâng Văn Phong dâng nước nên đoạn sông này như được khoác lên mình “chiếc áo thủy mặc” cực đẹp với mênh mông sóng nước, mở ra hướng cho huyện bán sơn địa này phát triển du lịch.

Tăng diện tích chủ động nước tưới lên 85%

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Định, đơn vị quản lý đập dâng Văn Phong, nếu không có đập dâng Văn Phong thì hồ Định Bình với dung tích thiết kế hơn 226 triệu m3 nước nhưng chỉ có thể cung cấp nước tưới cho 14.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ở TP.Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và 1 phần của huyện Phù Cát. Cực kỳ phung phí, bởi, sau khi tưới cho số diện tích nói trên, lượng nước còn lại của hồ Định Bình xả xuống đều trôi tuột ra biển.

Từ khi có đập dâng Văn Phong, con đập này có nhiệm vụ dâng nước từ hồ Định Bình xả xuống thành cột nước cao tiếp tục cung cấp về các vùng xa, nên có thêm 14.000 ha đất sản xuất ở những vùng đất khó trong tỉnh Bình Định được chủ động nước tưới. Có thể khẳng định, đập dâng Văn Phong đã tiếp sức cho hồ Định Bình phát huy tối đa hiệu quả.

Nhờ đập dâng Văn Phong đưa nước về nên người dân xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) khấm khá lên nhờ những vườn xoài cát Hòa Lộc. Ảnh: V.Đ.T.

Nhờ đập dâng Văn Phong đưa nước về nên người dân xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, Bình Định) khấm khá lên nhờ những vườn xoài cát Hòa Lộc. Ảnh: V.Đ.T.

Là người đang thực thi nhiệm vụ quản lý những công trình thủy lợi lớn trong tỉnh Bình Định, cung cấp nước tưới cho hàng chục ngàn ha đất sản xuất, không ai rõ hơn ông Nguyễn Văn Phú về lợi ích đập dâng Văn Phong mang lại. Theo chia sẻ của ông Phú, trước khi đập dâng Văn Phong đi vào hoạt động, những vùng đất bạc màu ở các xã Bình Tân, Bình Thuận (huyện Tây Sơn) mỗi năm nông dân chỉ sản xuất được 1 vụ lúa đông xuân, nhưng năng suất cho chẳng là bao, thời gian còn lại trong năm đồng ruộng ở đây đều bị bỏ hoang hóa vì không có nước tưới.

Khi nước của hồ Định Bình được hệ thống kênh mương của khu tưới Văn Phong đưa về, đất đai ở những địa phương nói trên trở nên mầu mỡ, nông dân đã có thể canh tác các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế như đậu phộng (lạc), năng suất lại rất cao nhờ chủ động nước tưới, thu nhập của nông dân được cải thiện đáng kể, nhiều hộ trở nên giàu có. Hoặc như những vùng đất cát khô khốc ở các xã Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Hanh (huyện Phù Cát) trước đây cây điều, cây keo cũng không phát triển nổi, thì giờ nông dân đang “ăn nên làm ra” từ những vườn xoài cát Hòa Lộc xanh mướt và những cánh đồng sản xuất đậu phộng mênh mông.

Nhờ nguồn nước của hồ Định Bình đưa về thông qua hệ thống kênh mương Văn Phong, nông dân xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Ảnh: V.Đ.T.

Nhờ nguồn nước của hồ Định Bình đưa về thông qua hệ thống kênh mương Văn Phong, nông dân xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Ảnh: V.Đ.T.

Không chỉ vậy, cột nước cao của đập dâng Văn Phong đã bổ sung mạch nước ngầm cho những vùng đất thường xuyên bị cạn kiệt nước sinh hoạt vào mùa khô như 2 xã Bình Tân và Bình Thuận (huyện Tây Sơn) và một số xã ở 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ. Nhờ đó, cả những năm hạn hán gay gắt, nước giếng ở những vùng đất nói trên không bị cạn kiệt.

“Những năm gần đây, mặc dù thời tiết nắng hạn cực đoan, nhưng nhờ đập dâng Văn Phong tiếp nước hồ Định Bình cho lưu vực sông La Tinh, nên đồng ruộng của 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ nằm trong khu tưới của hồ chứa nước Hội Sơn không còn bị hạn hán đe dọa như những năm trước đây. Nhờ đập dâng Văn Phong, diện tích sản xuất nông nghiệp chủ động nước tưới ở Bình Định tăng lên đến 85%”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho biết thêm.

Vùng đất xưa nay đến cả cây điều, cây mì (sắn) sống không nổi nhưng nay nhờ nước đập dâng Văn Phong đưa về nên hiện nay nông dân đã trồng được cây đậu phộng (lạc) có hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.Đ.T.

Vùng đất xưa nay đến cả cây điều, cây mì (sắn) sống không nổi nhưng nay nhờ nước đập dâng Văn Phong đưa về nên hiện nay nông dân đã trồng được cây đậu phộng (lạc) có hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Đoàn Văn Luyện, khi ấy là Phó Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 6 phụ trách kỹ thuật, giám sát thi công công trình đập dâng Văn Phong, đây là công trình có quy mô cấp 2, chiều cao lớn nhất 27,70m, chiều dài 565m; trong đó, phần đập tràn dài 473,75m, gồm 301,75m tràn được thiết kế như phím đàn Piano ở 2 bên và  172m tràn xả sâu ở giữa với 10 khoang tràn, được lắp cửa van cung thép, đóng mở bằng hệ thống xy lanh thủy lực. Còn lại là đập không tràn ở 2 bờ và Nhà máy thủy điện có công suất 6,6 MW ở bờ phải; có 2 cống lấy nước tưới. Trên đỉnh đập có cầu giao thông, trọng tải HL93.

“Hệ thống kênh tưới Văn Phong bao gồm kênh chính dài 34km và gần 212,5km kênh cấp dưới cùng gần 3.000 công trình các loại trên kênh. Các công trình thuộc Hợp phần khu tưới Văn Phong được thiết kế, thi công với kết cấu, công nghệ hiện đại, tiên tiến. Đây được coi là thành tựu ứng dụng tiến bộ khoa học trong ngành xây dựng thủy lợi”, ông Đoàn Văn Luyện chia sẻ.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Khoa học công nghệ là đột phá đưa đất nước phát triển

Tổng Bí thư mong muốn, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học nỗ lực cùng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của đất nước trong giai đoạn mới.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Một cuộc họp 'vô tiền khoáng hậu' vì dân của thành phố Hạ Long

QUẢNG NINH Hội nghị của thành phố Hạ Long hôm nay không như thường lệ, cán bộ phải phát biểu vo, hiểu đến đâu nói đến đó và 'cấm' mang tài liệu vào để đọc.

Vợ chồng thương binh nghèo vẫn nhận nuôi một người mù lòa suốt 28 năm

'Chả hôm nay ngon lắm mẹ ạ'. Bà lão mù hơn 80 tuổi nói với người mẹ nuôi hơn 60 tuổi của mình như vậy nhưng thực ra chả ấy lại là trứng rán.