| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ

Thuỷ lợi Tân Mỹ- đập bê tông dài nhất Việt Nam

Thứ Tư 02/11/2022 , 14:04 (GMT+7)

Quá trình chuẩn bị dự án Hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ có quá nhiều bài toán “cân não” phải giải quyết, từ lựa chọn vị trí tuyến đến vật liệu xây đập Sông Cái.

Hệ thống đập hồ chứa nước Sông Cái (thuộc Hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ) gồm đập chính và 4 đập phụ được làm bằng bê tông đầm lăn có tổng chiều dài 2.770m. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hệ thống đập hồ chứa nước Sông Cái (thuộc Hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ) gồm đập chính và 4 đập phụ được làm bằng bê tông đầm lăn có tổng chiều dài 2.770m. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nếu không có sự quyết đoán và tư duy đổi mới để thay đổi phương án ban đầu, có một điều chắc chắn rằng, Hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ sẽ có hình hài, công năng rất khác so với hiện nay. Hồ chứa nước Sông Cái sẽ không có hệ thống đập bê tông dài nhất Việt Nam (gần gấp 3 lần đập Thuỷ điện Sơn La) và nhiều kỷ lục khác.

Những quyết định giúp tiết kiệm 3.000 tỷ đồng

Bài liên quan

Ai đã từng đặt chân đến vùng đất Ninh Thuận các đây 2 năm trở về trước đều cảm nhận được sự khắc nghiệt của vùng khí hậu "xavan" ở Việt Nam với lượng mưa ít nhất cả nước khoảng 700mm/năm trong khi lượng bốc hơi lên tới 1.400mm. Nguồn nước ngầm chỉ bằng 1/3 cả nước.

Tại các huyện khô khát nhất Ninh Thuận là Ninh Sơn, Phước Sơn, Bác Ái, vào mùa khô (kéo dài từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau), hàng chục nghìn hộ dân phải vật vã để tìm kiếm nước sinh hoạt. Nhiều vùng đất ruộng nứt nẻ, khô khốc, bà con đành bỏ ruộng hoang bởi chẳng cây trồng nào sống nổi. Ngay cả loài cừu là vật nuôi chịu khô hạn tốt nhất cũng phải gục ngã bên những đồng cỏ cháy khô vì đói và khát.

Để “giải hạn” cho tỉnh Ninh Thuận, Bộ NN-PTNT đã cử các chuyên gia tiến hành khảo sát, nghiên cứu đầu tư xây dựng đập ngăn sông Cái Phan Rang để tạo hồ trữ nước vào mùa mưa, phục vụ tưới cho khoảng 3.800ha thuộc 2 huyện Bác Ái và Ninh Sơn. Theo phương án ban đầu, vị trí xây dựng đập dâng được chọn ở phía hạ lưu sông Cái ở cao độ 65m so với mực nước biển.

Tuy nhiên, khi đoàn công tác của Bộ NN-PTNT (khi ấy do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng dẫn đầu) trực tiếp khảo sát tại hiện trường thì phát hiện ra một số bất cập. Thứ nhất, vị trí tuyến xây đập gần về phía biển, nếu mở cống đập để cấp nước cho vùng hạ du thì phần lớn lượng nước ngọt trôi ra biển, rất lãng phí.

Để tận dụng, khai thác tối đa lượng nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, các chuyên gia thuỷ lợi đã tư vấn phương án dùng hệ thống ống dẫn nước khép kín thay cho mương hở. Điều này vừa tránh tình trạng thất thoát nguồn nước do bốc hơi bề mặt, vừa điều tiết nguồn nước dễ dàng, tiết kiệm. Tuy nhiên, nếu xây đập ở cao độ 65m theo phương án ban đầu thì không thể dùng đường ống nước được, buộc phải chọn vị trí khác cao hơn.

Hồ Sông Cái - Công trình giải hạn cho tỉnh Ninh Thuận - vùng đất khô khát nhất nước ta. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hồ Sông Cái - Công trình giải hạn cho tỉnh Ninh Thuận - vùng đất khô khát nhất nước ta. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thế là dự án buộc phải dừng lại. Áp lực từ Trung ương xuống địa phương là rất lớn, nhất là khi người dân nhiều vùng khô khát của Ninh Thuận đang quay cuồng vì thiếu nước. Cuối cùng, chúng ta đã chọn được vị trí xây đập ưng ý, đó là cao độ 100m so với mực nước biển. Đây cũng là công trình thủy lợi đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ đường ống dẫn nước với đường kính lớn lên tới 2m, với chiều dài gần 30.000m.

Việc thay đổi phương án tuyến xây dựng đập kéo theo vô vàn thủ tục pháp lý cần giải quyết. Không những thế, Bộ NN-PTNT phải chứng minh được tính khả thi, sự phù hợp và tính hiệu quả của phương án mới, nhất là khi nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được ấn định, nếu không nhanh chóng khởi công xây dựng thì khó đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đây thực sự là bài toán “cân não” cho Bộ NN-PTNT.

Dẫu mất nhiều thời gian chuẩn bị, dẫu mất nhiều công sức, cái giá phải trả là rất lớn nhưng kết quả chúng ta nhận được còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Đập hồ chứa nước Sông Cái được xây dựng trên dòng chính sông Cái Phan Rang tại cao trình 100m so với mực nước biển trên sông Cái. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đập hồ chứa nước Sông Cái được xây dựng trên dòng chính sông Cái Phan Rang tại cao trình 100m so với mực nước biển trên sông Cái. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cụ thể, nếu như chúng ta đầu tư xây dựng công trình theo phương án ban đầu thì hệ thống thủy lợi Tân Mỹ chỉ phục vụ tưới được cho khoảng 3.800ha. Nhưng khi chọn vị trí xây đập ở cốt 100, diện được phục vụ tưới trực tiếp từ công trình sẽ được nâng lên hơn 7.400ha, tức là tăng gần gấp đôi so với phương án cũ. Suất đầu tư để phục vụ tưới cho 1ha theo phương án cũ là 1 tỷ đồng, thì nay giảm xuống chỉ còn 600 triệu đồng. Theo công thức tính ấy, 7.400ha sẽ tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ đồng, hiệu quả kinh tế rất rõ ràng bằng những con số.

Nhưng, hiệu quả kinh tế chỉ là một phần. Việc xây đập trên cao kết hợp với đường ống kín còn giúp luân chuyển nguồn nước từ hồ Sông Cái đi tất cả các địa bàn thiếu nước của tỉnh Ninh Thuận, thậm chí dẫn nước ra tận Cam Ranh - một khu vực thiếu nước của tỉnh Khánh Hòa.

Nơi nào cần nước thì chỉ cần đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước và đấu nối với hệ thống ống chính là được. Ngoài hơn 7.400ha được tưới trực tiếp, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ còn cấp nguồn bổ sung cho hệ thống thủy nông Nha Trinh – Lâm Cấm để đảm bảo tưới đủ nước cho 12.800ha.

Đập bê tông dài gần gấp 3 lần đập thuỷ điện Sơn La

GS. TS Phan Sỹ Kỳ - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Tổ trưởng Tổ Chuyên gia kỹ thuật của Bộ NN-PTNT, chia sẻ: Sau khi đã lựa chọn được vị trí xây đập phù hợp, thì lại phát sinh rất nhiều vấn đề khác cần giải quyết.

GS. TS Phan Sỹ Kỳ - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Tổ trưởng tổ Chuyên gia kỹ thuật của Bộ NN-PTNT chia sẻ về quá trình xây dựng Hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ. Ảnh: Minh Phúc.

GS. TS Phan Sỹ Kỳ - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Tổ trưởng tổ Chuyên gia kỹ thuật của Bộ NN-PTNT chia sẻ về quá trình xây dựng Hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ. Ảnh: Minh Phúc.

Trước hết, đập Tân Mỹ có tổng chiều dài đập chính và 4 đập phụ là 2.770m (tức dài gần gấp 3 lần đập thủy điện Sơn La). Phương án ban đầu được phê duyệt là làm đập chính bằng bê tông, còn 4 đập phụ làm đập đá đổ lõi giữa, tức là lõi bằng đất còn xung quanh là các cục đá.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thắng (chuyên gia vật liệu – thành viên Tổ Chuyên gia kỹ thuật của Bộ NN-PTNT) tâm sự: Khi khảo sát thực địa, việc tìm kiếm các mỏ đá, mỏ đất sét rất khó khăn, chất lượng đất cũng không đảm bảo vì chủ yếu là cát. Trước đây, vùng Nam Trung bộ đã có một số đập đất bị vỡ do vật liệu xây dựng không phù hợp.

Một đập dài như Tân Mỹ mà đắp bằng đất thì khó đảm bảo về chất lượng cũng như tiến độ thi công. Bởi vậy, các chuyên gia tư vấn đã đề xuất Bộ NN-PTNT thay đổi phương án, chuyển từ xây đập đất đá kết hợp sang đập bê tông đầm lăn.

Sau khi cân nhắc tất cả yếu tố địa hình địa chất, kinh phí đầu tư, tiến độ hoàn thành, chất lượng công trình và nhất là mức độ đảm bảo an toàn, Cục Quản lý xây dựng công trình đã đề xuất Bộ lựa chọn phương án xây toàn bộ đập Tân Mỹ bằng bê tông đầm lăn. Cuối cùng, phương án trên đã được phê duyệt.

Thực tế đã chứng minh, việc xây đập bằng bê tông đầm lăn thay vì đập đất đá hỗn hợp như ban đầu là sự lựa chọn cực kỳ sáng suốt. Bởi, trong giai đoạn thi công xây dựng đập Sông Cái – Hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ, tháng 7/2018 xảy ra thảm hoạ vỡ đập đất đá hỗn hợp thuỷ điện Xepian-Xe Nam Noy ở Lào (cũng đang trong giai đoạn thi công và chuẩn bị tích nước) gây nên lũ lụt kinh hoàng khiến hơn 40 người thiệt mạng và nhiều người khác mất tích, hàng nghìn cư dân bị mất nhà cửa. Một số ngôi làng ở huyện Sanamxay bị lũ quét sạch.

Việc xây đập hồ chứa nước Sông Cái bằng bê tông đầm lăn thay vì đập đất đá hỗn hợp như ban đầu là sự lựa chọn cực kỳ sáng suốt của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Kim Sơ.

Việc xây đập hồ chứa nước Sông Cái bằng bê tông đầm lăn thay vì đập đất đá hỗn hợp như ban đầu là sự lựa chọn cực kỳ sáng suốt của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Kim Sơ.

Khi ấy, tất cả mọi người mới thấy quyết định “khai tử” phương án xây đập đất đá hỗn hợp là đúng. Nếu “quả bom nước” hơn 200 triệu m3 của hồ Sông Cái treo trên đầu người dân cũng xảy ra tình trạng vỡ đập như vậy, thì hậu hoạ thật khủng khiếp.

Ngoài việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, việc xây dựng đập bằng bê tông đầm lăn còn mang lại hiệu quả mà không có tiền nào mua được, đó là tiết kiệm thời gian. “Nếu chúng ta xây dựng đập đất đá, thì có lẽ giờ này chúng ta chưa đắp xong. Chỉ trong vòng 1,5 năm kể từ khi rải lớp bê tông đầu tiên thì đến tháng 10/2020 là hoàn thành để giải ngân cho hạng mục bê tông. Đây thực sự là kỳ tích của lĩnh vực thuỷ lợi Việt Nam.

Bên cạnh đóng góp của đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, chủ đầu tư, ban quản lý dự án thì thành công của Hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ có được một phần là nhờ Bộ NN-PTNT đã tập hợp được đội ngũ chuyên gia giỏi trong tất cả các lĩnh vực, gồm chuyên gia kết cấu, chuyên gia vật liệu, chuyên gia địa chất, chuyên gia khí tượng thuỷ văn,… Trong đó, có những “lão tướng” dày dạn kinh nghiệm, trưởng thành trên những công trường tầm vóc hàng đầu Việt Nam như Thuỷ điện Hoà Bình, Thuỷ điện Sơn La, Thuỷ điện Lai Châu, Thuỷ điện Bản Chát, Thuỷ điện Bản Vẽ. Đây đều là những công trình có đập gần như cao nhất Việt Nam.

Muốn có cống hiến của các chuyên gia thì phải có người tập hợp lại. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã lắng nghe, dám quyết định và dám chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình đối với các vấn đề còn đang tranh cãi. Đó mới là bản lĩnh thực thụ của người lãnh đạo.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...